Từ trung tâm huyện lỵ Sông Hinh, đi theo ĐT 645 chừng non cây số, rẽ vào tuyến đường cấp phối đá dăm mới mở dài khoảng 2km, chúng tôi vào buôn mới Suối Mây. Đó là một khu đồi rộng 5,5 ha thuộc khóm 6 thị trấn Hai Riêng, được san ủi để tái định cư cho 19 hộ dân của buôn Suối Mây nằm trong lòng hồ thuỷ điện Sông Ba Ha phải di dời.
Khu tái định cư này đã có những công trình hạ tầng thiết yếu như đường nội vùng, lưới điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà văn hoá, nhà mẫu giáo. Còn dọc hai bên con đường chính của buôn đã có nhiều ngôi nhà mới khang trang. Những ngôi nhà mới ở đây hầu hết đều là nhà cấp 4 nhưng xây dựng khá hiện đại. Mặt tiền nhà nào cũng ốp gạch men, cửa kính sáng loáng. Hộ anh Vi Văn Hiến là một trong những gia đình sớm đến khu tái định cư đã ổn định chỗ ở trong ngôi nhà rộng 70 m2 nền lát gạch men, cửa sắt kéo và đủ các công trình phụ nhà bếp, nhà vệ sinh với giá trị xây dựng gần 100 triệu đồng. Vợ anh bày bán nước giải khát cùng những mặt hàng sinh hoạt thường ngày. Trong nhà có cả dàn máy karaoke hiện đại, xe máy đời mới. Người vợ trẻ Hoàng Thị Danh với nụ cười rạng rỡ bảo: “Nhờ có tiền đền bù mà xây dựng nhà to thế này, mừng lắm chớ. Cuộc sống cũng đã tạm ổn”. Anh Lê Văn Đảng có nhà đang xây chuẩn bị hoàn thiện cũng rất phấn khởi, giãi bày: “Nhờ được đền bù 240 triệu đồng, gia đình đã mua được 2 ha đất rẫy với giá 23 triệu đồng và xây ngôi nhà này mất khoảng 90 triệu. Sau khi xây dựng nhà cửa xong, tôi sẽ tìm mua thêm vài con bò để làm ăn lâu dài”. Anh cho biết thêm, tất cả 19 hộ của buôn Suối Mây đều đã nhận tiền đền bù, hộ thấp nhất cũng được 70 triệu đồng, còn hộ nhiều được hơn 330 triệu đồng. Trong khi vừa lo ổn định chỗ ở, ai cũng lo mua đất mua bò để bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Nhà dân xây dựng tại khu tái định cư Suối Mây - Ảnh: N.T
Năm 1987, nhiều hộ đồng bào Tày, Nùng từ huyện miền núi Văn Quang (Lạng Sơn) di cư tự do đã tìm đến Sông Hinh và chọn vùng đất hẻo lánh dọc triền bờ sông Ba thuộc buôn Suối Mây của thị trấn Hai Riêng lập nghiệp. Gặp đất đai tương đối màu mỡ và chịu khó làm ăn nên cuộc sống của bà con dần dần khá lên. Tuy nhiên, do sống nơi có địa hình phức tạp, đường vào buôn chỉ là một lối mòn lượn theo triền núi, việc đi lại, lưu thông hàng hoá rất khó khăn nên điều kiện sinh hoạt của bà con trong buôn còn nhiều thiếu thốn. Nhà cửa của bà con hầu hết còn tạm bợ với những mái tranh, vách ván. Dự án thuỷ điện Sông Ba Hạ triển khai xây dựng thì buôn Suối Mây nằm ngay vị trí thi công vai phải đập chính. Trong khu vực này có 33 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, đất sản xuất với diện tích thu hồi 109,12 ha, trong đó có 19 hộ phải di dời nhà ở.
Để bảo đảm cho việc thi công công trình thuỷ điện lớn này, BQL dự án thuỷ điện 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, thoả thuận các địa điểm xây dựng các khu tái định cư. Khu tái định cư buôn Suối Mây dịch gần về phía trung tâm thị trấn Hai Riêng và cách nơi ở cũ chừng 1 km nằm trên một khu đồi rộng rãi. Việc san ủi tạo mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng ở đây tiến hành khá nhanh nên từ tháng 8- 2005, khu tái định cư Suối Mây bắt đầu tiếp nhận dân đến tái định cư. Các hộ dân nằm trong diện di dời đến đây đều được cấp 400 m2 đất ở và 1000 m2 đất vườn. Còn việc xây nhà, người dân tự thuê thợ làm theo ý muốn, được BQL dự án thuỷ điện 3 cấp tiền theo tiêu chuẩn xây nhà cấp 4 có diện tích 50 m2 cùng nhà bếp, nhà vệ sinh (đối với hộ có 4 khẩu) trị giá 71 triệu đồng đến 54 m2 (đối với hộ trên 6 khẩu) trị giá 78,5 triệu đồng. Ông Trần Trung Thành, Trưởng phòng Môi trường- Tái định cư BQL dự án thuỷ điện 3 cho biết, tổng vốn đầu tư cho khu tái định cư Suối Mây đã thực hiện lên tới 4.468 triệu đồng, tính ra bình quân mỗi hộ được đầu tư trên 235 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền đền bù nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hoa màu và vật kiến trúc trên diện tích thu hồi trong khu vực trị giá 5,5 tỷ đồng. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Đặng Đình Toại cho biết, khu tái định cư này có cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ và còn thừa quỹ đất có khả năng tiếp nhận khoảng 15 hộ nữa. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục đưa những hộ dân còn ở rải rác trong vùng đến định cư để họ có cuộc sống ổn định hơn.
Tuy vậy, ở buôn mới Suối Mây vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Tuyến đường đất cấp phối trong thôn đã trở nên lầy lội do nền đất yếu lại quá tải do xe chở vật liệu xây nhà; các hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ di dời và hỗ trợ lương thực trong thời gian ổn định chỗ ở và phục hồi sản xuất. Giải thích với chúng tôi về những tồn tại trên, ông Trần Trung Thành cho biết: “Chúng tôi đã thấy những vấn đề đó, đang lập kế hoạch nâng cấp mặt đường bằng cấp phối đá dăm như tuyến đường từ QL 25 vào buôn. Còn các khoản hỗ trợ di dời, lương thực thuộc về chính sách phải thực hiện nhưng chúng tôi đang lên phương án tổng thể của dự án nên cần có thời gian, cố gắng sẽ cấp đầy đủ cho bà con trong năm nay.” Bà con cũng phản ảnh, hệ thống cấp nước sinh hoạt đôi khi cũng “trục trặc” lúc thì đường ống bị hỏng, lúc thì thiếu nước. Và vấn đề đáng quan tâm nữa, là hầu hết các hộ dân ở Suối Mây đều nhận tiền đền bù đất đai và tự tìm mua đất. Do vậy, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chuyển nhượng san sẻ đất đai cho bà con Suối Mây nhanh chóng ổn định sản xuất, hoà nhập cuộc sống cộng đồng.
NGUYÊN TRƯỜNG