Thiên tai, thời tiết xấu kéo dài đã làm cho năng suất lúa đông xuân ở 8/9 huyện, thành phố trong tỉnh ở mức khá thấp so với nhiều năm qua. Tại nhiều địa phương, nông dân có nguy cơ mất khả năng tái đầu tư cho vụ tới.
Nông dân thôn Lộc Đông, xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa) thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: L.KHA |
NĂNG SUẤT THẤP HƠN NHIỀU NĂM
Tổng diện tích lúa đông xuân 2007 - 2008 của Phú Yên là 25.640ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năng suất của vụ đông xuân này thấp hơn nhiều năm qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là thời tiết xấu. Trong tháng 1/2008, khi phần lớn diện tích lúa đông xuân đang làm đòng, các trà lúa đầu vào giai đoạn trổ bông đã gặp 2 đợt áp thấp nhiệt đới với mưa lớn kéo dài. Mưa đã gây ngập úng tới 9.600ha lúa, trong đó khoảng 2.500ha bị hư hại hoàn toàn. Nông dân chỉ khôi phục được một phần; có tới 1.243ha phải bỏ hoang trong vụ đông xuân này.
Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuy An, năng suất thực thu vụ này của huyện ở mức 47,5 tạ/ha, giảm 13,8 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Những địa phương có năng suất cao nhất của huyện cũng chỉ đạt từ 51 - 57,3 tạ/ha. Nếu tính năng suất gieo trồng, con số còn thấp hơn rất nhiều bởi nhiều diện tích bị hư hại do mưa và triều cường gây ngập úng. Riêng 2 HTX Đông An Ninh và Đông An Cư đã có 51ha bị hư hại không khắc phục được.
Tại huyện Đông Hòa, năng suất bình quân chỉ khoảng 45 tạ/ha, giảm 20 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Hàng loạt cánh đồng ở các xã phía đông của huyện bị ngập úng lâu ngày do mưa và triều cường nên năng suất rất thấp. Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đông Hòa Dương Tấn Trung cho hay: Các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung, Hòa Xuân Đông bị thiệt hại rất nặng, nhiều vùng năng suất thực thu chỉ 8 tạ/ha, năng suất gieo trồng chưa tới 4 tạ/ha. Riêng xã Hòa Xuân Đông, thiên tai đã làm mất trắng hơn phân nửa diện tích lúa vụ này với 420/821ha không thu được. Phần còn lại được nông dân khôi phục nhưng năng suất vẫn thấp.
Huyện Tây Hòa còn chịu thiệt hại nặng hơn. Với tổng diện tích gieo trồng 6.438ha, Tây Hòa có 240ha bị thiên tai làm cho mất trắng, năng suất bình quân chưa bằng phân nửa so với vụ đông xuân trước, chỉ 30,3 tạ/ha, giảm tới 32 tạ/ha.
Ngoài diện tích bị mất trắng hoặc hư hại dẫn đến năng suất bình quân thấp, một nguyên nhân khác là các giống lúa nông dân sử dụng chỉ phù hợp với thời tiết nắng nóng như tập đoàn Ma Lâm,
VẪN CÓ RUỘNG ĐẠT NĂNG SUẤT CAO
Tây Hòa: Một số vùng năng suất lúa “chét” cao hơn lúa chính vụ Một điều hy hữu đang diễn ra ở các xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 thuộc huyện Tây Hòa. 25 ngày sau khi thu hoạch lúa chính vụ đông xuân 2007-2008, nông dân lại ra đồng thu hoạch lần thứ hai. Trên chính diện tích này, lúa đã trổ bông thêm một lần nữa (lúa chét). Điều đáng ngạc nhiên là năng suất lúa chét lại đạt từ 200-250kg/sào, cao hơn năng suất lúa chính vụ từ 100 -150kg/sào. Theo nhiều nông dân, do ảnh hưởng thời tiết, lúa chính vụ bị nghẽn đòng, không trổ hết bông. Do đó, bà con không thu hoạch vì cho rằng năng suất quá thấp, hoặc thu hoạch nhưng chỉ gặt, hớt phần chẻn lúa có hạt và chưa phá bỏ lúa. Lúa trên các thửa ruộng này đã đẻ nhánh sau đó. THANH HỘI
Thành phố Tuy Hòa đạt năng suất lúa cao nhất tỉnh với 1.800 ha lúa đã gặt đạt năng suất bình quân 71 tạ/ha. Phú Hòa cũng là huyện đạt năng suất cao, ước khoảng 69 tạ/ha, giảm hơn 3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Có được kết quả này là nhờ Phú Hòa triển khai mùa vụ chậm hơn các địa phương khác. Lúa tăng vụ năm 2007 của huyện bị ảnh hưởng thời tiết nên thu hoạch chậm, dẫn đến phần lớn diện tích vụ đông xuân gieo sạ muộn, nhờ vậy đã tránh được giai đoạn thời tiết xấu. Các HTX Hòa An Đông, Hòa An Tây, Hòa Thắng 1 và Hòa Thắng 2 đạt năng suất cao nhất ở huyện Phú Hòa với năng suất bình quân từ 77 - 80 tạ/ha.
Một số diện tích lúa của nông dân tại các địa phương khác cũng đạt năng suất cao nhờ sử dụng giống chịu lạnh tốt. Ông Nguyễn Thành Long là một trong 6 nông dân của HTX Châu Bình (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) lần đầu tiên sạ giống HĐB6 do Trại giống Hòa An cung cấp trong vụ đông xuân này. Ông Long cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi sạ giống HĐB6 và cũng là lần đầu tiên đạt năng suất trên 80 tạ/ha, cao hơn 40 tạ/ha so với năng suất bình quân của những người xung quanh. Theo lời ông Long, giống lúa HĐB6 cho gạo mềm, ngon nên đã được nhiều nông dân khác ưa thích và đặt hàng làm giống cho những vụ tới.
Tại xã An Thạch (huyện Tuy An), lần đầu tiên bà con thấy ông Thiều Quốc Hương (vùng 10) dùng giống lúa TBR1, mà ông chỉ sạ 10kg giống/3 sào. Ông Hương kể: Ban đầu, cả xóm chê vì lúa quá thưa, sợ khi gặt không được bao nhiều. Vậy mà đến khi tôi thu hoạch thì không ai bằng. Lấy gié lúa đếm 305 hạt chắc, ai cũng trầm trồ. Tính ra năng suất lên đến hơn 80 tạ/ha. Giờ thì ai cũng bảo tui chọn lúa tốt bán cho họ làm giống, giá 7.000 đồng/kg.
NGUY CƠ THIẾU HỤT LÚA GIỐNG
Không thuận lợi như ông Long, ông Hương, nhiều nông dân trong tỉnh đang gặp khó khăn trước mùa vụ mới - vụ hè thu 2008. Bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) nói: Trước đây lúa thu 400kg/sào, nay chưa tới 200kg chưa làm sạch, trong khi tiền phân thuốc 400.000 đồng/sào. Lúa mất mùa, công gặt người ta cũng lấy thấp hơn, chỉ 30.000 đồng/công, đúng ra phải là 50.000 đồng. Mỗi sào 4 công gặt cùng các khoản chi phí khác lên tới gần 1 triệu đồng, tính ra nông dân lỗ nặng dù giá lúa có cao.
Đa phần nông dân không có khả năng tái đầu tư cho vụ tới bởi lượng lúa giống hiện không còn; năng suất và chất lượng lúa còn thu hoạch được thấp, không thể dùng làm giống được. Chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) Hồ Văn Thể dự tính: Vụ hè thu tới, HTX sẽ thiếu hụt không dưới 200 tấn lúa giống. Lượng giống thiếu hụt cho vụ tới trên toàn tỉnh sẽ rất lớn, nông dân cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp, ngành.
LY KHA