Miền Trung đang nổi lên là một địa bàn hấp dẫn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án lớn. Điều này có được nhờ sự tập trung của Chính phủ cho miền Trung trong cả chục năm qua, đặc biệt là việc thành lập các khu kinh tế trọng điểm như Dung Quất,
Các chuyên gia cho rằng cần có sự kết nối giữa các tỉnh miền Trung để phát triển du lịch vùng đất giàu tiềm năng này. Trong ảnh: Thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa (Tuy An) - Ảnh: KIM LONG |
Vấn đề lớn nhất trong thu hút FDI tại miền Trung là tốc độ giải ngân nguồn vốn ở đây quá chậm. Trong những năm qua, vốn đăng ký vào miền Trung không ngừng tăng, nhưng số vốn thực hiện của các dự án đã đăng ký lại rất thấp, chỉ khoảng 18,4%. Thậm chí hàng loạt dự án tại miền Trung đã không thể triển khai, bị rút giấy phép đầu tư. Riêng năm 2006-2007 đã có tới 50 dự án bị rút giấy phép. Thực tế này đang làm xấu đi môi trường đầu tư của khu vực và khiến các nhà đầu tư mới lo ngại.
Có hai lý do chính khiến xảy ra tình trạng trên, thứ nhất là hạn chế về nguồn nhân lực, thứ hai là hạ tầng còn yếu kém, không đáp ứng nhu cầu cần thiết để triển khai dự án. Tuy vậy, không ít trường hợp, theo tôi, các đối tác nước ngoài đã không có ý định nghiêm túc khi triển khai dự án mà chỉ tìm cách mua đi bán lại kiếm lời. Phía Việt Nam do thiếu trình độ, khả năng chuyên môn, không kiểm tra kỹ tư cách pháp lý, năng lực tài chính của đối tác nước ngoài nên dẫn đến việc không ngăn chặn được những trường hợp trên, khiến các dự án đã cấp phép nhưng chậm hoặc không triển khai khá nhiều. Thời gian tới, để khắc phục điều này, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương rà soát các dự án, nhất là các dự án lớn, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục đầu tư, giúp nhà đầu tư có thể giải quyết nhanh chóng các vướng mắc khi triển khai dự án.
Định hướng thu hút FDI vào miền Trung trong thời gian tới, theo tôi, cần tiếp tục tập trung nhiều hơn cho các địa bàn có lợi thế như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang... để phát huy vai trò các trung tâm phát triển vùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các vùng còn khó khăn.
Khu vực Vũng Rô đang thu hút các dự án lớn của đầu tư nước ngoài - Ảnh: PHÚ VINH
Trước mắt và lâu dài, theo tôi, việc phát triển miền Trung cần nhìn vào chiều sâu bởi miền Trung nằm ở khúc giữa, đi ra hai đầu đất nước đều mất thời gian. Việc đầu tư, thu hút đầu tư của miền Trung nên dựa trên lợi thế địa lý là mặt tiền trước biển của các nước Đông Dương. Miền Trung nên được tính toán để trở thành đầu ra cho cả một khu vực lớn gồm Lào, Myanmar, đông bắc Thái Lan.
Dự án đường xuyên Á là một tính toán phát triển kinh tế trên sự liên kết các vùng, ta cần phải tận dụng tốt hơn cơ hội. Và muốn tận dụng được thì không chỉ một địa phương mà nhiều địa phương phải có sự thống nhất với nhau. Bất cập lớn hiện nay của miền Trung ngoài liên kết chưa chặt của các tỉnh còn là yếu kém cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Những vấn đề trên cần được tập trung giải quyết để tạo tiền đề đón và phát huy được vốn đầu tư.
Hiện cả nước có 11 khu kinh tế được Thủ tướng ra quyết định thành lập thì ở miền Trung có tới tám khu. Các khu kinh tế được coi là mô hình phát triển mới, là động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vùng. Điều đặc biệt là các dự án FDI vào các khu kinh tế thường có số vốn lớn. Ngoài ra, miền Trung còn có năm di sản thế giới, lợi thế về du lịch biển với hơn 1.800km bờ biển. Vì thế xu hướng đầu tư vào miền Trung sẽ bền vững. Nếu chúng ta tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn, miền Trung sẽ sớm thành một vùng thu hút nhiều vốn FDI không kém hai đầu đất nước, thậm chí nhiều hơn. Hiện đã có những dự án cực lớn đang chờ để vào miền Trung. Các dự án này chưa cam kết nên chưa thể công bố. Tuy vậy có thể khẳng định nếu các dự án này được chấp thuận, rất có thể miền Trung sẽ vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
PHAN HỮU THẮNG
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch- đầu tư