Thứ Hai, 30/09/2024 04:39 SA
Phát triển mô hình sản xuất rau an toàn thế nào hiệu quả?
Thứ Sáu, 25/04/2008 14:00 CH

Phú Yên có 10.400 ha đất rau màu và đậu các loại. Riêng rau màu có diện tích khoảng 1.200 ha, sản xuất chủ yếu tập trung vào các nhóm rau ăn lá và  rau ăn quả như hành lá, cải xanh các loại, rau dền, mồng tơi, xà lách, dưa leo, khổ qua, ớt, các loại rau mùi và một phần nhỏ trồng cà chua, cải bắp chịu nhiệt... 

 

080425-rau-s.jpg
Một mô hình nông dân sản xuất rau an toàn tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa - Ảnh: L.KHA

 

Vùng sản xuất rau các loại, đa số tập trung ở khu vực ven sông, đặc biệt là ven sông Ba (kể cả 2 bên bờ Bắc và Nam) vì khu vực này luôn được phù sa bồi đắp hàng năm, có nền đất nhẹ, thịt pha cát. Việc sử dụng nước tưới cho sản xuất rau chủ yếu là các giếng đào. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch vẫn còn nhiều hạn chế như nông dân thiếu vốn, điều kiện sản xuất. Cơ quan chức năng kiểm tra rau an toàn chỉ dừng lại ở mức theo dõi diễn biến tác động từ bên ngoài, giá chênh lệch giữa rau an toàn và sản phẩm bình thường…

 

Từ những thực trạng trên, tôi xin đề xuất các nhóm giải pháp cần được sự quan tâm của các cấp như sau:

 

Về giải pháp cơ chế: Nhanh chóng có những văn bản mang tính chất pháp lý, những hướng dẫn cụ thể, thiết thực sát với thực tế về các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, đặc biệt là ra đời sớm “Quy định chung về GAP trong sản xuất rau an toàn ở Việt Nam (Viet GAP)”; Có cơ chế phù hợp trong việc quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn các cấp kể cả cấp cơ sở, nhằm giúp cho nông dân chủ động trong việc đầu tư sản xuất; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản ban đầu; có chế độ ưu đãi, hỗ trợ các chương trình sản xuất, ứng dụng những sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào việc phòng trừ sâu bệnh hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV; có sự liên kết chặt chẽ và bền vững giữa nhà kinh doanh với nông dân, giúp nông dân liên kết thành những tổ, nhóm, thành lập HTX để tạo thương hiệu và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng.

 

Về giải pháp kỹ thuật: Hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn cho từng loại rau một cách cụ thể; Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao đến nông dân một cách rộng khắp; Nhân rộng vùng chuyên canh rau an toàn, hướng đến không sử dụng các thuốc BVTV hoá học trong sản xuất.

 

Khuyến khích nông dân áp dụng những tiến bộ KHKT mới như trồng rau trong nhà có mái che, dùng các loại lưới chắn côn trùng, trồng rau trên nền giá thể sạch, dùng màng phủ trong sản xuất... mở rộng việc áp dụng chương trình IPM trên rau, quản lý thực hiện 5 điều cấm trong sản xuất rau. Tăng cường lịch giám sát đồng ruộng theo định kỳ, thường xuyên thu thập mẫu, phân tích nhanh, kiểm tra kết quả nhằm có hướng điều chỉnh kịp thời trong sản xuất.

 

Giải pháp dành cho người sản xuất: Tích cực tham gia các lớp huấn luyện, đào tạo ngắn và dài hạn của các cơ quan chức năng nhằm trang bị thêm kiến thức, thay đổi tư duy hướng đến vì sức khoẻ cộng đồng, chống ô nhiễm môi trường. Đề cao tính tự giác và trung thực trong quá trình sản xuất bằng các số liệu cụ thể thông qua các biểu mẫu theo dõi, nhật ký đồng ruộng... mà các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn. Thực hiện tốt 5 điều cấm trong chuỗi sản xuất đến cung ứng; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

 

KS NGUYỄN THÀNH

PGĐ Trung tâm Khuyến nông-lâm Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek