Thực hiện chủ trương đưa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến giao dịch tại xã, phường đã từng bước nâng cao hiệu quả tín dụng hộ nghèo. Vai trò của NHCSXH được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận làm ủy thác cho vay đối tượng chính sách ngày càng thể hiện rõ nét và thật sự là người bạn không thể thiếu của người dân.
Sau khi có hướng dẫn về việc thành lập tổ giao dịch lưu động tại xã, Ban đại diện HĐQT của NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thành phố đều có văn bản đề nghị các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động giao dịch tại địa phương. Đến nay, NHCSXH Phú Yên đã thành lập được 81 điểm giao dịch ở 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, việc giải ngân, thu nợ, thu lãi đều diễn ra tại xã, doanh số cho vay, thu nợ đạt hơn 90%.
Chủ trương của NHCSXH được các cấp chính quyền đồng tình ủng hộ, các cấp hội đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn với tổ giao dịch trong việc kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn, còn người dân thì tiết kiệm được thời gian đến giao dịch với ngân hàng. Để giải ngân nhanh chóng, bộ phận kế toán đã chuẩn bị hồ sơ từ ngày hôm trước theo quy trình hướng dẫn hoạt động của tổ giao dịch lưu động. Khi đến địa điểm giao dịch, kế toán mời người vay đến nhận tiền theo danh sách đã được ký duyệt; người vay ký vào sổ tiết kiệm và vay vốn, căn cứ phiếu chi thủ quỹ lên bảng kê chi tiền, phát tiền vay cho khách hàng và ghi vào sổ quỹ; đồng thời yêu cầu khách hàng ký vào phiếu chi đã lập sẵn khớp đúng với số tiền đã nhận. Thủ quỹ quản lý phiếu chi có chữ ký của khách hàng, cuối buổi giao dịch nộp lại cho kế toán để tất toán quỹ tiền mặt cuối ngày. Thao tác nghiệp vụ thành thạo của Tổ giao dịch vừa đúng chế độ quy định, đảm bảo tính chính xác tuyệt đối cho mỗi lần đi giao dịch vừa làm cho khách hàng đỡ mất thời gian.
Nhờ giao dịch thường xuyên tại xã nên hộ nghèo ý thức được việc trả nợ, nhất là nợ quá hạn khó đòi từ nhiều năm trước. Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân Đỗ Thị Hảo, việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay là rất quan trọng, tuy được ủy thác cho các hội, đoàn thể bình xét tại cơ sở, nhưng do cán bộ hội năng lực còn hạn chế nên cán bộ tín dụng phải tăng cường kiểm tra giám sát thì đồng vốn mới phát huy tác dụng.
Chủ tịch UBND xã Suối Trai (Sơn Hòa) Ma Mới trao đổi: NHCSXH tổ chức giao dịch lưu động tại xã có ý nghĩa hết sức to lớn về chính trị - xã hội, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách và hoạt động ngân hàng đến phục vụ tận xã, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ. NHCSXH thật sự là người bạn tận tụy của dân nghèo, giao dịch tại xã là chủ trương đúng đắn mong rằng NHCSXH tiếp tục phát triển nhằm giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Qua thực tiễn hoạt động của điểm giao dịch lưu động tại 81 xã cho thấy chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nợ quá hạn giảm dần, nhất là nợ quá hạn khó đòi từ nhiều năm trước. Để quản lý tốt hoạt động của hơn 2.000 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn toàn tỉnh; với 76.000 hộ vay còn dư nợ, đòi hỏi các Phòng giao dịch huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý đến tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm tránh việc xâm tiêu, cũng như chỉ đạo, điều hành từng lần giao dịch của tổ, thực hiện nghiêm túc quy trình hướng dẫn việc giao dịch, duy trì thường xuyên lịch giao dịch đã thông báo. Với quyết tâm đưa hoạt động tín dụng NHCSXH về cơ sở, sẽ góp phần đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm ở địa phương.
ANH THƯ