Thứ Hai, 30/09/2024 06:32 SA
Kế hoạch kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn Phú Yên
Thứ Sáu, 25/04/2008 07:10 SA

UBND tỉnh Phú Yên đã đề ra kế hoạch kiềm chế lạm phát với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển; các chính sách về tài chính, chi tiêu công; các chính sách tiền tệ, tín dụng; tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tất cả các ngành, các cấp để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định phát triển kinh tế, xã hội.

 

080425-mayxk.jpg

Tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội để ổn định đời sống nhân dân. Trong ảnh: Công nhân may công nghiệp ở Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường, lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm trên phạm vi toàn cầu. Bối cảnh kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, làm giá cả xăng dầu, giá nhiều vật tư và hàng hóa thiết yếu tăng cao, cùng với hậu quả thiên tai cuối năm 2007, đợt mưa lạnh kéo dài đầu năm 2008 và dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt sản xuất và đời sống nhân dân. Ở tỉnh ta, quý I/2008 sản xuất đông xuân mất mùa. Chi phí sản xuất tăng cao đã làm nhiều bà con nông dân, ngư dân gặp khó khăn, thiếu vốn đầu tư sản xuất. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, trong đó có nguyên nhân do giá một số loại vật tư như: sắt, thép, xi măng, xăng dầu, nhựa đường… tăng cao. Những tác động do lạm phát, thiên tai, dịch bệnh đã làm giảm thu nhập thực tế của người lao động, nhất là những người nghèo, nông dân, ngư dân, những người làm công ăn lương.

 

Trong thời gian đến, dự báo lạm phát còn ở mức cao; chỉ số giá tiêu dùng vẫn có chiều hướng gia tăng. Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… luôn là những nguy cơ tác động tiêu cực đến quản lý và điều hành kinh tế – xã hội của tỉnh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là: ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định và phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Để thực hiện tốt kết luận số 22-KL/TW ngày 4/4/2008 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về kinh tế – xã hội quý I/2008 cần quan tâm chỉ đạo, điều hành; Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 18/3/2008 của UBND tỉnh về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; UBND tỉnh đề ra kế hoạch kiềm chế lạm phát trên địa bàn tỉnh như sau:

 

I. VỀ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

 

1. Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh:

 

* Về sản xuất nông – lâm – thủy sản:

 

- Tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa đông xuân, hoa màu, phòng trừ sâu bệnh. Sơ kết sản xuất vụ đông xuân, tổ chức sản xuất có hiệu quả vụ hè thu; chỉ sản xuất lúa nước trên những diện tích đảm bảo nước tưới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tăng giá trị và thu nhập trên một đơn vị diện tích bù vào sản lượng thiếu hụt do mất mùa vụ đông xuân; thực hiện tốt chủ trương không sản xuất lúa tăng vụ. Cấp hỗ trợ giống lúa, bắp lai, rau đậu các loại cho bà con nông dân từ nguồn hỗ trợ khắc phục bão lụt của trung tương. Đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và rau màu. Ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng mạnh đến xuất khẩu hàng nông – lâm – thủy sản. Chăm sóc diện tích rừng trồng hiện có; triển khai công tác gieo ươm và chăm sóc cây con để phục vụ trồng rừng theo kế hoạch; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô.

 

- Duy trì và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung. Nhân rộng trồng cỏ nuôi bò, đảm bảo thức ăn xanh cho gia súc và hướng dẫn người chăn nuôi chế biến, dự trữ thức ăn vào mùa khô. Có kế hoạch chủ động để phát hiện sớm, hướng dẫn phòng chống và dập tắt ngay dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng ở gia súc… Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng chó dại mùa hè. Thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc gia cầm và sản phẩm động vật góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 

- Chủ động triển khai công tác phòng chống hạn và phòng chống lụt bão theo phương án 4 tại chỗ. Dự trữ nước và điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất, ưu tiên nước sinh hoạt cho người và nước uống cho gia súc. Tổ chức kiểm tra, phát hiện và duy tu sửa chữa xử lý kịp thời các công trình hồ chứa, công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nhằm chủ động phòng chống thiên tai trong mùa bão, lũ sắp đến, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống. Xây dựng hoàn chỉnh các khu tái định cư để nhanh chóng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

- Thực hiện tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cho tàu cá. Rà soát tàu thuyền và xây dựng kế hoạch sắp xếp lại ngành nghề khai thác hợp lý, khuyến khích khai thác xa bờ. Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu của ngư dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiếp tục thành lập các tổ tàu thuyền khai thác thủy sản để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, giảm chi phí chuyển biến, kết hợp bảo vệ an ninh vùng biển. Cung cấp thông tin dự báo ngư trường, mùa vụ cho ngư dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng hỗ trợ phát triển thủy sản.

 

Đẩy mạnh công tác khuyến ngư và chuyển giao công nghệ sản xuất. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thủy sản; giữ vững diện tích nuôi tôm sú, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng có kiểm soát, khuyến khích phát triển nuôi tôm hùm lồng, cá mú… theo quy hoạch. Lựa chọn nhân rộng các mô hình nuôi luân canh, xen canh, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và hướng dẫn nuôi theo lịch mùa vụ. Theo dõi và hướng dẫn xử lý kịp thời dịch bệnh ở tôm, cá nuôi, nhất là tôm hùm. Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, phối hợp kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

 

* Về sản xuất công nghiệp:

 

- Tăng cường kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao để doanh nghiệp có điều kiện nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy chế biến mía, sắn, đảm bảo quyền lợi nông dân và ổn định sản xuất của nhà máy.

 

- Kịp thời hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm hoàn thành các dự án về công nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả, nhất là các dự án RE2 và các dự án điện. Phối hợp thúc đẩy dự án thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành đưa vào vận hành. Chỉ đạo Điện lực Phú Yên, Công ty Cấp thoát nước Phú Yên ưu tiên cung cấp đủ điện, nước để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

 

- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm, nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từng doanh nghiệp phải chủ động rà soát lại chi phí sản xuất, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu…; trên cơ sở đó lựa chọn, thực hiện việc tiết giảm chi phí nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trong sản xuất ở những khâu không cần thiết phù hợp với điều kiện của các đơn vị. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

 

* Về thương mại, dịch vụ:

 

- Chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2008 để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: chế biến nông sản, thủy sản, thuốc chữa bệnh, các loại vật liệu xây dựng, phân bón… Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thương mại tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm khâu nấc trung gian không cần thiết để giảm chi phí trong lưu thông, góp phần ổn định giá bán lẻ trên thị trường.

 

- Tạo môi trườngt huận lợi cho đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Rà soát, loại bỏ ngay những giấy phép hoặc quy định không còn phù hợp gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Khuyến khích phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các dịch vụ.

 

2. Thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu:

 

- Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh và chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu khắc phục khó khăn, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như: nhân hạt điều, tinh bột sắn, sản phẩm mỹ nghệ, may mặc. Bên cạnh phát triển sản xuất xuất khẩu các mặt hàng truyền thống chiếm tỉ trọng lớn, cần tập trung nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến để tăng giá trị xuất khẩu, phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới, hạn chế xuất hàng thô.

 

- Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc xúc tiến thương mại, để tìm kiếm đối tác, ngoài thị trường truyền thống mở rộng thị trường mới. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các chương trình hội chợ để giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng xuất khẩu; bảo vệ các quyên lợi chính đáng của doanh nghiệp.

 

- Chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu; trong đó chỉ ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng là nguyên, vật liệu cần thiết để phục vụ sản xuất, hạn chế các mặt hàng không nhất thiết phải nhập khẩu.

 

3. Tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả:

 

- Tổ chức thực hiện tốt quy chế niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Yêu cầu doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý giá, thường xuyên kiểm tra giá bán tại các mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp mình; trước hết các doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh phải gương mẫu. Thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng trên thị trường kịp thời theo từng tháng.

 

- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan trong quản lý giá, không để độc quyền doanh nghiệp về giá, định giá bất hợp lý. Các sở, ban, ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật các hành vi: đầu cơ tích trữ hàng hóa để tăng giá bán; không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trốn lậu thuế. Huy động các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và thanh tra nhân dân góp phần ổn định thị trường và giá cả trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định tại Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

 

- Tổ chức tốt việc giám sát, kiểm tra hoạt động sau đây: giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh giá của các doanh nghiệp; kiểm tra chấp hành chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu (điện, xăng dầu, xi măng, vật liệu xây dựng, lương thực, vật tư nông nghiệp…) của các doanh nghiệp trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành chủ trương của Chính phủ về việc tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông…

 

4. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển:

 

- Tiếp tục tập trung công tác quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng. Đồng thời quản lý, điều hành theo quy hoạch, kế hoạch; công khai quy hoạch, dự án kêu gọi đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư (BOT, BTO, BT). Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về thủ tục. Đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ, giảm phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.

 

- Không điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước năm 2008 đã giao cho các ngành, các cấp theo mặt bằng giá mới. Các ngành và địa phương chủ động rà soát và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 theo hướng sau: Đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục theo quy định, còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng…; Ngừng triển khai các dự án khác chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả; Đình hoãn các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng hội trường, nhà bảo tàng, nhà văn hóa đã bố trí trong kế hoạch năm 2008 nhưng chưa khởi công, riêng đối với các dự án cần thiết, quan trọng chỉ bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư; Giãn tiến độ thi công các dự án được duyệt hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2007 trở về trước nhưng bố trí vốn không đủ theo tiến độ nên phải kéo dài thời gian thi công mà đến hết năm 2007 số vốn thực tế bố trí chưa được 50% khối lượng dự án và các dự án đang còn nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Số vốn có được từ các biện pháp nêu trên được điều chuyển cho những dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008-2009 sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán theo quy định của Nhà nước.

 

Đối với đầu tư từ nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước tỉnh, yêu cầu doanh nghiệp rà soát lại kế hoạch đầu tư năm 2008 đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả; cắt giảm các công trình đầu tư thuần túy làm trụ sở, tập trung đầu tư cho các công trình dự án phục vụ trực tiếp đến hoạt động sản xuất ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

 

Giao giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh danh mục các dự án: đình hoãn, ngừng triển khai, giãn tiến độ, chậm nhất ngày 25/4/2008 hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh.

 

- Tập trung xử lý những vướng mắc do thay đổi cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý đầu tư XDCB. Tổ chức thực hiện điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng theo Công văn số 546/TTg-KTN ngày 14/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Không dừng thi công để chờ kết quả điều chỉnh mà vẫn phải tiến hành công việc theo tiến độ và bảo đảm chất lượng.

 

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiêïn dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án, công trình quan trọng của tỉnh như: Kè Bạch Đằng, cầu Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, trục giao thông dọc miền Tây, đường cơ động ven biển… Triển khai sớm các dự án: khu tái định cư phú Lạc, khu tái định cư và trung tâm hành chính xã Hòa Tâm (mới), cảng cá Phú Lạc… Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia đã có trong danh mục được cấp thẩm quyền phê duyệt và đủ điều kiện đầu tư. Phối hợp với nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo của các dự án: Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, khu Du lịch liên hợp cao cấp, Hạ tầng KT Khu công nghiệp hóa dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking và các dự án đầu tư khác đã được UBND tỉnh chấp thuận triển khai đúng thời hạn đã cam kết.

 

Chỉ đạo làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt phải khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư đang triển khai, về lâu dài chuẩn bị sẵn sàng các khu tái định cư, các mặt bằng “đất sạch”, đáp ứng kịp thời nhu cầu thi công các dự án của tỉnh và của nhà đầu tư.

 

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình và tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; nhanh chóng đưa các công trình vào sử dụng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

 

- Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. Khuyến khích đầu tư các dự án về bất động sản phục vụ nhu cầu dân sinh. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng có nhu cầu được tiếp xúc trực tiếp với các thông tin mua bán bất động sản, hạn chế đầu cơ. Triển khai chương trình phát triển nhà ở các khu công nghiệp, nhà công vụ cho giáo viên… Quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo ở vùng nông thôn, miền núi cải thiện nhà ở theo chương trình mục tiêu của Chính phủ.

 

5. Chính sách về tài chính, chi tiêu công:

 

* Về thu ngân sách:

 

- Tập trung chỉ đạo thu ngân sách, đảm bảo thu vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 5%; tăng dự phòng để chi cho khắc phục thiên tai, an sinh xã hội. Thường xuyên nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá phân tích các khoản thu để đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời cho ngân sách Nhà nước. Đơn giản hóa và công khai minh bạch các thủ tục nộp ngân sách Nhà nước; đồng thời tiếp tục mở rộng cơ chế tự khai, tự nộp thuế cho các doanh nghiệp nhằm tăng trách nhiệm của người nộp thuế. Phân loại và tăng cường kiểm tra hồ sơ thuế, chống thất thu thuế qua kê khai. Tập trung giải quyết công tác quyết toán thuế năm 2007, đôn đốc nộp số thuế tồn đọng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

 

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách thuế của Nhà nước. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp mở chi nhánh để hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nộp ngân sách. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tiếp tục huy động vốn từ quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng.

 

- Tiếp tục rà soát, bãi bỏ ngay các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương ban hành trái với quy định của pháp luật theo Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Các khoản huy động đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

 

* Về chi ngân sách:

 

- Triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước; kêu gọi, vận động triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng ở tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Điều hành chi ngân sách phải chặt chẽ, hiệu quả, theo đúng dự toán ngân sách được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định. Tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là đầu tư vào các dự án không thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của đơn vị. Đưa nội dung thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, trong sản xuất và đời sống vào chương trình vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

 

- Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008. Dự toán để thực hiện tiết kiệm không bao gồm các khoản chi sau: Lương, phụ cấp có tính chất lương, chi khác cho con người theo chế độ; các khoản chi thường xuyên đã thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2008; khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm. Căn cứ chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên của những tháng còn lại cuối năm 2008 do Bộ Tài chính giao, giao giám đốc Sở Tài chính chậm nhất ngày 25/4/2008 trình Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các ngành và các cấp.

 

Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong điều kiện tiết kiệm chi thường xuyên, các ngành và các cấp cần triển khai các công việc sau: Tạm dừng mua sắm ôô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn; sửa chữa trụ sở làm việc; hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng ngân sách Nhà nước; giảm bớt việc triệu tập tổ chức các cuộc họp, hội nghị trong phạm vi toàn tỉnh, trong trường hợp cần thiết phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu (tiết kiệm tối thiểu 10%); ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa cấp bách, nội dung không thiết thực. Nguồn kinh phí tiết kiệm thuộc ngân sách cấp nào được để lại ngân sách cấp đó, để bổ sung dự phòng ngân sách ưu tiên cho các nhiệm vụ: Bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xử lý các nhiệm vụ quan trọng cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao.

 

- Sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Chủ động sử dụng dự toán ngân sách đã được giao để xử lý việc ảnh hưởng khi giá thị trường tăng, không bổ sung chi ngoài dự toán ngân sách (trừ các nhiệm vụ cấp bách). Việc sử dụng xe ôtô phải đúng tiêu chuẩn, đối tượng; không được sử dụng xe công để phục vụ cho các nhu cầu tập thể và cá nhân sai quy định. Cắt giảm số lượng và điều chỉnh hợp lý thời gian hoạt động của đèn chiếu sáng công cộng, đảm bảo vừa tiết kiệm vừa không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

 

- Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí cho các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số: 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh.

 

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính, công tác tự kiểm tra nội bộ đối với từng đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện công khai đầy đủ mọi khoản kinh phí ngân sách và có tính chất ngân sách. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách.

 

- Giao cơ quan tài chính cùng cấp tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện: Sau 30/4/2008 cắt giảm các khoản chi phí đã giao nhưng phân bổ chưa phù hợp. Sau 30/6/2008 thực hiện cắt giảm các khoản kinh phí chưa phân bổ, chuyển bổ sung dự phòng ngân sách (trừ một số nhiệm vụ có tính chất đặc thù).

 

Kiểm soát chặt chẽ việc ứng vốn; không xét duyệt chuyển nguồn chi sang năm sau đối với những nhiệm vụ không thực hiện hoặc thực hiện không hết dự toán (trừ các trường hợp cần thiết). Không sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu để chi cho các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết; tập trung cho những nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách, thực hiện các chế độ an sinh xã hội…

 

6. Về chính sách tiền tệ, tín dụng:

 

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn tại địa phương, tìm nguồn vốn huy động giá rẻ, tiết kiệm chi phí để giảm dần lãi suất cho vay. Cơ cấu lại danh mục cho vay phù hợp với kế hoạch của tỉnh về kiềm chế lạm phát nhưng phải bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững. Theo đó, vốn tín dụng ưu tiên cho các công trình, dự án có hiệu quả kinh tế – xã hội cao, đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn; chú trọng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.

 

Kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong thanh khoản qua nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn; đồng thời theo dõi diễn biến tỉ giá ngoại tệ và giá vàng để can thiệp kịp thời khi có diễn biến xấu. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Trung ương và của tỉnh về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

 

7. Tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

 

- Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ đời sống nhân dân trong tình hình bị tác động thiên tai và vật tư, hàng hóa tăng giá để chủ động xử lý kịp thời những vấn đề xã hội bức xúc. Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, tập trung huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người nghèo. Động viên khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống người lao động, không để tình trạng bức xúc dẫn đến đình công tự phát.

 

- Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là nhân dân vùng gặp thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân theo Quyết định số: 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ như: hỗ trợ dầu hỏa ở những nơi chưa có điện hoặc thiếu điện, nâng học bổng cho học sinh dân tộc các trường nội trú, hỗ trợ thêm cho người nghèo, hỗ trợ lãi suất để đầu tư thay máy tiết kiệm nhiên liệu, bảo hiểm phương tiện và con người… Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng; không để bất kỳ người dân, hộ gia đình nào bị đói; không để thất thoát, tham nhũng.

 

- Triển khai thực hiện việc miễn thủy lợi phí cho nông dân theo quy định tại Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ. Khẩn trương triển khai việc điều chỉnh mức trợ cấp và bổ sung đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ.

 

- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… và nhất là cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

 

- Rà soát lại mạng lưới dạy nghề, xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu của thị trường lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp.

 

8. Tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tất cả các ngành, các cấp để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định phát triển kinh tế – xã hội:

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tình hình, giải pháp và những chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về kiềm chế lạm phát; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm trong chi phí sản xuất…, cùng nhau khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định và tập trung thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2008 và kế hoạch 5 năm 2006-2010, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát và chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân.

 

Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chính xác, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm này, tránh những thông tin sai sự thật và có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội.

 

080425-xk1.jpg

Thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Đưa hàng xuất khẩu qua cảng Vũng Rô - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

 

Căn cứ kế hoạch này của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương để triển khai kiềm chế lạm phát phù hợp và đồng bộ. UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể như sau:

 

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khôi phục và phát triển sản xuất nông – lâm – thủy sản.

 

2. Sở Công thương chủ trì thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp ổn định, phát triển công thương và đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý thị trường.

 

3. Cục thuế tỉnh tổ chức thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách.

 

4. Chi nhánh ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức thực hiện tốt chính sách về tiền tệ, các hoạt động tín dụng.

 

5. Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trong lĩnh vực xây dựng.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

 

7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan báo chí như: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh Phú Yên thông tấn xã Việt Nam tại Phú Yên thực hiện công tác tuyên truyền về kiềm chế lạm phát, đảm bảo đúng định hướng của đảng, Nhà nước, tạo ra sự thống nhất cao trong tất cả các ngành các cấp.

 

8. UBND các huyện thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp kiềm chế lạm phát triển địa bàn địa phương quản lý.

 

9. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và những vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch này để chỉ đạo xử lý kịp thời.

 

10. Sở Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp tài chính, chi tiêu công, giám sát, kiểm tra việc thực hiện về pháp lệnh giá.

 

11. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp kiềm chế lạm phát trong lĩnh vực đầu tư và phát triển.

 

12. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố báo cáo kết quả bước đầu thực hiện Quyết định 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên gửi Sở Tài chính; về sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/5/2008.

 

Giao Sở Tài chính tổng hợp về thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp về sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008, báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/5/2008.

 

Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đặt ra là hết sức nặng nề; trong tháng 4/2008 UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đề ra trong kế hoạch kiềm chế lạm phát của UBND tỉnh.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek