Thứ Hai, 30/09/2024 08:21 SA
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo phát triển bền vững (*)
Thứ Năm, 24/04/2008 07:00 SA

Ngày 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND yêu cầu các ngành, các cấp, UBND các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các giải pháp để góp phần kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế xã hội địa phương năm 2008.

 

Chỉ thị yêu cầu tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách địa phương năm 2008 gắn với việc cải thiện đời sống nhân dân. Tổ chức rà soát các chỉ tiêu chủ yếu, phân tích đánh giá những mặt làm được, những khó khăn còn tồn tại, nguyên nhân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng quý, hàng tháng; phân công cơ quan, người có trách nhiệm từng phần việc, có kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định.

 

080424-ca-ngu-dai-duong.jpg

Ngư dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa chữa, mua sắm phương tiện đánh bắt - Ảnh: K.LONG

 

HĐND, UBND CẤP HUYỆN, CẤP XÃ KHÔNG ĐƯỢC RA VĂN BẢN BẮT BUỘC ĐÓNG GÓP

 

Về thu ngân sách: Phấn đấu năm 2008 thu ngân sách nhà nước thực hiện vượt dự toán đã được HĐND tỉnh quyết định. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, thu đúng, thu đủ kịp thời các khoản phát sinh. Cơ quan thuế phải thường xuyên kiểm soát chặt chẽ, kịp thời kết quả thu ngân sách, phân tích các yếu tố chủ quan, khách quan tác động đến kết quả thu, chủ động đề ra các giải pháp cụ thể để khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Nghiêm cấm việc tổ chức thu các khoản phí, lệ phí trái quy định. Chấn chỉnh việc thực hiện các chính sách huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

 

THỰC HÀNH TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

 

Về chi ngân sách: phải thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành quản lý ngân sách phải chặt chẽ, hiệu quả, theo đúng dự toán ngân sách được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2008. Dự toán để thực hiện tiết kiệm không bao gồm các khoản chi sau: lương, phụ cấp có tính chất lương, chi khác cho con người theo chế độ; các khoản chi thường xuyên đã thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2008; khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm. Căn cứ chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên của những tháng còn lại cuối năm 2008 do Bộ Tài chính giao, giao Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các ngành, các cấp.

 

Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong điều kiện tiết kiệm chi thường xuyên, các ngành, các cấp cần triển khai các công việc sau: tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn, sửa chữa lớn trụ sở làm việc; hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập... và các đoàn công tác trong, ngoài nước sử dụng ngân sách nhà nước; Giảm bớt việc triệu tập tổ chức các cuộc họp, hội nghị trong phạm vi toàn tỉnh, trong trường hợp cần thiết phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh; Thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu (tiết kiệm tối thiểu 10%); Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa cấp bách, nội dung không thiết thực. Nguồn kinh phí tiết kiệm thuộc ngân sách cấp nào được để lại ngân sách cấp đó, để bổ sung dự phòng ngân sách ưu tiên cho các nhiệm vụ: Bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao. Sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Chủ động sử dụng dự toán ngân sách đã được giao để xử lý việc ảnh hưởng khi giá thị trường tăng, không bổ sung chi ngoài dự toán ngân sách (trừ các nhiệm vụ cấp bách). Việc sử dụng xe ô tô phải đúng tiêu chuẩn, đối tượng; không được sử dụng xe công để phục vụ cho các nhu cầu tập thể và cá nhân sai quy định. Cắt giảm số lượng và điều chỉnh hợp lý thời gian hoạt động của đèn chiếu sáng công cộng, đảm bảo vừa tiết kiệm vừa không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính, công tác tự kiểm tra nội bộ đối với từng đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện công khai đầy đủ mọi khoản kinh phí ngân sách và có tính chất ngân sách. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách.

 

Sau ngày 30/4/2008 cắt giảm các khoản kinh phí đã giao nhưng phân bổ không đúng quy định, chưa phù hợp. Sau ngày 30/6/2008 cắt giảm các khoản chi chưa phân bổ, để chuyển bổ sung vào dự phòng ngân sách (trừ một số nhiệm vụ đặc thù); Kiểm soát chặt chẽ việc ứng vốn, kể cả việc ứng trước dự toán năm sau; không xét duyệt chuyển nguồn chi sang năm sau đối với những nhiệm vụ không thực hiện hoặc thực hiện không hết dự toán (trừ các trường hợp cần thiết); Không sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu (nếu có) cho các nhiệm vụ chưa thật cần thiết; tập trung cho những nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách, thực hiện các chế độ an sinh xã hội...

 

ĐÌNH HOÃN, NGỪNG TRIỂN KHAI, GIÃN TIẾN ĐỘ MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ

 

Về đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước: Triển khai các biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thực hành tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình và tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; nhanh chóng đưa các công trình vào sử dụng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Kịp thời phát hiện những sai phạm, có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

 

 Không điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư của ngân sách nhà nước năm 2008 đã giao cho các ngành, các cấp theo mặt bằng giá mới. Các ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 theo hướng sau: Đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục theo quy định, còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng... Ngừng triển khai các dự án khác chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả; Đình hoãn các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng hội trường, nhà bảo tàng, nhà văn hoá đã bố trí trong kế hoạch năm 2008 nhưng chưa khởi công, riêng đối với các dự án cần thiết, quan trọng chỉ bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư; Giãn tiến độ thi công các dự án được duyệt hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2007 trở về trước, nhưng bố trí vốn không đủ theo tiến độ nên phải kéo dài thời gian thi công mà đến hết năm 2007, số vốn thực tế bố trí chưa được 50% khối lượng dự án và các dự án đang còn nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Số vốn có được từ các biện pháp nêu trên được điều chuyển cho những dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008 - 2009 sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán theo quy định của Nhà nước. Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu trình UBND tỉnh danh mục các dự án: Đình hoãn, ngừng triển khai, giãn tiến độ. Xử lý các khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng, nhất là việc điều chỉnh đơn giá, hợp đồng xây dựng do yếu tố tăng giá đột biến đối với vật liệu xây dựng và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

080424-Hang-xuat-khau.jpg

Thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất đồ gia dụng xuất khẩu ở khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu -  Ảnh: KIM SA

 

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ

 

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, biến động giá. Thực hiện tốt quy chế niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra quản lý thị trường, giá cả, có biện pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế, buôn lậu, không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là các loại vật tư quan trọng, hàng tiêu dùng thiết yếu. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải triệt để chấp hành các quy định về quản lý giá, thường xuyên kiểm tra giá bán tại các đại lý và mạng lưới bán lẻ của mình.

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ AN SINH XÃ HỘI, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là đối với hộ nghèo, vùng nông thôn và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện tốt việc cấp bằng tiền hỗ trợ dầu thắp sáng cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới; Điều chỉnh mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo; Hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với thành viên thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; Hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới, thay máy tàu sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn; Hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc theo hợp đồng lao động trên các tàu cá, tàu dịch vụ và hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản. Triển khai thực hiện việc miễn thuỷ lợi phí cho nông dân theo quy định tại Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ. Khẩn trương triển khai việc điều chỉnh mức trợ cấp và bổ sung đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ.  Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt việc cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… nhất là cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

 

UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng các giải pháp kiềm chế lạm phát đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất, ủng hộ cao. Lãnh đạo các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhân dân trong tỉnh phải nhận thức sâu sắc những thuận lợi, khó khăn của tỉnh và đất nước hiện nay, để thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương năm 2008, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, chăm lo tốt đời sống nhân dân.

 

 

(*): Tít chính và các tít xen do tòa soạn đặt

 

 

Trong số báo ngày mai (25/4), Báo Phú Yên sẽ giới thiệu Kế hoạch kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mời các bạn đón đọc.

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek