Trong công văn số 319/TTg-KTTH về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công; xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu, thiết kế ban đầu không phù hợp nữa hoặc công trình kém hiệu quả; đình hoãn hoặc giãn những công trình chưa thật sự cần thiết”.
Đây là một chủ trương đúng đắn. Trong tình hình giá cả thế giới, trong nước leo thang, dự án càng chậm hoàn thành bao nhiêu càng lãng phí và làm gia tăng lạm phát bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện chủ trương này không dễ dàng chút nào. Không dễ bởi ngành nào, địa phương nào, nhiệm kỳ lãnh đạo của mình cũng đều muốn có dự án để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành mình, địa phương mình, nhất là những dự án đã được chấp thuận đầu tư, được ghi vốn trong kế hoạch. Do vậy từ nhiều năm nay, việc cắt giảm, đình hoãn dự án kém hiệu quả đã được nêu ra tại nhiều hội nghị bàn về đầu tư, nhưng tình hình chưa có chuyển biến đáng kể. Không dễ còn ở chỗ chưa có tiêu chí nào làm căn cứ để xem xét dự án đầu tư đó kém hiệu quả mà cắt giảm hay đình hoãn.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát, phân loại lại các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để xử lý theo chủ trương trên của Chính phủ. Vấn đề đặt ra, yêu cầu các chủ đầu tư phải thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân mà nghiêm túc xem xét, đánh giá lại dự án đầu tư của ngành mình, địa phương mình. Để làm việc đó một cách khách quan, khoa học đòi hỏi phải đề ra được hệ thống tiêu chí rõ ràng phục vụ cho việc cắt giảm, đình hoãn, dãn tiến độ thi công dự án kém hiệu quả hoặc chưa thật sự cần thiết.
Tại Phú Yên, thời gian qua có không ít dự án lập thủ tục đầu tư kéo dài quá lâu so với thời gian quy định dẫn đến không ít dự án chậm khởi công xây dựng nên không sử dụng hết vốn ghi trong kế hoạch hằng năm. Điều này có nghĩa một lượng vốn Nhà nước không phát huy hiệu quả do bị “đóng băng” tại kho bạc hoặc ngân hàng. Trong khi đó, có dự án lại “đói vốn” phải thi công cầm chừng hoặc có dựï án, công trình hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng nhưng thiếu vốn thanh toán gây bức xúc cho nhà thầu.
Do vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ lần này còn là dịp để tỉnh “điều trị” dứt điểm những dự án “đang mắc bệnh” trước mắt. Về lâu dài, đây là giải pháp để sử dụng đồng vốn tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên cho những dự án cấp thiết có tác động nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế.
Để chủ trương quan trọng đó đi vào cuộc sống đòi hỏi sự dũng cảm, tự giác của lãnh đạo các ngành, địa phương.
MAI ANH