Bằng nhiều hình thức, xã viên nông dân các hợp tác xã (HTX) đã tự liên kết để tạo nguồn giống tự cung ứng hoặc kinh doanh.
Ban Quản trị xã viên HTX Phú Lâm (TP Tuy Hòa) kiểm tra lúa dùng làm giống cung ứng cho xã viên - Ảnh: L.KHA |
TỰ CHỦ NGUỒN LÚA GIỐNG
Vụ đông xuân 2007 – 2008, lần đầu tiên HTX nông nghiệp Phú Lâm (TP Tuy Hòa) sản xuất được lúa giống trên diện tích 3,9ha để cung ứng cho xã viên. Đây được xem là bước tiến mang tính đột phá trong vấn đề tự chủ động nguồn cung ứng lúa giống đủ chất lượng. Chủ trương này có cơ sở qua mô hình được thực hiện là “cộng đồng sản xuất lúa bền vững”.
Phó Chủ nhiệm HTX Phú Lâm Trương Dân cho biết: Diện tích được chọn làm giống đã được Ban Quản trị phối hợp cùng các ngành chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn và họp bàn với xã viên. Ông Phạm Phò, xã viên HTX Phú Lâm, nói: Chúng tôi tham gia chương trình này sản xuất được lúa giống bán lại cho HTX với giá cao hơn 30% so với giá lúa thịt trên thị trường, từ đó HTX lấy cung ứng cho xã viên khác.
Giống lúa mà HTX Phú Lâm giao cho 35 hộ trong mô hình sản xuất lúa giống là VD8 và D20-1. Tuy trải qua mùa vụ không thuận lợi nhưng mô hình này vẫn đạt năng suất và chất lượng cao là nhờ trong quá trình sản xuất đã được hướng dẫn bởi Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa. Do vậy, lúa vẫn được đảm bảo đủ chất lượng làm giống.
HƯỚNG ĐẾN KINH DOANH GIỐNG
Trong khi đó, HTX Hòa Kiến 2 đang xúc tiến việc thành lập một câu lạc bộ (CLB) sản xuất giống với 30 xã viên sau khi tham gia chương trình bảo tồn và ứng dụng đa dạng sinh học châu Á (Bucap). HTX Hoà Kiến 2 là một trong hai HTX tham gia chương trình này từ năm 2006, được tổ chức SEArice và tổ chức phát triển Na Uy hỗ trợ. Theo Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Phú Yên Nguyễn Thị Lơn, nông dân HTX Hòa Kiến 2 đã đáp ứng được những tiêu chí mà chương trình đặt ra. Trong quá trình thực hiện, nông dân đã chọn tạo được giống lúa thuần, lai tạo được một số hạt giống lai đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Phước Thịnh, một nông dân HTX Hoà Kiến 2 tham gia chương trình cho biết, sau chương trình, nông dân đã hiểu sự quan trọng của các giống thuần và đa dạng sinh học. Hiện cả 30 nông dân của HTX đều đã chủ động được lúa giống và tự tạo được giống thuần chủng để canh tác. Bà Nguyễn Thị Lơn cho hay, nông dân ở đây không những đủ khả năng tự tạo giống cho mình mà còn có thể làm giống đạt chất lượng từ cấp xác nhận trở lên để cung cấp cho các địa phương khác.
Chủ nhiệm HTX Hoà Kiến 2 Trần Hoàng Thảo nói: Trên cơ sở kinh nghiệm mà nông dân có được qua chương trình Bucap, HTX sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của lớp này và sẽ thực hiện ý tưởng chuyển sang hình thức hoạt động CLB nghiên cứu và sản xuất lúa giống. Trước mắt, HTX sẽ trích một phần kinh phí từ quỹ khuyến nông trước khi CLB tự chủ được nguồn kinh phí. HTX cũng sẽ cho CLB này thuê lại phần ruộng 5% tại những vùng phù hợp để CLB tổ chức sản xuất giống cũng như làm đầu mối liên kết để CLB cung ứng giống cho những địa phương, tổ chức và nông dân có nhu cầu. Điều này hết sức thuận lợi vì với giá lúa thịt hiện tại nông dân chỉ có thể thu được 5.000 đồng/kg, trong khi giá lúa giống cấp xác nhận đã là 7.500 đồng/kg, giá trị cũng sẽ được nâng dần theo cấp lúa như lúa giống thuần, nguyên chủng và siêu nguyên chủng.
Hiện tại, các đơn vị và tự nông dân cung ứng lúa giống đủ chất lượng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thực tế. Nếu tạo được sự liên kết giữa nhiều xã viên, giá trị cũng như lợi nhuận mà nông dân hai HTX Phú Lâm, Hòa Kiến 2 tạo ra chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
LY KHA