Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên vừa tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2019. Qua đó, không chỉ các hợp đồng tín dụng được ký kết mà những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cũng dần được tháo gỡ.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai từ năm 2014 nhằm giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, có điều kiện tiếp cận vốn vay thuận lợi, từng bước ổn định hoạt động. Ngoài ra, chương trình còn nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của từng ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc chia sẻ khó khăn với khách hàng; giúp ngân hàng đưa vốn “chảy” đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh.
“Trong giai đoạn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh gặp khó khăn, mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên có thể tổ chức 2-3 hội nghị kết nối. Đến nay, khi nền kinh tế dần đi vào ổn định, mỗi năm hội nghị được tổ chức một lần. Mục tiêu cuối cùng là ngân hàng và khách hàng tìm được tiếng nói chung, trở thành đối tác lâu dài của nhau”, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên nói.
Đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế
Theo ông Nguyễn Văn Hàn, thời gian qua, bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng Phú Yên đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Năm 2018, trong khi toàn quốc tăng trưởng tín dụng 14% thì Phú Yên tăng trưởng xấp xỉ 20%. 9 tháng đầu năm nay, toàn quốc tăng khoảng 9% thì Phú Yên tăng gần 14%. Điều này cho thấy trong điều kiện kinh tế địa phương đang trên đà phát triển, doanh nghiệp, hộ dân có điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, thì ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ tối đa về nguồn vốn để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.
Thực tế, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2019 vừa qua, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, HTX đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ông Huỳnh Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Quang Sơn cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu; hiện có hai cơ sở ở KCN An Phú (TP Tuy Hòa) và xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Từ khi thành lập (năm 2007) đến năm 2014, Công ty TNHH Quang Sơn hoạt động hiệu quả, thường xuyên giải quyết việc làm cho từ 800-1.200 lao động. Sau đó, với sự khó khăn chung của ngành điều, doanh nghiệp cũng nhiều phen điêu đứng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các ngân hàng mà mình vay vốn.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), hiện đơn vị kinh doanh 11 dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ phục vụ đời sống thành viên. Trong suốt quá trình hoạt động, HTX chỉ quan hệ tín dụng với Agribank Tuy An và ngân hàng này mạnh dạn đầu tư cho HTX vay vốn vì mỗi lần vay, hầu như HTX đều trả nợ trước hạn, tạo niềm tin cho ngân hàng. “Thủ tục vay vốn cũng khá đơn giản. Chúng tôi chỉ làm phương án sản xuất, kinh doanh; những giấy tờ còn lại nhân viên ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình”, ông Phố nói.
Nỗ lực tìm tiếng nói chung
Cũng đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận tín dụng thuận lợi nhưng ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên cho rằng hiện nay, chủ trương của ngành Ngân hàng là ưu tiên vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng trên thực tế, ngân hàng và doanh nghiệp nhiều lúc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trải qua một thời kỳ khó khăn, hai bên đã giảm sút niềm tin về nhau. Từ đó dẫn đến tình trạng ngân hàng huy động nhiều vốn nhưng không tìm ra khách hàng để cho vay; trong khi doanh nghiệp thì cứ kêu là khó vay vốn. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Hơn 95% doanh nghiệp ở Phú Yên có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhưng dường như, các doanh nghiệp này không muốn lớn. Trong quá trình quản trị điều hành, doanh nghiệp vẫn thiếu tính minh bạch, báo cáo thuế một đằng, báo cáo tài chính để đi vay một nẻo nên khó tạo niềm tin cho ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng phải có cái nhìn đúng đắn với doanh nghiệp, không phải chỉ vì một vài doanh nghiệp để nợ xấu mà cảnh giác với tất cả các doanh nghiệp còn lại”, ông Thọ nói.
Trong khi đó, theo ông Cao Phi Kiều, Giám đốc Sacombank Phú Yên, ngành Ngân hàng có những quy định bắt buộc tất cả các đơn vị trong ngành phải tuân thủ. Cụ thể, khi giao dịch, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải đảm bảo 4 yếu tố về pháp lý (hộ khẩu, chứng minh nhân dân...), tài chính (ngân hàng đánh giá năng lực tài chính dựa vào báo cáo tài chính chứ không dựa vào nhân thân khách hàng), phương án sản xuất kinh doanh và cuối cùng là tài sản đảm bảo. Khách hàng khó điểm nào, ngân hàng sẽ cùng ngồi lại tháo gỡ điểm đó. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chỉ có thể hỗ trợ về cơ chế chính sách, hướng dẫn khách hàng thuận tiện trong việc tiếp cận vốn chứ không thể hạ thấp điều kiện vay hay bỏ qua bất cứ thủ tục nào.
Ông Nguyễn Văn Hàn cho biết thêm: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo cho khoản vay khi đã đáp ứng đủ các điều kiện còn lại do ngân hàng quy định nên cũng không thể vay vốn. Nếu gặp khó khăn này, doanh nghiệp có thể tìm tới Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Phú Yên để đề nghị bảo lãnh. Đây là một kênh hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới gia nhập thị trường và chưa có nhiều quan hệ tín dụng với ngân hàng.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN: Doanh nghiệp phải minh bạch để tạo niềm tin cho ngân hàng
Doanh nghiệp và ngân hàng quan hệ tín dụng với tư cách là đối tác, cùng ngồi trên một con thuyền, cùng nhau phát triển, cùng chia rủi ro. Do đó, doanh nghiệp phải đến ngân hàng với tư thế đàng hoàng; phải đưa ra phương án sản xuất, kinh doanh hấp dẫn, hồ sơ pháp lý đầy đủ, báo cáo tài chính minh bạch thì mới tạo được niềm tin bước đầu cho ngân hàng. Khi đó, nếu hồ sơ của doanh nghiệp thiếu thủ tục gì, ngân hàng sẽ tư vấn. Và nếu cần thiết nữa, Hội Doanh nghiệp Phú Yên cũng có luật sư, nhận tư vấn miễn phí để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía ngân hàng, chúng tôi mong muốn các ngân hàng xem xét nâng hạn mức tín chấp với doanh nghiệp, cởi mở hơn trong quá trình xem xét hồ sơ vay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp minh bạch tài chính, có hệ thống quản lý rủi ro tốt, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền.
ÔNG NGUYỄN VĂN HÀN, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN: Ngân hàng nên chấp nhận rủi ro để chia sẻ với doanh nghiệp
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 170.000 lượt khách hàng có quan hệ vay vốn với ngân hàng. Trong đó chỉ khoảng 1.000 lượt khách hàng là doanh nghiệp; còn lại là hộ kinh doanh, cá nhân. Tổng vốn tín dụng cho khách hàng cá nhân cũng chiếm đến 2/3 tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn. Điều này cho thấy ngân hàng cho vay hộ, cá nhân yên tâm hơn cho vay doanh nghiệp. Hay nói cách khác, ngân hàng không mặn mà cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn.
Qua những con số thống kê nêu trên, một mặt cộng đồng doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình, làm sao để thời gian tới, tỉ trọng vốn tín dụng doanh nghiệp vay ngân hàng phải cao hơn hộ kinh doanh, cá nhân. Khi đó, kinh tế của tỉnh sẽ khởi sắc hơn nữa. Mặt khác, ngân hàng cũng nên quan tâm hơn đến các doanh nghiệp. Ngân hàng nên chấp nhận rủi ro ở mức độ cho phép để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, chứ nếu cứ “chắc như bắp” sẽ rất khó cho doanh nghiệp. |
LÊ HẢO