Trên địa bàn tỉnh, chủ trương xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị nông sản đang phát huy hiệu quả, giúp tăng thu nhập hộ gia đình, tạo sức hút để người dân tham gia vào HTX.
Nâng tầm nông sản
Theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX EABAR EMI FARM (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh), ông từng là hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, hàng chục năm gắn bó với cây cao su, sắn, cà phê… nhưng do giá cả bấp bênh, thời tiết bất thường và sâu bệnh khiến thu nhập gia đình ông không ổn định. Từ đó, ông mạnh dạn chuyển sang cây trồng mới là cây sa chi và áp dụng kỹ thuật sản xuất mới, dùng phân hữu cơ được ủ từ cá tạp, phân chuồng, rác thải trộn với chế phẩm sinh học emina bón cho cây trồng.
Ông Phú cho biết: Hạt sa chi sạch của tôi được Công ty CP Sacha inchi Việt Nam thu mua. Nhưng do sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình nên không đáp ứng yêu cầu sản lượng, nếu đi mua gom các hộ khác thì chất lượng không đồng đều, không đảm bảo sa chi sạch, còn bán cho các đại lý, tư thương thì lặp lại tình trạng bị ép giá. Tôi nhận thấy chỉ có làm chủ được chuỗi sản xuất từ trồng, chế biến, đóng gói thành phẩm mới chủ động được trên thị trường. Muốn vậy phải vận động các hộ vào HTX cùng làm, giải quyết được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ và đầu ra tiêu thụ.
Tháng 8/2019, HTX EABAR EMI FARM được thành lập. Sau 2 tháng hoạt động, HTX có diện tích sản xuất 12ha gồm 6ha của 7 hộ ở xã Ea Bar và 6ha của 3 hộ ở xã Ea Ly, có máy tách hạt và rang sấy sa chi. Hiện đơn vị đang hoàn tất thủ tục xây dựng thương hiệu độc quyền để đưa sản phẩm sa chi có mặt trong các siêu thị, nhà hàng…
Theo ông Ngô Văn Tịnh ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), 1ha trồng được trung bình 2.000 gốc sa chi, cho sản lượng 4kg hạt/cây, với giá hiện nay từ 40.000-50.000 đồng/kg, cho lãi 70 triệu đồng/ha. So với trồng sắn, mía, thu nhập từ cây sa chi cao hơn 40 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trồng sa chi bằng phân hữu cơ thay vì phân, thuốc hóa học như trước đây, nên an toàn với sức khỏe và bảo vệ môi trường sinh thái.
Cơ hội cho nhiều nông sản truyền thống
Nhiều sản phẩm nông sản của bà con đã có từ rất lâu nhưng chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường. Cho tới khi các HTX hình thành chuỗi giá trị đưa nông sản này trở thành sản phẩm làng nghề, sẵn sàng có mặt trên thị trường cao cấp như siêu thị, nhà hàng, khách sạn…
Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), khi dầu đậu phộng được chọn là sản phẩm làng nghề, HTX được đầu tư máy móc, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… Từ đây sản phẩm dầu đậu phộng của bà con không phải bán nhỏ lẻ nữa, giá trị kinh tế nhờ đó tăng lên.
HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), đại diện thương hiệu cho các sản phẩm làm từ trái khóm, gồm bánh khóm, nước ép, khóm sấy, khóm trái tươi thì có cơ hội nâng cao công nghệ chế biến khi tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ HTX gắn với chuỗi giá trị nông sản của Liên minh HTX Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, cho biết: HTX có cơ hội đầu tư công nghệ hiện đại thay vì sản xuất thủ công, nhỏ lẻ như trước đây. Hiện HTX có nhiều đơn đặt hàng các sản phẩm này nhưng chưa thể sản xuất với sản lượng lớn, đồng đều chất lượng nên chưa nhận lời, khi dây chuyền công nghệ đi vào hoạt động, HTX đáp ứng được tất cả các đơn hàng và người trồng khóm Đồng Din sẽ không phải lo đầu ra.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Chuỗi giá trị nông sản đang mở ra hướng đi mới giúp nâng cao vị thế của các HTX trong hội nhập kinh tế thị trường và gắn kinh tế tập thể với các chương trình lớn như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và mỗi xã một sản phẩm làng nghề.
Những HTX đã hình thành được chuỗi giá trị đang góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, giúp tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Những HTX mới thành lập lấy đây là mục tiêu để hướng tới hoạt động ổn định và có hiệu quả. Liên minh khuyến khích các HTX xây dựng chuỗi giá trị nông sản và sẽ hỗ trợ tối đa các HTX trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn hỗ trợ.
MINH DUYÊN