Đã vào cuối mùa nhưng làng sen ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) vẫn nhộn nhịp người mua gương sen, người ngồi tách vỏ, phơi tim sen hay rang xay sen khô... Thành phẩm là những hạt sen, bột sen, tim sen nguyên chất thơm ngon được mang đi khắp nơi tiêu thụ.
Tới cơ sở thu mua và tách vỏ hạt sen của chị Nguyễn Thị Hiền Lương ở thôn Nam Bình 1 rộn ràng tiếng nói của các chị em. Họ vừa tách từng hạt sen vừa kể cho nhau nghe chuyện con cái, gia đình hay cách nấu cháo, xáo xôi, làm sữa non từ hạt sen.
Chị Lương cho biết: Vào chính vụ có tới 30 chị em tới đây tách vỏ hạt sen; mỗi ngày từ 2-3 tạ gương sen được tách thành phẩm. Có người tranh thủ tới buổi sáng, người buổi chiều, cũng có người mang về nhà vừa lo việc nhà vừa tách vỏ những lúc rảnh rỗi. Tiền công trả theo sản phẩm với bình quân 15.000 đồng/kg nên công việc này cũng mang lại thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày/người. Sen thành phẩm, ngoài thị trường trong tỉnh thì còn tiêu thụ ở Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Chị Nguyễn Ngọc Ly ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cho biết: Hạt sen Hòa Xuân Tây nổi tiếng ai cũng biết. Ngày trước khi sinh nở, mẹ tôi về tận xã Hòa Xuân Tây tìm mua hạt sen, ngó sen hầm chân giò để lợi sữa. Con tôi ăn dặm, mẹ tôi cũng mua bột hạt sen ở đây về cho cháu ăn.
Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1, cây sen bén rễ ở xã Hòa Xuân Tây từ năm 2009, ban đầu chỉ 1-2 hộ trồng. Theo thời gian, cây sen hợp đất, hợp người, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên hầu hết diện tích bàu trũng được bà con trồng sen. Hiện nay, nhiều hộ còn chuyển diện tích trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả thành đầm sen. Trong xã có 60 hộ trồng 100ha sen và có 6 hộ thu mua gương sen nên người trồng không lo đầu ra.
So với cây lúa, cây sen cho thu nhập cao gấp 3-4 lần. Hiện sản phẩm hạt sen mang thương hiệu HTX đã được UBND tỉnh chọn là sản phẩm tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm làng nghề tỉnh Phú Yên) giai đoạn 2019-2020. Đây sẽ là cơ hội để nông sản này của xã Hòa Xuân Tây khẳng định chỗ đứng trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Giám đốc HTX này, cho biết: Cây sen đã mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người trồng, người bán và người làm công. Các hộ dân trong xã dần hình thành chuỗi giá trị nông sản với các khâu từ trồng, chế biến tới tiêu thụ. Tuy nhiên, các khâu này vẫn được thực hiện thủ công và nhỏ lẻ. Để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế cho cây trồng này theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX sẽ đầu tư máy móc, đưa công nghệ vào chế biến, xây dựng thương hiệu, mã vạch hàng hóa… Đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ về vốn từ các chương trình hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị nông sản của Liên minh HTX Việt Nam, từ chương trình OCOP của UBND tỉnh…
BẠCH VÂN