Với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão thì việc chuẩn bị kỹ càng an toàn thực phẩm (ATTP) là rất cần thiết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Lo lắng về ATTP
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, vào mùa mưa bão, vấn đề vệ sinh ATTP rất khó kiểm soát. Bởi ngoài thực phẩm chế biến sẵn ở gia đình, các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn thì còn có thực phẩm tươi sống, chưa chế biến được bán ở các chợ, điểm bán. Nếu người mua, người bán không thận trọng trong việc cung ứng, lựa chọn thực phẩm an toàn thì dễ gây ra ngộ độc hay các vấn đề khác ảnh hưởng sức khỏe.
Bà Trần Thị Bảo Thuyên ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, cho biết: Những ngày trời mưa, đa số các loại rau củ bán ở chợ trông rất tươi, rất thích mua. Với tâm lý sợ những ngày tới mưa lớn không đi chợ được nên có hôm, tôi mua thực phẩm để dự trữ. Nhưng chỉ một hai ngày sau thì số thực phẩm chưa ăn hết đã bị hư. Tôi nghĩ do ngâm trong nước mưa bị úng hay có phân thuốc nhiều nên cũng rất lo. Còn theo những người dân khác, việc đề phòng với thực phẩm mất an toàn không phụ thuộc nhiều vào cách lựa chọn của người mua mà tùy vào người bán và sự kiểm soát của ngành chức năng.
Tuy hiện nay, một số chợ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mô hình chợ ATTP, người bán phải tuân thủ quy định chợ, chọn thực phẩm có nguồn gốc, hợp vệ sinh để cung ứng cho người dân, nhưng vẫn có nhiều chợ chưa thực hiện mô hình này. Do vậy, vấn đề mua bán thực phẩm của tiểu thương là rất đáng lo ngại. Bà Nguyễn Thị Ngân, tiểu thương bán thực phẩm tươi sống chợ Hầm Nước (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) bộc bạch: Để bán hàng tại chợ này, từ 4 giờ sáng, tôi đã có mặt ở chợ Tuy Hòa để lấy hàng từ các thương lái. Đa số là rau củ, thịt cá… Hàng nào thấy tươi, ngon thì mua chứ an toàn hay không thì tôi “thua”.
Tích cực tuyên truyền
Ông Nguyễn Khắc Sinh, Trưởng Ban quản lý chợ Tuy Hòa, cho biết: Chợ Tuy Hòa được chọn là điểm về chợ ATTP. Ban quản lý chợ Tuy Hòa luôn nhắc nhở tiểu thương thực hiện tốt về ATTP. Đặc biệt, trong những ngày mưa, ban quản lý tăng cường tuyên truyền cho người dân về vấn đề ATTP với các nội dung cụ thể và được phát trên loa phát thanh 2 lần/tuần. Chúng tôi còn dán áp phích ở các khu vực tiểu thương dễ nhận thấy; đồng thời khuyến cáo, thuyết phục tiểu thương chọn và bán thực phẩm an toàn, tránh những thực phẩm không rõ nguồn gốc…
Còn theo Ban quản lý chợ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, từ đầu mùa mưa đến nay, ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở và khuyến cáo người dân về cách bảo quản, sơ chế sạch, nấu chín, không bán thực phẩm thừa của ngày hôm trước, hạn chế dùng chất phụ gia, bảo quản, không để vi khuẩn, vi trùng bám vào thức ăn; hoặc mua thực phẩm tươi có nguồn gốc rõ ràng, không ngấm nước mưa… Trước mắt, công tác ATTP tại chợ vẫn được bảo đảm, chưa xảy ra vấn đề về thực phẩm mất an toàn hay ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Bão, lũ lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật và nguy cơ ảnh hưởng đến thực phẩm cũng khá cao. Trong đó, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn có thể bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố gây ra ngộ độc.
Ngoài ra, vào mùa mưa, nguy cơ nguồn nước không đảm bảo, có thể đã tiếp xúc với nguồn nước thải, các chất hóa học, kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có thể làm ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn. Do đó, người dân nên chú trọng ATTP bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín. Nên đun nấu kỹ, giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn (giữ hơn 600C trước khi ăn), sử dụng nước và nguyên liệu an toàn, đặc biệt là lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, rửa sạch rau và hoa quả, không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, móp méo…
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý ATTP ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm có thể xảy ra trong mùa mưa, bão để đưa ra thị trường những loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh. Khi bão, lũ xảy ra, người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; những vùng không đủ nước sạch, có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế. |
KHANG ANH