Theo Sở NN-PTNT, đợt nắng nóng vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 59 vụ cháy gây thiệt hại 825ha rừng, cùng với đó trên 2.700ha rừng trồng chết khô, tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Hiện nay, thời tiết bước vào mùa mưa, nông dân tập trung trồng keo phủ xanh lại diện tích rừng khô cháy.
Trồng rừng thay thế
Những ngày qua, tranh thủ trời mưa đất ướt, nông dân các xã Sơn Xuân, Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) tập trung trồng rừng kinh tế. Ông Bùi Văn Tùng ở xã Sơn Xuân chia sẻ: Gần một tuần qua trời mưa, đất ở các khu vực gò đồi ướt thấm sâu, trồng keo mau bén rễ nên nông dân vùng này ai cũng tranh thủ trồng rừng.
Tại vùng cao nguyên Vân Hòa gồm ba xã: Sơn Xuân, Sơn Định, Sơn Long đã có trên 8 vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp. Các vườn ươm chủ yếu giâm hom giống cây keo lai. Đợt nắng hạn vừa qua làm cho rừng trồng bị khô cháy, nên năm nay nhu cầu trồng rừng tăng cao, nông dân đổ xô đến các vườn ươm chở cây giống đi trồng. Bà Phan Thị Nhung ở xã Sơn Định đang vận chuyển cây giống cho hay: Thiên tai phá hoại nhiều diện tích rừng trồng. Trước đó, bão số 12/2017 làm gãy đổ rừng trồng; vào mùa mưa năm ngoái nông dân trồng lại thì mùa hè năm nay gặp nắng hạn, rừng cây còn nhỏ yếu sức nên chết nhiều. Đầu mùa mưa năm nay, vùng này ai cũng tranh thủ trồng rừng thay thế diện tích rừng đã khô cháy.
Ông Nguyễn Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết: Sơn Định nằm trong vùng cao nguyên Vân Hòa khí hậu mát mẻ nhưng đợt nắng hạn kéo dài vừa qua nhiệt độ tăng cao, rừng trồng khô cháy. Hiện nay bước vào mùa mưa, nông dân khẩn trương trồng rừng thay thế, dự kiến trồng 100ha rừng. Đối với nông dân xã Sơn Định, trồng rừng kinh tế là nguồn thu nhập chính.
Những cơn mưa vào trung tuần tháng 10 này, nhiều nông dân các xã An Thọ, An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An) tập trung đến các vườn ươm giống cây lâm nghiệp mua keo giống trồng rừng. Trước đó trong đợt nắng hạn, trên địa bàn huyện Tuy An xảy ra 9 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 36ha rừng. Ông Phan Văn Tính, nông dân trồng rừng ở xã An Lĩnh, cho hay: Ngoài trồng keo trên diện tích rừng đã khô cháy, nông dân trồng thêm vào diện tích trồng sắn, mía bị khô héo. Đợt nắng nóng vừa qua, nhiều diện tích mía, sắn mất nước không phát triển, nếu như tiếp tục chăm sóc sắn, mía đòi hỏi người dân phải tăng cường đầu tư, trong khi giá phân bón tăng cao như hiện nay thì sẽ lỗ; vì vậy, nhiều nông dân chuyển sang trồng rừng kinh tế.
Tại vườn ươm ở xã An Thọ, trong những ngày mưa vừa qua, các loại xe cơ giới liên tục ra vào vận chuyển cây giống về các vùng gò đồi trồng rừng. Giá keo giống từ 600-700 đồng/cây (tùy lớn nhỏ), bằng giá năm ngoái. Theo ông Cao Văn Tiên, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, những năm qua, nông dân các xã miền núi của huyện Tuy An chủ yếu thu nhập từ rừng trồng. Đợt nắng hạn vừa qua làm nhiều diện tích rừng khô cháy, mùa mưa nông dân trồng rừng phủ xanh trên diện tích rừng khai thác, rừng khô chết. Hiện giá trị kinh tế từ trồng rừng tăng nên người dân tập trung đầu tư thâm canh trồng rừng.
Giá tăng, người trồng rừng vui mừng
Cũng trong đợt nắng nóng gay gắt kéo dài vừa qua dẫn đến rừng keo khô héo nên nhiều người đổ xô khai thác bán gỗ nguyên liệu, dẫn đến giá keo đột ngột giảm sâu. Đầu tháng 7 vừa qua, giá gỗ nguyên liệu chỉ còn 900.000 đồng/tấn (trước đó giá keo đầu tháng 5 là 1,3 triệu đồng/tấn), khối lượng lại giảm gần phân nửa do mất nước làm cho người trồng keo thiệt hại nặng. Thế nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, giá gỗ nguyên liệu tăng lên 1,2 triệu đồng/tấn, người trồng rừng vui mừng.
Ông Sô Minh Lung, trồng keo ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Vừa qua có đợt mưa lớn rất thích hợp cho việc trồng keo. Hiện giá keo tăng thì 1ha keo trung bình thu 60-70 triệu đồng, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe…, người trồng còn lãi 40 triệu đồng. Mùa trồng rừng mà giá gỗ nguyên liệu tăng cao tạo sự phấn khởi cho người trồng rừng.
Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Kế hoạch mùa mưa năm nay trên địa bàn xã trồng 200ha rừng kinh tế. Diện tích trồng mới sẽ bù lại diện tích rừng trồng đến kỳ phải thu hoạch và trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị nắng hạn khô cháy.
Theo Sở NN-PTNT, đầu mùa mưa năm nay, các doanh nghiệp, cá nhân trồng rừng kinh tế đã tổ chức chăm sóc rừng trồng các năm trước được 17.030ha, cùng với đó gieo ươm cây giống lâm nghiệp khoảng 8,6 triệu cây. Thời gian đến, các doanh nghiệp cùng với nông dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, chăm sóc rừng trồng, thực hiện gieo ươm và chăm sóc cây con để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán năm 2019. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Ngay từ đầu năm, Phú Yên đã phát động phong trào trồng cây với mục tiêu năm nay trồng mới 6.000ha rừng; trong đó có ít nhất 4.200ha rừng sản xuất, tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An. Hiện nay năng suất gỗ từ rừng trồng đạt khá cao, bình quân 70 tấn/ha; những nơi được đầu tư chăm sóc tốt đạt 90 tấn/ha trở lên nên người trồng rừng thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, sau 5-6 năm chăm sóc.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH HOÀI NAM