Thứ Ba, 24/09/2024 19:26 CH
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Chủ động, chặt chẽ trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ Bảy, 19/10/2019 08:47 SA

Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Phú Yên. Ảnh: PV

Tại hội nghị về hội nhập quốc tế do Sở Công thương tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và cam kết hội nhập của Việt Nam, cơ hội, thách thức cũng như những yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp khi các FTA có hiệu lực. Trao đổi với Báo Phú Yên về các vấn đề nêu trên, bà Phạm Chi Lan cho biết:

 

- Tham gia và là thành viên của các FTA, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong bối cảnh hoàn toàn mới. Đó là sự cộng hưởng, tác động nhiều chiều của những cơ hội, thách thức với quy mô, mức độ lớn, sâu rộng hơn. Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng, trong đó có Phú Yên phải xác định lợi ích cốt lõi, biết được việc thực hiện các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP, ACE… sẽ mang lại những gì và cần làm gì để tận dụng cơ hội. Bởi so với trước đây thì hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo mà Việt Nam phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực ngày càng định hình rõ nét hơn. Đồng thời phải xử lý được tác động lan truyền, tương tác giữa các nền kinh tế, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 hay các rủi ro của an ninh truyền thống, phi truyền thống…

 

Bà Phạm Chi Lan

* Theo bà, những thị trường nào có thể mang lại hiệu quả hợp tác cho Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng khi thực thi các FTA?

 

- Từ năm 1993 đến nay đã có 12 FTA được ký kết và có hiệu lực, 4 FTA đã kết thúc đàm phán, đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Thông qua các hiệp định đó, Việt Nam là thành viên và có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Với Mỹ, đây là đối tác lớn, có sự tác động đến nền kinh tế nước ta. Còn Trung Quốc, những năm qua, nguồn đầu tư của họ đối với Việt Nam được tăng lên, là đối tác quan trọng nên Việt Nam đang cải thiện các mặt về quan hệ kinh tế với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho quốc gia. Với đối tác EU, liên minh châu Âu, chúng ta đang hy vọng trong năm tới, Hiệp định FTA và liên minh châu Âu được cải thiện, sẽ là thị trường cực kỳ lớn và toàn diện với Việt Nam kể cả về thương mại, xuất, nhập khẩu, đầu tư, nhân lực, đào tạo, đặc biệt là hợp tác về kỹ thuật, công nghệ. EU là cái nôi, có nguồn công nghệ lớn có thể giúp Việt Nam nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công nghệ 4.0.

 

Ngoài ra, Nhật Bản cũng là đối tác lớn không thể bỏ qua. Từ trước đến nay, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ nhiều cho Việt Nam, mức đầu tư cho nước ta cũng rất lớn. Lâu nay, thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản luôn cân bằng về các mặt và rất thuận lợi. Hiện chúng ta đang có 3 FTA khác nhau với Nhật Bản, đó là FTA trực tiếp giữa ta và Nhật Bản, giữa Nhật với ASEAN mà Việt Nam là thành viên và trong Hiệp định CPTPP thì Nhật Bản mang tính chất dẫn dắt kinh tế. Tới đây, khi hoàn thành RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), Việt Nam sẽ có thêm kênh hợp tác với Nhật Bản. Riêng với quan hệ cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành lâu nay, Việt Nam tiếp tục quan tâm tới ASEAN và luôn có mối quan hệ cùng nhau gắn bó, ứng phó trong quan hệ với các nước lớn hơn.

 

* Cụ thể về những cơ hội, thách thức cũng như các vấn đề khác là gì, thưa bà?

 

- Trước hết là cơ hội, tham gia các FTA, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước sẽ cân bằng hơn; cơ hội xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp tăng lên. Doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn về thủ tục, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, được ưu đãi thuế quan từ các thị trường lớn; có thể tiếp cận với nguồn vốn, môi trường đầu tư nước ngoài, công nghệ, kỹ năng quản lý… của các nước. Quan trọng hơn là thúc đẩy cải cách thể chế trong nước theo định hướng thị trường, làm động lực để chúng ta thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng, hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh.

 

Tồn tại song song với cơ hội thì doanh nghiệp Việt phải đối mặt với cạnh tranh, rào cản phi thương mại, cơ cấu sản phẩm… Trong đó tranh chấp thương mại là chuyện xảy ra thường xuyên trong kinh tế thị trường và quan hệ thương mại khi các doanh nghiệp hợp tác làm ăn một phần dựa trên cơ sở luật pháp, một phần là giữa các hợp đồng thương mại đã ký với nhau. Vì vậy, các nước đều có pháp luật quy định cơ chế giải quyết tranh chấp và nhiều điều ước quốc tế quy định vấn đề này. Luật pháp Việt Nam cũng khá tương đồng với luật pháp quốc tế về tranh chấp thương mại, cả về quy định và các thiết chế… Những vấn đề này đều đã được pháp luật quy định và ở nước ta vẫn có nhiều hướng dẫn để doanh nghiệp có thể nắm bắt.

 

Sản xuất hàng may mặc tại một doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: VÕ PHÊ

 

* Những khuyến nghị đối với chính quyền, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp Việt trong đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội hiện nay?

 

- Về phía Trung ương, Quốc hội đã phê chuẩn các FTA, công ước quốc tế, sửa đổi các luật, pháp lệnh cần thiết và nội hóa các cam kết. Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động, nghị định, nghị quyết… để thực hiện; Bộ Chính trị cũng đã ban hành một số nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới. Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp, ngành phải triển khai thực hiện theo đúng quy định, chủ trương chung. Đối với Phú Yên cũng như các tỉnh, thành khác cần tiếp tục phổ biến, thông tin, hướng dẫn về nội dung các FTA và chính sách có liên quan trực tiếp cho cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân. Đồng thời chủ động nắm bắt và phát huy thế mạnh để thu hút và quản lý chặt chẽ về đầu tư, mở rộng thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp…

 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, không riêng gì doanh nghiệp Phú Yên mà tất cả các doanh nghiệp trong nước phải tự mình thực hiện 4 hoạt động quan trọng.

 

Thứ nhất, vẫn là việc các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tồn tại hay không trên thị trường ngay cả nội địa cũng phải dựa trên năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp phải nghĩ và thay đổi chiến lược cạnh tranh. Lâu nay, doanh nghiệp Việt chủ yếu cạnh tranh bằng giá rẻ và giá rẻ dựa trên giá lao động rẻ, còn hiện nay, giá lao động Việt Nam đang đắt dần lên nhưng tay nghề còn rất khiêm tốn, sẽ không giúp được doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải thay đổi cách thức cạnh tranh và tiếp cận, áp dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cạnh tranh.

 

Thứ hai, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sáng tạo. Bởi đa phần doanh nghiệp vẫn làm theo cách cũ, dựa trên những tập quán quen thuộc. Điển hình là một số sản phẩm đã được định hình và doanh nghiệp cứ xem đó là thế mạnh mà không muốn buôn rời nó; nhưng ngày nay, dòng đời của sản phẩm rất ngắn, trong khi thị trường trong và ngoài nước luôn vận động buộc doanh nghiệp phải sáng tạo để phát triển.

 

Thứ ba, là yếu tố kết nối. Kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp cùng, khác ngành nghề để hợp sức cùng nhau tiến ra thị trường trong nước và nước ngoài.

 

Thứ tư, doanh nghiệp phải phối hợp với Chính phủ, chính quyền các địa phương để xây dựng môi trường kinh doanh tốt, ổn định, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về luật pháp, nhất là những quy định mới thay đổi, hệ thống thông tin, thị trường thông qua các kênh truyền thông của chính quyền, các hiệp hội… Mặt khác, hợp đồng được xem như một luật riêng giữa các doanh nghiệp trong hợp tác, do đó trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng, đề phòng các trường hợp tranh chấp có thể xảy ra. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ vẫn phải trang bị những kiến thức cần thiết để đối phó với các tình huống như đầu tư, cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc... Vì thực tế, càng làm ăn thì càng đòi hỏi độ tuân thủ luật pháp cao, doanh nghiệp phải hiểu luật thì mới làm đúng luật để tự bảo vệ mình, bảo vệ quan hệ tốt đẹp với khách hàng.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

VÕ PHÊ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek