Thứ Năm, 28/11/2024 02:41 SA
Sản xuất trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ Tư, 16/10/2019 06:35 SA

Nông dân tham quan mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Ảnh: HOÀI NAM

Mới đây, ngành Nông nghiệp tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề Sản xuất trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại hội thảo, các chuyên gia kỹ thuật đã giải đáp, trao đổi với bà con nông dân về cách phòng trừ sâu bệnh hại mới xuất hiện, đồng thời đưa ra các mô hình trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện ngành Nông nghiệp thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm và góp phần rất lớn trong xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do hạn hán, lũ lụt gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, nắng hạn làm gần 1.800ha cây trồng sinh trưởng kém hơn cùng kỳ, dẫn đến năng suất, sản lượng sụt giảm theo; trong đó cây lúa giảm 5%, sắn giảm 6,5%, đậu các loại giảm 4,2%... Cùng với đó xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại mới, nông dân chưa từng gặp nên khó khăn trong phòng trừ, dẫn đến thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp.

 

Xuất hiện sâu, bệnh hại mới

 

Cuối tháng 5 vừa qua, ngành Nông nghiệp phát hiện sâu keo mùa thu gây hại 0,6ha bắp tại xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh); đến tháng 9, gây hại 120ha bắp tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa và TP Tuy Hòa. Đây là loại sâu mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác.

 

Ông Trần Văn Tấn, nông dân trồng bắp ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho hay: Tôi trồng 1.000m2 bắp, sâu xuất hiện cắn nát đọt. Tôi chưa từng thấy con sâu nào cắn phá bắp như loại sâu này. Tôi phun 3 lần thuốc, sâu có giảm nhưng vẫn còn lượng lớn cắn phá. Cuối cùng, tôi phải cày phá bỏ trồng cây mới.

 

Còn bệnh khảm lá virus phát sinh mạnh gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn của tỉnh trong 2 năm qua. Chỉ tính riêng tháng 6 vừa qua, bệnh khảm lá gây hại giai đoạn cây con phát triển thân, lá gần 680ha sắn. Cụ thể, tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus hại 500ha, huyện Sơn Hòa 34,3ha, Tây Hòa 70ha.

 

Ông Bùi Văn Dũng trồng sắn ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho hay: Vừa rồi nắng nóng kéo dài, tôi trồng 3 lần giống đều bị nắng làm khô hom. Khan hiếm giống nên nhiều người mua sắn giống ở các tỉnh phía Nam về bán, khi sắn mọc lên thì bị khảm đọt quăn lại. Gia đình tôi trồng 0,5ha sắn, khâu cày bừa, giống đầu tư gần 2 triệu đồng xem như mất trắng.

 

Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, nông dân cần chủ động phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn bằng cách không mua giống từ các vùng có dịch bệnh khảm lá, giống không rõ nguồn gốc. Khi sắn nhiễm bệnh, địa phương vận động các hộ nông dân tiêu hủy kịp thời để không lây lan ra ruộng khác...

 

Còn đối với sâu keo mùa thu, sức ăn của sâu này rất mạnh, sâu này không ăn một loại cây trồng mà ăn nhiều loại cây trồng như bắp và lúa. Một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây bắp trong vài ngày. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây với mật độ từ 4-8 con/m2.

 

Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Nông dân phun thuốc đặc trị khi sâu còn nhỏ mới tiêu diệt được chúng, còn khi sâu lớn phun thuốc sâu không chết lại tốn chi phí mua thuốc phun nhiều lần, ảnh hưởng môi trường.

 

Ứng dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu

 

Những năm qua, lũ lụt liên tiếp xảy ra làm nhiều diện tích đất dọc sông Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) bị bồi lấp và bào mòn, sau khi nông dân cải tạo đất thì chưa thích nghi với cây trồng. UBND huyện Đồng Xuân triển khai đề tài khoa học thuộc dự án Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh rải vụ trên 4 loại giống sắn là KM419, KM444, KM440, KM397.

 

Mô hình triển khai với quy trình kỹ thuật thâm canh hướng tới bền vững, qua đó tập huấn cho nông dân canh tác sắn ven sông Kỳ Lộ. Cuối vụ năng suất thu hoạch trong mô hình đối với giống KM419 là 54,2 tấn/ha; giống KM444 là 50,1 tấn/ha; KM440 là 47 tấn/ha; KM397 là 45,7 tấn/ha. Trong khi đó, sắn trồng ngoài mô hình đối chứng năng suất chỉ đạt 25,5 tấn/ha.

 

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho hay: Thông qua dự án đã chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho cộng đồng ở vùng đất dốc và đất ngập lụt ven sông Kỳ Lộ thuộc 2 xã Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3, trên diện tích 83,5ha, với 145 hộ tham gia. Hiệu quả dự án đã giúp chính quyền cấp xã và cộng đồng nâng cao năng lực trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và chuyển giao đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác, giúp các hộ nông dân chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng trọt đem lại hiệu quả.

 

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cùng với triển khai ứng dụng các biện pháp về giống, ngành Nông nghiệp triển khai các biện pháp tưới nước tiết kiệm tăng năng suất cây trồng trên vùng đất khô hạn. Theo đó, năm 2018, mô hình tưới nước cho cây mía bằng biện pháp tưới phun mưa được triển khai tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), với 4 bộ thiết bị tưới cho mía, 4 hộ tham gia.

 

Tại thời điểm vận hành, hệ thống gồm 20 béc, mỗi lần tưới hoạt động 5-10 béc, do đó 1ha chia làm 2-4 lần tưới trên diện tích 2.500-5.000m2, thời gian tưới từ 1,5-2 giờ/lần. Cuối vụ năng suất mía đạt 75 tấn/ha, trong khi đó năng suất mía trồng đại trà theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 60 tấn/ha. Năm 2019, mô hình này tiếp tục triển khai tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cũng với 4 bộ thiết bị tưới cho mía, 4 hộ tham gia mô hình.

 

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã phối hợp với các đơn vị triển khai rất nhiều chương trình, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, luân canh cây trồng. Từ đó hình thành các vùng chuyên canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế.

 

Ông Trương Văn Tuấn,

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek