Thứ Tư, 25/09/2024 17:29 CH
Tìm hướng đi cho nông nghiệp thông minh tại Phú Yên
Thứ Ba, 01/10/2019 06:59 SA

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT; TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và các nhà khoa học chủ trì hội nghị Ảnh: THANH HƯNG

Tại Lâm Đồng, các bộ TT-TT, NN-PTNT và Công thương cùng UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

 

Nhiều kinh nghiệm hay trong việc hướng đến một nền nông nghiệp thông minh tại nhiều vùng miền đã được chia sẻ. Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cũng đã được kết nối với nhiều địa phương để tìm hướng đi cho người nông dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

 

Ứng dụng CNTT, công nghệ số vào lĩnh vực nuôi trồng

 

Lâu nay, Phú Yên vẫn tự hào là địa phương có đồng lúa Tuy Hòa lớn nhất miền Trung, là hậu phương về lương thực cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Điều đó không ai phủ nhận. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, người nông dân khó có thể làm giàu, tỉnh Phú Yên khó có thể theo kịp các tỉnh bạn từ một nền nông nghiệp truyền thống.

 

Bên cạnh sản xuất lúa, Phú Yên còn là địa phương có nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khá mạnh ở ven biển Nam Trung Bộ. Phú Yên cũng có quỹ đất và điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc ở phía tây. Vậy lối đi nào cho một nền nông nghiệp thông minh ở Phú Yên? Trong buổi nói chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp tại Phú Yên gần đây, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khái quát một cách nôm na rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp là làm sao để giúp mẹ mình bán buồng chuối, con gà, con heo được nhiều tiền hơn... Rõ ràng là vậy, nhưng từ một nền sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi truyền thống, người nông dân bước vào một bối cảnh sản xuất, cung cầu hoàn toàn mới không phải là vấn đề đơn giản.

 

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, việc đầu tiên phải bắt tay làm ngay đó là ứng dụng CNTT, công nghệ số vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Đối với Phú Yên, cần tập trung vào sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo hướng hữu cơ từ khâu đầu tiên là chọn giống, đến khâu cuối cùng, là vấn đề thị trường trong nước, thị trường quốc tế. Các khâu từ chọn giống, xử lý đất, xử lý nước, các giải pháp bảo vệ thực vật hữu cơ, bảo quản nông sản, phát triển thị trường… cần phải theo một quy trình hoàn toàn mới trên nền tảng ứng dụng CNTT, công nghệ số. Lĩnh vực chăn nuôi cần xây dựng quy trình chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ, chú ý cả vấn đề tăng thu nhập cho nông dân từ phụ phẩm. Và tất nhiên, các khâu: trồng cỏ nuôi bò, nuôi bò sữa hay nuôi bò thịt, vấn đề xử lý chất thải của bò, vấn đề xuất xứ hàng hóa, thị trường… cũng phải ứng dụng quy trình chăn nuôi hiện đại mà các địa phương đi trước đã thành công.

 

Riêng lĩnh vực thủy sản, Phú Yên được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả nghề nuôi trồng ven bờ và đánh bắt xa bờ. Nhưng lâu nay, rủi ro trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên vẫn còn xảy ra thường xuyên, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường làm tôm hùm chết hàng loạt. Vì thế, khi đã xác định tôm hùm và cá ngừ đại dương là nguồn lợi chính của thủy sản Phú Yên, thì quy trình nuôi trồng, đánh bắt cũng phải áp dụng công nghệ, gắn kết với bảo vệ môi trường, phát triển thương hiệu, minh bạch trong vấn đề truy xuất hàng hóa…

 

Để làm được những vấn đề trên rất cần có các “Doanh nghiệp sản xuất tri thức”, ban đầu chỉ cần vài doanh nghiệp, sau đó mở rộng ra theo từng lĩnh vực. Cũng rất cần có các doanh nghiệp đầu tàu với những chính sách của tỉnh để thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có năng lực hùng mạnh để thúc đẩy cả ngành sản xuất. Các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, đưa giải pháp công nghệ vào thực tế cũng rất cần thiết thành lập. Số lượng các doanh nghiệp này sẽ tăng theo nhu cầu và khả năng đào tạo nguồn nhân lực của địa phương hoặc mời gọi từ nơi khác về. Mục tiêu 1 doanh nghiệp CNTT/1.000 dân mà Bộ TT-TT đưa ra rõ ràng càng phải phấn đấu hơn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông minh.

 

Các đơn vị sản xuất nông nghiệp từ nông hộ, HTX, trang trại, doanh nghiệp nhỏ… cũng phải tiến hành tổ chức sản xuất lại. Hệ thống thông tin cập nhật trạng thái thực hiện những nội dung nêu trên, vấn đề liên kết với các hiệp hội, các quỹ trong nước và quốc tế để phát triển nông nghiệp thông minh Phú Yên... sẽ là nền tảng cho nông nghiệp thông minh.

 

Khó khăn nhất vẫn là nhận thức, quyết tâm của người sản xuất, từ nông dân đến ban giám đốc các HTX, chủ trang trại, doanh nghiệp, họ có thật sự muốn thay đổi hay không? Giải quyết câu chuyện này, bài toán này rất cần sự đồng hành về công tác truyền thông của các cơ quan báo chí.

 

Giảm áp lực về nguồn nhân lực

 

Ngày nay, việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động… Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Lâm Đồng là một ví dụ.

 

Những năm qua, nông dân Lâm Đồng đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Qua internet, nông dân có thể lập kế hoạch sản xuất, từ sản lượng, chi phí đầu vào, lợi nhuận, thông tin thị trường, thời tiết, những rủi ro… để linh hoạt ứng phó trong sản xuất. CNTT còn tạo ra các hệ thống tự động hóa để tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác. Qua đó, cung cấp vật tư vừa đủ cho cây trồng, xác định được sức khỏe của vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng, kiểm soát và giảm dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm.

 

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin đã được nông dân Lâm Đồng mạnh dạn đầu tư như hệ thống nhà kính điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật)…

 

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã đạt trên 56.000ha, chiếm khoảng 20% diện tích đất canh tác. Giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất rau cao cấp đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, rau thủy canh đạt từ 8-9 tỉ đồng; ngành sản xuất hoa đạt đến 1,2 tỉ đồng. Sản xuất chè chất lượng cao đạt khoảng 250 triệu đồng và sản xuất cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm…

 

Tỉnh Phú Yên có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp thông minh, nhất là đã có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Quang, mà theo quy hoạch đến năm 2030, khu sản xuất này có tổng diện tích tự nhiên giai đoạn I lên đến 460ha. Vấn đề là để nông dân sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, thì vốn, chính sách đột phá cho nông nghiệp, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng thông minh, phù hợp với trình độ sản xuất của người nông dân; cơ sở dữ liệu phù hợp với từng loại nông sản, từng vùng sản xuất, vấn đề thị trường... là những việc làm cần phải triển khai đồng bộ.

 

Trong quá trình hướng đến một nền kinh tế số, xã hội số nói chung, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, rào cản lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cho nên, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp sẽ giảm bớt áp lực về nguồn nhân lực, có thể hội nhập với nền nông nghiệp hiện đại của khu vực.

 

Ngành TT-TT có vai trò “bà đỡ” trong xây dựng ngành Nông nghiệp thông minh với những việc làm thiết thực như kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ “sim khuyến nông” cho nông dân, cung cấp thông tin dự báo thời tiết nông vụ, xây dựng các chuyên trang truyền thông về nông nghiệp thông minh…Vận động các nguồn tài trợ để tập huấn cho nông dân năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet… Kết nối với các tập đoàn lớn về CNTT như Google, Google Hangout, Zalo, Facebook… để có thể kết nối, chia sẻ thông tin cho nông dân.

 

TRẦN THANH HƯNG

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek