So với 5 năm trước, vùng miền núi của tỉnh hôm nay đổi thay nhiều. Thôn buôn hòa cùng xã, huyện vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước nâng cao ý thức tự lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đổi thay từ vùng đất…
Thôn Suối Mây ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) có 100% đồng bào DTTS sinh sống. Từ một thôn khó khăn nay trở thành thôn nông thôn mới với tỉ lệ giảm nghèo từ 1,73% xuống còn 1,55% từ đầu năm đến nay.
Ông Seo Y Tâm, Trưởng thôn Suối Mây cho biết: Trong thôn, hệ thống giao thông đã bê tông, kiên cố hóa. 80% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn. Điện lưới quốc gia kéo tới từng nhà dân, 98% hộ có phương tiện nghe nhìn. Nhà cửa khang trang với 95% nhà xây lợp mái ngói và trên 50% có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh. Sản xuất nông nghiệp từ thuần túy thủ công nay đã chú trọng tới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Trong thôn có 6 xe tải, 1 máy cày tay, 2 máy cày đại phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản cho bà con. Hơn 40ha đất trống đồi núi trọc đã được phủ xanh bằng cây keo lai và cây công nghiệp để tăng thu nhập.
Xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) cũng từng là xã đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, nhờ được quan tâm đầu tư từ các chính sách hỗ trợ, xã từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất. Đời sống người dân ở đây được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo trong xã giảm từ hơn 58% năm 2015 xuống còn hơn 39% năm 2019.
Theo bà Mai Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, toàn xã có 563 hộ với 5 DTTS sinh sống. Không chỉ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây dựng, mà sản xuất phát triển kinh tế hộ cũng được quan tâm hỗ trợ. Từ nguồn vốn các chương trình 135, 30a, 5 năm qua, hộ nghèo trong xã được hỗ trợ 109 con bò, 3 mô hình nuôi heo đen, mở rộng thêm 6,2ha diện tích trồng điều. 26 người đến tuổi lao động được đi xuất khẩu lao động từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm. Trong 5 năm, tỉ lệ giảm nghèo 19%.
Còn huyện Sơn Hòa có hơn 5.400 hộ DTTS, chiếm gần 33% với 13 DTTS, chủ yếu Ê Đê, Chăm, Ba Na… Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thực hiện xóa đói giảm nghèo, 5 năm qua, địa phương từng bước đẩy nhanh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, cho biết: Trong sản xuất, lúa nước thay thế dần cây lúa rẫy với diện tích lúa nước hiện có 140ha; hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên hơn 3.200 tỉ đồng, tăng 4,3 lần so với 5 năm trước. Hạ tầng cơ sở được đầu tư với 20 công trình cấp nước tập trung phục vụ hơn 8.000 hộ dân, tỉ lệ giảm nghèo hàng năm đạt từ 3-3,15%.
Đến con người
Mí Phương ở buôn Ken, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) là nông dân sản xuất giỏi với thu nhập 250 triệu đồng/năm. Mí Phương nhớ lại: Ban đầu, tôi chỉ có 1ha đất sản xuất, loay hoay trồng mè, trồng bắp chỉ đủ qua ngày. Thấy người ta trồng cao su, trồng mía có thu nhập cao, tôi cũng muốn trồng nhưng với 1ha chẳng thấm vào đâu. Tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng qua kênh của Hội Nông dân xã, cùng với số vốn tiết kiệm được mua thêm đất sản xuất và khai hoang thêm. Hiện tôi có 15ha đất sản xuất, trong đó 2ha sắn, 7ha mía, 6ha cao su. Tôi cũng làm dịch vụ thu mua nông sản của bà con để bán lại, vừa đảm bảo đầu ra cho sản xuất của gia đình, vừa giúp bà con không bị ép giá. Nếu chỉ biết trông chờ, ỷ lại mà không tự mình mày mò tìm đường vươn lên thì tôi không có được ngày hôm nay.
Già làng Y Cái ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cho biết: Nhận thức của đồng bào tiến bộ nhiều lắm. Trước đây, từ sản xuất đến đời sống phụ thuộc vào tâm linh như giết trâu, giết gà cúng trời để có nước, bệnh đau cũng cúng. Nay thì khác rồi, ruộng cạn thì mua máy bơm dẫn nước về hoặc đào giếng; bệnh đau thì đi trạm xá chẩn bệnh, lấy thuốc…
Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, vươn lên vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hạn chế dần tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước là thay đổi đáng ghi nhận về đồng bào DTTS trong thời gian qua. Từ đây tạo điều kiện để những chính sách đầu tư cho vùng miền núi, DTTS ngày càng phát huy hiệu quả. Từ thôn buôn tới xã, huyện ngày một khang trang hơn, tiện nghi hơn. Đời sống của đồng bào cũng ngày một ấm no.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III vừa qua, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn ghi nhận: Phú Yên thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách an sinh xã hội nên đời sống đồng bào DTTS từng bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khu vực miền núi của tỉnh đạt từ 13,5%-14%, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ; vì vậy tỉ lệ hộ nghèo ở các xã DTTS của tỉnh giảm mạnh, khá bền vững. |
MINH DUYÊN