Cánh đồng buôn Chung (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) trước đây do đồng bào dân tộc thiểu số bản địa canh tác. Hơn mười năm trở lại đây, nhiều tộc người từ nơi khác đã định cư quanh khu vực này và họ chung sức ngăn suối, đắp đập nên năng suất lúa trên cánh đồng luôn ở mức cao nhất huyện miền núi Sông Hinh.
Mương dẫn nước làm tươi tốt cánh đồng buôn Chung - Ảnh: L.KHA
CÁNH ĐỒNG NĂNG SUẤT CAO
Đứng trên con đường nhựa của thôn Chư PLôi nhìn xuống, trước mắt tôi là cánh đồng buôn Chung xanh rì. Lúa đang đẻ nhánh. Bà Lê Thị Cảnh quê ở Đức Giang (xã Đức Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), đã định cư tại thôn Chư PLôi từ 20 năm trước, phấn khởi cho biết: “Tôi làm lúa nước trên cánh đồng này từ 10 năm qua. Với 1.500m2, thông thường mỗi vụ tôi thu hoạch được 25 bao lúa, mỗi bao nặng hơn 50kg. Tính ra năng suất khoảng 8,2 tấn/ha”. Anh Nguyễn Xuân Giáp ở thôn Chư PLôi, cho hay: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, làm được 1.000m2 ruộng lúa nước. Vụ hè thu gần đây nhất tôi thu được hơn 1 tấn lúa. Vụ nào thấp cũng thu được 8 tạ”. Không chỉ gia đình bà Cảnh, anh Giáp, nhiều người dân nơi đây không phải mua gạo ăn.
Phó trưởng thôn Chư PLôi Võ Văn Quyết cho biết: “Cánh đồng này rộng 17 ha, với hơn 70 hộ dân cùng canh tác. Ngoài ra còn có gần 10 ha khác, chủ yếu là ruộng trấp, người dân tranh thủ nguồn nước suối để trồng lúa. Năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha/vụ, riêng các ruộng trũng thấp có điều kiện tốt, nếu mùa vụ thuận lợi, năng suất có thể đạt trên 10 tấn/ha/vụ”.
THÀNH QUẢ CỦA SỰ ĐOÀN KẾT
Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Hinh Phạm Ngọc Duẩn đánh giá: “Năng suất lúa của cánh đồng buôn Chung cao nhất huyện”. Đó là nhờ người dân ở đây biết đoàn kết tạo nên nguồn lợi chung. Bà Lê Thị Cảnh cho hay: Cả cánh đồng không hề có một công trình thủy lợi nhỏ nào được đầu tư. Cách duy nhất để có nước là các hộ dân kêu gọi nhau chặt cây rừng đóng cọc chắn giữa dòng suối, dùng bao cát ngăn lại để tạo nên cái đập tạm bợ. Từ cái đập nhỏ ấy, người dân lại cùng nhau đào những con mương dẫn nước đến từng chân ruộng. Cứ vậy, rất nhiều cấp ruộng được dẫn nước tưới. Cái hay là chỉ cần một, hai người đắp đập thì tất cả những người có ruộng, từ Kinh, Ê Đê, Dao… đều đến chung tay.
Sau khi những người Dao di cư từ miền Bắc vào vùng đất này, đồng bào nơi đây bắt đầu biết cách ngăn nước để tưới cho cây lúa. Anh Võ Văn Quyết cho biết: Đồng bào Dao rất cần cù, lại có nhiều kinh nghiệm làm lúa bậc thang từ các tỉnh phía Bắc. Họ cũng rất sáng tạo, nhiều người đã nghĩ ra những phương pháp mới làm lợi cho mình và cho đồng bào. Dần dần, người dân trong vùng đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, xây dựng nên một cánh đồng trù phú. Mọi người đồng loạt xuống giống để tránh được sâu bệnh, tránh chim cò phá hoại tập trung… Bà con giúp đỡ nhau và cùng chia sẻ khó khăn.
Bây giờ, cánh đồng này làm hai vụ ăn chắc, từ tháng chạp đến tháng tư và từ tháng năm đến tháng chín hằng năm. Những hộ dân có ruộng chẳng phải lo thiếu gạo.
CẦN ĐẦU TƯ CHO CÁNH ĐỒNG
Cái khó của đồng bào ở đây là sau mỗi mùa mưa lũ, con đập, kênh mương cứ trôi theo dòng nước, người dân phải hì hục làm lại. Không ít mùa, người dân phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Theo lời bà Cảnh, dân ở đây đã kiến nghị các cấp đầu tư xây dựng một con đập nhỏ nhưng tới giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Đưa tôi đi xem một đoạn suối dài với nhiều dấu tích của những con đập do bà con tự tạo đã bị dòng lũ cuốn trôi, một người dân ở đây nói: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu góp một nửa kinh phí xây đập, đắp mương thì ai cũng ủng hộ”.
LY KHA