Thứ Bảy, 28/09/2024 22:27 CH
Phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực
Thứ Năm, 15/08/2019 07:10 SA

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với điều kiện sinh thái đa dạng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để phát triển nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Sau hơn 30 năm, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, sự phát triển của ngành nông nghiệp đã đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

 

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Năm 2018, ngành nông nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục với hơn 40 tỉ USD, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả và chất lượng nông sản của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam còn thua kém các nước nếu xét về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và nước. Năng suất yếu tố tổng hợp từng tăng trưởng mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống trong vài năm gần đây. Khoảng cách giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng xa và bất bình đẳng thu nhập tại các khu vực nông thôn ngày càng tăng.

 

Hầu hết nông sản của Việt Nam được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn các nước khác do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Ngay ở trong nước, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Trong khi đó, cơ cấu đất dành cho nông nghiệp chưa được đa dạng hóa với phần lớn diện tích được quy hoạch cho trồng lúa.

 

Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ, ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức như bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô. Đồng thời, biến đổi khí hậu với diễn biến phức tạp cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành nông nghiệp.

 

Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh ta cũng đang gặp nhiều thách thức để phát triển, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh.

 

Nằm ở khu vực Trung Bộ, Phú Yên có điều kiện thổ nhưỡng phong phú trải đều từ vùng đất bazan giáp Tây Nguyên cho đến Biển Đông, được nuôi dưỡng bởi “bầu sữa mẹ” sông Ba, dòng sông kỳ vỹ nhất khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ với lưu vực rộng hơn 13.000 km2. Thổ nhưỡng ở vùng đất này phù hợp nhiều loại cây khác nhau, từ những cây vùng đất đỏ Tây Nguyên như tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng đến những giống cây ngắn ngày tại “vựa lúa miền Trung”.

 

Bên cạnh đó, Phú Yên còn có đường bờ biển dài 189 km với 16.000 ha đầm, vịnh và 4.500 ha diện tích mặt nước ngọt, vùng biển khai thác có hiệu quả lên đến 6.900km2 với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp cho phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản. Những điều kiện thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng và vị trí địa lý được thúc đẩy với lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, chiếm hơn 50% tổng số lao động của tỉnh.

 

Nhằm phát huy những tiềm năng của tỉnh về phát triển nông nghiệp, với định hướng xây dựng nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế tỉnh bền vững, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có những chương trình, đề án cụ thể như Chương trình hành động số 08 – CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng dựng nông thôn mới hay Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Tuy vậy, mặc dù có nhiều lợi thế và được sự quan tâm của các cấp, ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của mình. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, thiếu sức cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thưởng bởi các điều kiện thời tiết và dịch bệnh, chất lượng tái cơ cấu còn hạn chế, tăng trưởng nông nghiệp thiếu bền vững và có xu hướng chậm lại, năng suất lao động nội ngành vẫn còn thấp….

 

Trong bối cảnh đó, trước xu thế phát triển nhanh của đất nước và thế giới, ngành nông nghiệp chúng ta muốn tiếp tục phát triển thì phải thay đổi bản thân mình, phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn gắn với phát triển theo chuỗi và chế biến sâu nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, mang lại hiệu quả cao hơn và tạo thêm giá trị kinh tế cho người nông dân.

 

Việc tái cơ cấu cần được thực hiện một cách tổng thể, từ công tác quản lý nhà nước, tới sản xuất nông sản chất lượng cao và xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để bán sản phẩm. Trong đó, công tác quản lý nhà nước cần tiếp tục được cải thiện để thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm xây dựng các sản phẩm chủ lực để tập trung thu hút đầu tư, phát triển như cây ăn quả, dược liệu, cây lâm nghiệp hay nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Đồng thời, những chủ trương, chính sách về khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp đi cần được thúc đẩy và đi vào cuộc sống.

 

Việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp cần phải gắn với thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, các mô hình tiên tiến, giống cây, con có năng suất, chất lượng cao và xây dựng chỉ dẫn địa lý.

 

Cuối cùng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá nông sản Phú Yên cần được thực hiện một cách bài bản, thường xuyên và chuyên nghiệp, hướng tới các thị trường tiềm năng mà nông sản tỉnh ta có thế mạnh.

 

Để làm được điều này, Nhà nước, với vai trò kiến tạo cần có những chính sách, hoạt động để gắn kết chặt chẽ các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối, nhà doanh nghiệp và nhà nông để các bên ngồi lại cùng nhau, hiểu nhau hơn, đồng hành và phát huy được lợi thế của từng bên. Qua đó, xây dựng được sức mạnh tổng thể để đưa nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

 

Với đặc thù là một địa phương gắn liền với “vựa lúa miền trung” và cơ cấu lao động trong nông nghiệp lớn, sự phát triển của ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đi lên của tỉnh. Ngành nông nghiệp cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trở thành một trụ cột phục vụ phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, mà còn là tác nhân cơ bản đảm bảo ổn định xã hội và an ninh lương thực của đất nước.

 

Ngày 15-16/8/2019, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức chuỗi hoạt động sự kiện “Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản của tỉnh năm 2019” với sự tham dự của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu về phát triển nông nghiệp, các ngân hàng, doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh, khu vực và các hợp tác xã, nông dân. Đây là cơ hội để các bên cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

 

PHẠM ĐẠI DƯƠNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek