Thứ Bảy, 05/10/2024 12:18 CH
Tín dụng chính sách: Công cụ đắc lực góp phần giảm nghèo bền vững
Thứ Sáu, 12/04/2019 13:00 CH

Người dân phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa vay vốn NHCSXH Phú Yên để sản xuất, cải thiện đời sống - Ảnh: LÊ HẢO

Đó là nhận định do đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đưa ra tại buổi làm việc mới đây với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) về kết quả thực hiện các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Không chỉ góp phần giảm nghèo, tín dụng chính sách còn giúp giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo

 

Với mô hình hoạt động đặc thù, thông qua phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH Phú Yên đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội tham gia kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn cho vay, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi.

 

Nhận định điểm mấu chốt trong việc thực hiện tín dụng chính sách hiện nay là nguồn vốn ít nhưng nhu cầu nhiều, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Cư cho rằng để giải quyết vấn đề này, trước hết, NHCSXH Phú Yên cần phối hợp với các hội đoàn thể và chính quyền địa phương nắm bắt cụ thể nhu cầu vốn của người dân, hướng dẫn họ nhanh chóng hoàn thành thủ tục vay và sử dụng vốn đúng mục đích. Đồng thời địa phương có thể nghiên cứu lồng nghép nguồn vốn các chương trình khác như nông thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề... để phát huy hiệu quả vốn chính sách.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chi nhánh tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp hội đoàn thể các cấp triển khai đến 112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung ưu tiên cho vay ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn... Hàng năm, hơn 38.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4.300 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2%.

 

Riêng 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh có gần 77.900 lượt hộ vay vốn, góp phần giúp gần 11.700 hộ thoát nghèo, tỉ lệ thoát nghèo trên 4,3%; thu hút gần 4.400 lao động có việc làm; hơn 14.200 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 33.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới; gần 9.600 hộ vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; 365 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở...

 

Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức và các kênh tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò trách nhiệm chính quyền địa phương, hệ thống chính trị các cấp trong việc thông tin, tuyên truyền giải thích các chủ trương tín dụng chính sách, hướng dẫn người dân tiếp cận vay vốn NHCSXH sử dụng có hiệu quả đã làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo.

 

“Mặc dù việc thực hiện các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đạt một số kết quả tích cực nhưng trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế. Điều kiện sản xuất, trồng trọt chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào thói quen, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán, giá cả không ổn định... khiến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, hiệu quả sử dụng vốn thấp, tiềm ẩn rủi ro”, ông Thục nói.

 

Bổ sung vốn, mở rộng đối tượng vay

 

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của NHCSXH Phú Yên trong việc thực hiện các chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng thời gian tới, ngân hàng cùng các hội đoàn thể và chính quyền địa phương còn nhiều việc phải làm để tiếp tục phát huy hiệu quả vốn chính sách.

 

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng: Theo thống kê của sở thì hàng năm có khoảng 400-500 người Phú Yên đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động tại NHCSXH Phú Yên quá thấp, hiện nay chỉ còn hơn 850 triệu đồng với 39 hộ vay. Vậy phải chăng người dân chưa biết đến chính sách này?

 

Thêm vào đó, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, hiện nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được vốn chính sách. Tôi đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê chính xác số lượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu vốn để NHCSXH có cơ sở xây dựng kế hoạch vốn để kịp thời giải ngân cho bà con.

 

Còn theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên cần kiến nghị Trung ương tiếp tục mở rộng đối tượng vay đối với hộ có mức thu nhập trung bình, đồng thời nâng mức cho vay để tạo điều kiện cho nhiều hộ dân được vay vốn, góp phần giảm tình trạng tín dụng đen đang lan tràn như hiện nay. Đồng thời, ngân hàng cũng cần quan tâm cung ứng vốn cho đối tượng thanh niên, học sinh sinh viên vay vốn đi học, lập thân lập nghiệp, đi lao động nước ngoài...

 

Theo NHCSXH Phú Yên, trong 2 năm (2017-2018), đơn vị được Trung ương phân bổ 407,8 tỉ đồng; đồng thời được bổ sung hơn 11,4 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách tỉnh, hơn 10,5 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách cấp huyện để cho vay các chương trình. “Mới đây, Hội đồng quản trị NHCSXH đã quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải đảm bảo tiền vay. Thực hiện chủ trương này, dự kiến nhu cầu vốn những năm tới rất lớn. Nếu nguồn vốn địa phương được nâng lên đáng kể thì việc cân đối phân bổ vốn từ Trung ương sẽ thuận lợi hơn”, ông Thục nói.

 

BÀ NGUYỄN THỊ DIỆU THIỀN, TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH: Gửi tiết kiệm qua NHCSXH để chia sẻ với người nghèo 

 

Qua giám sát, đoàn được biết hiện NHCSXH Phú Yên quản lý 19 chương trình tín dụng chính sách, đang triển khai cho vay 13 chương trình, còn 6 chương trình chỉ thu nợ. Trong 13 chương trình đang triển khai thì thực tế chỉ có một số chương trình đi vào đời sống; mà thiết thực nhất là 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng dư nợ chiếm 50,5% và tổng số hộ chiếm hơn 50% số hộ có dư nợ trên toàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, mức cho vay bình quân 3 chương trình này chỉ 35 triệu đồng/hộ, chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay cũng rất thấp, trong khi đối tượng thụ hưởng chương trình này rất rộng, nhu cầu vay cũng nhiều. Phân tích những điều này để thấy rằng khó khăn lớn nhất NHCSXH Phú Yên gặp phải là nguồn vốn.

 

Hiện nay, nguồn vốn cho vay của NHCSXH Phú Yên chủ yếu được phân bổ từ Trung ương, vốn địa phương có nhưng không đáng kể, chỉ chiếm 1,3% tổng dư nợ. Để chủ động tăng nguồn vốn cho vay, tôi đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Phú Yên tham mưu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức gửi tiết kiệm qua NHCSXH, hướng đến mục tiêu chia sẻ với người nghèo, chung tay vì người nghèo.

 

ÔNG HỒ VĂN THỤC, GIÁM ĐỐC NHCSXH PHÚ YÊN: Tăng cường vốn địa phương để cho vay tạo việc làm 

 

Những năm gần đây, nguồn vốn Trung ương chỉ ưu tiên đáp ứng cơ bản cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ năm 2012-2017, Trung ương không cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, riêng năm 2018 phân bổ 13 tỉ đồng để cho vay chương trình này. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là ở khu vực thành thị.

 

Ngoài ra, cuối năm 2018, toàn tỉnh có 18 xã loại khỏi danh sách vùng khó khăn theo Quyết định 1010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch năm 2019 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thụ hưởng chính sách tín dụng vùng khó khăn đối với các xã. Nhiều trường hợp hộ vay khi trả hết nợ, không có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn, có nhu cầu vay vốn, hiện nay không có nguồn vốn chương trình nào để cho vay.

 

Để tăng cường nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay, NHCSXH Phú Yên đề nghị tỉnh xem xét có nghị quyết từ năm 2020, mỗi năm trích 20-30 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và từ 1-3 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và cho vay xuất khẩu lao động không thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek