Thứ Bảy, 05/10/2024 12:24 CH
Hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở:
Nhân lực thiếu, trang thiết bị xuống cấp
Thứ Năm, 11/04/2019 11:00 SA

Cán bộ phường Xuân Yên, TX Sông Cầu kiểm tra thiết bị truyền thanh - Ảnh: VÕ PHÊ

Nhân lực thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thông tin, truyền thông ở các địa phương cũng đang xuống cấp. Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân, tất cả các yếu tố này cần được đầu tư, nâng cấp.

 

Thiết bị cũ kỹ

 

Những năm qua, đài truyền thanh cơ sở đã trở thành kênh thông tin quan trọng giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như các thông tin kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

 

Tuy mạng lưới truyền thanh cơ sở được phủ sóng ở tất cả xã, phường, thị trấn nhưng do đầu tư khá lâu nên thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, công suất máy phát giảm, không đáp ứng nhu cầu phát sóng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) cho biết: Phú Mỡ có 5 thôn nhưng chỉ 3 thôn tiếp sóng được đài tỉnh, không tiếp sóng được đài huyện hoặc có thì lúc được lúc không; 2 thôn còn lại là Phú Hải và Phú Đồng thì chưa có kinh phí để đầu tư thiết bị. Lâu nay, muốn phổ biến điều gì đến người dân, xã phải cử cán bộ phụ trách địa bàn tổ chức họp dân để thông tin trực tiếp chứ không thể cập nhật thường xuyên.

 

Theo Sở TT-TT, hiện toàn tỉnh có 9 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đã được đầu tư hệ thống phát thanh FM nhưng công suất phát đã giảm nhiều, không đủ đáp ứng độ phủ sóng toàn huyện. Ngoài ra, trong số 88 đài truyền thanh cấp xã có 4 đài là hệ thống đài truyền thanh hữu tuyến đầu tư từ năm 2000 nên xuống cấp và hư hỏng nặng; 24 đài đã hết thời gian hao mòn tài sản cố định; 57 đài hoạt động không ổn định, có tần số hoạt động trong dải tần (87-108) MHz không phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Theo ông Phạm Minh Hạnh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, nhiều máy móc, phương tiện truyền thanh hoạt động lâu ngày nên hư hỏng, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Đến mùa mưa bão, tín hiệu yếu và kém, thậm chí một số xã ở xa trung tâm không bắt được tín hiệu. Tuy hàng năm, huyện có phân bổ kinh phí để bổ sung thiết bị nhưng không nhiều, 1 năm chỉ có thể cấp cho 1 xã, các xã còn lại tự lo tiền sửa chữa nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

 

Tại huyện Sơn Hòa, trước đây, từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã trang bị máy phát, loa không dây… cho đài truyền thanh cơ sở, nhưng nay không còn, chỉ phụ thuộc vào kinh phí cấp xã. Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa cho hay: Những năm gần đây, huyện có đầu tư kinh phí nhưng không nhiều, chỉ đủ để trang bị thêm phương tiện cho một số đài cơ sở. Những thiết bị cũ, quá hạn sử dụng thì hư tới đâu sửa tới đó, khi nào không dùng được mới thay. Hệ thống thiết bị các đài thôn, xã tuy vẫn ổn nhưng về lâu dài, rất cần đầu tư, trang bị thêm nhiều thiết bị mới.

 

Tăng cường hỗ trợ

 

Mới đây, Sở TT-TT đã kiểm tra hệ thống đài truyền thanh từ cấp huyện đến cấp xã ở các địa phương. Về cơ bản, các đài cấp huyện tương đối ổn định, còn hệ thống đài cấp xã đều cũ kỹ, hư hỏng rất nhiều. Một số địa phương miền núi, hệ thống loa truyền thanh chưa đảm bảo được độ phủ sóng 100% trên toàn địa bàn.

 

“Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh, phát thanh cơ sở cần được tăng cường trong thời gian tới để đảm bảo công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới”, bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT nói.

 

Theo các địa phương, ngoài việc đầu tư, trang bị phương tiện phục vụ công tác thông tin, truyền thông, thì nhân lực đáp ứng công tác này cũng cần được quan tâm, hỗ trợ. Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) cho biết: Lâu nay, phường chỉ có 1 cán bộ phụ trách đài truyền thanh nhưng do lương thấp nên người này mới xin nghỉ việc. Hiện phường phải bố trí cán bộ làm công tác khác phụ trách tiếp sóng đài thị xã để phục vụ thông tin cho người dân trong phường.

 

Còn theo Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa Nguyễn Thiện Tình, ở cấp xã, cán bộ phụ trách đài không có chuyên môn, chỉ làm việc mang tính tạm thời, thu nhập thấp nên không ai gắn bó lâu dài. Mặt khác, vì kiêm nhiệm nên họ cũng không có kinh nghiệm, không biết cách xử lý các tình huống, sự cố nếu có. Hiện các xã rất cần một biên chế hoặc bán chuyên trách để anh em làm việc ổn định; đồng thời cần được tập huấn nghiệp vụ để ứng phó khi có sự cố xảy ra.

 

Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung cho hay, qua khảo sát hiện trạng hệ thống thông tin, truyền thông ở các địa phương, Sở TT-TT đang tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

 

Theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2020, các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, xã sẽ lần lượt được đầu tư, nâng cấp, trong đó ưu tiên cho các vùng miền núi, khó khăn, vùng sâu, xa và các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác này nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thông tin cho người dân ở khắp các khu vực trong tỉnh; góp phần phát triển hiện đại hóa hệ thống truyền thanh theo hướng hiệu quả, bền vững.

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek