Thứ Bảy, 12/10/2024 15:28 CH
Tăng vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên:
Nâng cao trách nhiệm của địa phương đối với tín dụng chính sách
Thứ Sáu, 30/11/2018 07:00 SA

Địa phương tăng vốn ủy thác giúp NHCSXH Phú Yên có thêm vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Trong ảnh: Giải ngân vốn cho người dân xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa - Ảnh: LÊ HẢO

UBND tỉnh vừa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cùng với Trung ương thực hiện tốt tín dụng chính sách.

 

Nhu cầu vốn cao

 

Bà Nguyễn Thị Kim Chúc ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa ngoài công việc làm nông còn tranh thủ thời gian rảnh để đan giỏ tre kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, bà vừa chẻ tre, vót nan, vừa đan được khoảng chục cái giỏ; thương lái đến tận nhà lấy hàng với giá 12.000 đồng/cái, trừ chi phí còn lời khoảng 7.000 đồng/cái.

 

Theo bà Chúc, kỹ thuật đan giỏ khá đơn giản nên hầu như ai cũng làm được. Đầu ra sản phẩm lại ổn định, thương lái đặt hàng làm không xuể. Khó chăng là phải trữ đủ mây, tre để có nguyên liệu làm liên tục. Và điều trở ngại lớn nhất là vốn, vì không phải gia đình nào trong thôn cũng có sẵn tiền để mua tre, mây dự trữ. “Giá như bà con được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH thì đỡ biết mấy”, bà Chúc nói.

 

Mong muốn được vay vốn ưu đãi cũng là nguyện vọng của nhiều người dân ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa. Bà Trần Thị Mỹ Dung ở địa phương này cho hay: “Tôi cũng như nhiều người dân miền núi có đất sản xuất nhưng không có vốn để mở rộng làm ăn. Trong khi đó, chúng tôi không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên không được vay các nguồn vốn này. Tôi đăng ký vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, rồi vốn giải quyết việc làm nhưng tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn bảo phải chờ vì chưa có vốn. Tôi không biết phải chờ đến bao giờ”.

 

Được biết, hiện NHCSXH Phú Yên triển khai 19 chương trình cho vay bằng nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương. Thời gian qua, các chương trình cho vay được NHCSXH thực hiện có hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương (tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 12,62% xuống còn dưới 6%) và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 45 xã (đạt 79% kế hoạch).

 

“Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách chủ yếu được bổ sung từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỉ lệ rất thấp (gần 52 tỉ đồng, chiếm 2% tổng nguồn vốn). Và mặc dù nguồn vốn chung của NHCSXH Phú Yên tăng trưởng bình quân 200 tỉ đồng/năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng; nhất là nhu cầu vay hỗ trợ tạo việc làm, vì nhiều năm liền Trung ương không bố trí vốn để cho vay chương trình này”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Chúc (trái) ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, cần vay vốn ưu đãi để mua tre về đan giỏ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn - Ảnh: LÊ HẢO

 

Nâng cao trách nhiệm địa phương

 

Cũng theo ông Hồ Văn Thục, từ năm 2016, nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm tùy vào tình hình thực tế của nguồn ngân sách, bố trí và chuyển từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng ủy thác NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm.

 

Từ đó đến nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng mỗi năm cùng với nguồn vốn của tỉnh, các địa phương đều cố gắng chuyển vốn ủy thác cho NHCSXH Phú Yên thực hiện cho vay. Hiện tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho ngân hàng gần 52 tỉ đồng, trong đó năm 2018 hơn 11 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, theo thống kê, Phú Yên vẫn đang là tỉnh có nguồn vốn địa phương ủy thác NHCSXH cho vay thấp nhất khu vực và thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

 

Để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cùng với Trung ương thực hiện tốt tín dụng chính sách, mới đây, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của NHCSXH Phú Yên.

 

Cụ thể, từ năm 2019 mỗi huyện tối thiểu 700 triệu đồng/năm, riêng TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa tối thiểu 1,5 tỉ đồng/năm ủy thác qua NHCSXH Phú Yên để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

 

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, cho rằng việc địa phương trích ngân sách ủy thác NHCSXH cho vay có ý nghĩa quan trọng bởi điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố đối với tín dụng chính sách xã hội. Khi địa phương bỏ ra 1 đồng vốn thì Trung ương sẽ bổ sung gấp 3-4 lần nên việc ủy thác vốn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Do đó những năm tới, các địa phương cần trích thêm ngân sách ủy thác NHCSXH Phú Yên cho vay; đồng thời cố gắng bố trí sớm ngay từ đầu năm để ngân hàng chủ động kế hoạch.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek