Thứ Bảy, 12/10/2024 17:20 CH
Hỗ trợ sản xuất ở vùng miền núi: Lấy người dân làm đối tượng phục vụ
Thứ Năm, 29/11/2018 07:00 SA

Được hỗ trợ lúa giống, đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay thế lúa rẫy bằng những cánh đồng lúa lai năng suất cao - Ảnh: MINH DUYÊN

Từ đầu năm đến nay, việc hỗ trợ phát triển sản xuất ở vùng miền núi được quan tâm đầu tư. Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Từ đây giúp đa dạng vật nuôi, cây trồng, mở rộng nguồn cung nông sản, tăng thêm thu nhập cho người dân.

 

Thụ hưởng từ các mô hình sản xuất

 

Về xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), không khó để bắt gặp những cánh đồng lúa lai trải dài, mùa vàng bội thu thay thế lúa rẫy phụ thuộc vào nước trời. Đây là kết quả của quá trình nhiều năm liền chính quyền địa phương triển khai các mô hình trình diễn lúa lai. Theo ông Lê Văn Diễu, Chủ tịch UBND xã Krông Pa, nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, 208 hộ trong xã được hỗ trợ lúa giống để gieo sạ trên diện tích 40ha. Việc hỗ trợ lúa giống này, ngoài giảm chi phí sản xuất đầu vào cho bà con, mục tiêu lớn nhất của xã là đưa giống mới vào đồng ruộng, hình thành thói quen sử dụng lúa giống gieo sạ thay vì dùng lúa thịt chứa nguồn gen đã thoái hóa vào tái sản xuất, làm giảm chất lượng, sản lượng hạt gạo.

 

Bà Nguyễn Thị Mây ở xã Krông Pa vui mừng khoe: Tôi đã xem mô hình và tận mắt thấy nhiều hộ trong xã đã thu hoạch đạt năng suất lúa cao, chi phí lại thấp. Tôi vừa được hỗ trợ lúa giống nên vụ đông xuân này tôi sẽ tiến hành gieo sạ trên diện tích 4 sào.

 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Hiện địa phương đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình xây dựng NTM tới 13 xã với tổng số tiền 785 triệu đồng. 6 xã đã lập phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó xã Krông Pa đã triển khai thành công tới từng hộ dân. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai như mô hình trồng bắp lai tại xã Suối Bạc, trồng bơ và mãng cầu tại xã Sơn Nguyên, trồng cây keo lai ở xã Sơn Định, trồng bơ và mít ở xã Ea Chà Rang, sản xuất lúa lai tại hai xã Suối Trai và Krông Pa…

 

Huyện Đồng Xuân cũng đã hướng tới những mô hình sản xuất với vật nuôi, cây trồng mới nhằm đa dạng hóa cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Theo ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, địa phương đã giải ngân hơn 1,5 tỉ đồng, xây dựng 11 mô hình sản xuất tại các xã trong huyện. Bên cạnh những cây trồng vật nuôi truyền thống như heo, bò, lúa, sắn, địa phương đưa về những mô hình mới như sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư, nuôi heo rừng lai, hỗ trợ giống cây ăn quả… Từ đây, gần 1.300 hộ dân được thụ hưởng.

 

Còn tại huyện Sông Hinh, nhiều mô hình sản xuất cũng đã được triển khai tại các xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và xã Sông Hinh. Theo đó, hàng trăm hộ dân được hỗ trợ giống lúa, trồng rau sạch, cây ăn trái, keo lá tràm, nuôi thủy sản… Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Trước đây, đơn vị thành công khi đưa lúa lai lên đất núi, thì nay tiếp tục nâng cao kỹ thuật sản xuất cho bà con theo hướng đưa giống xác nhận, giống cấp nguyên chủng vào thay thế lúa thịt; đồng thời thực hiện giảm lượng giống gieo sạ từ 2 tạ/ha xuống còn từ 1-1,1 tạ/ha. Đơn vị làm điểm tại 4 xã Sơn Giang, Ea Ly, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây để từ đây nhân rộng kỹ thuật sản xuất ra tất cả các xã trong huyện.

 

Người dân tích cực góp vốn

 

6 hộ tham gia mô hình trồng măng tây tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) đã bỏ ra hơn 145 triệu đồng vào cải tạo đất, hoàn thiện hệ thống nước tưới, thuê công lao động… Theo UBND xã Ea Ly, mô hình này được thực hiện với tổng vốn hơn 234 triệu đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ chỉ chiếm 38% gồm vốn NTM, ngân sách địa phương và doanh nghiệp.

 

Hiện toàn huyện Sông Hinh đã triển khai 7 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thì 6 mô hình có vốn đối ứng của người dân. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết thêm: Trên địa bàn huyện, tổng nguồn vốn đưa vào hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM năm 2018 hơn 2,1 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhân dân đã trên 1,5 tỉ đồng, chiếm trên 71%. Điều này cho thấy, người dân không ỷ lại hoàn toàn vào ngân sách mà sẵn sàng góp vốn tạo nên hiệu quả cho các mô hình sản xuất.

 

Với bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) - một trong 909 hộ tham gia mô hình thâm canh cây sắn niên vụ 2018-2019, thì mô hình không chỉ hỗ trợ giống mà quan trọng hơn vẫn là được tiếp cận với giống mới, cây trồng mới cũng như kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Theo bà Hoa, gia đình bà đầu tư chưa tới 1 triệu đồng tiền vốn đối ứng mô hình nhưng thu lại được nhiều điều thiết thực, như học được cách trồng sắn trên đất dốc và cả cách bón phân hợp lý; tiếp cận được giống sắn mới cho năng suất cao, kháng bệnh tốt...

 

Theo Văn phòng điều phối NTM của tỉnh, tổng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2018 tại 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân hơn 5,8 tỉ đồng, gồm chủ yếu là vốn góp của dân với hơn 3,5 tỉ đồng, còn lại là vốn hỗ trợ từ các nguồn Trung ương và ngân sách địa phương. Các huyện đã xây dựng được 28 mô hình sản xuất theo hình thức hỗ trợ giống cây, giống con, với mục đích chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đưa giống mới vào thay thế thói quen tái sử dụng nguồn giống cũ. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mô hình, tiếp tục đưa ra phương án nhân rộng sản xuất với những mô hình hiệu quả.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek