Thứ Bảy, 12/10/2024 21:29 CH
Nhà vườn tập trung cho vụ hoa Tết
Thứ Bảy, 24/11/2018 13:00 CH

Nhà vườn trồng cúc ở Bình Kiến tranh thủ cắm tăm cúc vào ban đêm - Ảnh: THỦY TIÊN

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nên các nhà vườn trồng lay ơn tất bật xuống giống cho kịp vụ. Trong khi đó, các nhà vườn trồng mai, quất và cúc lại tập trung chăm sóc, tạo dáng cho cây. Làm ngày không đủ, các chủ vườn ở TP Tuy Hòa còn tranh thủ làm đêm để giúp cây có điều kiện phát triển tốt.

 

Tập trung xuống giống lay ơn

 

Những ngày qua, tại xã Bình Ngọc, các nhà vườn trồng lay ơn có mặt trên đồng từ sáng sớm đến tối mịt để kịp xuống giống. Theo bà Nguyễn Thị Chín ở xã này, giống như mọi năm, năm nay các nhà vườn ở đây cũng trồng các loại lay ơn truyền thống như đỏ mập, đỏ đô, vàng, tím cẩm... Năm nay, giá củ giống lay ơn tăng mạnh.

 

Hiện lay ơn vàng có giá 80.000 đồng/kg, đỏ mập 110.000 đồng/kg, đỏ đô 140.000 đồng/kg, vàng lưỡi hổ 90.000 đồng/kg..., cao hơn năm ngoái từ 10.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Vì giá củ giống tăng cao nên chi phí đầu tư vào vụ lay ơn tăng khá nhiều. “Mọi năm chi phí giống cho 2 sào lay ơn khoảng 17 triệu đồng thì năm nay là 20 triệu đồng, cộng với các khoản chi phí làm đất, phân bón, công cán... bình quân xuống giống mỗi sào lay ơn nhà vườn phải đầu tư khoảng 12 triệu đồng”, bà Chín nói.

 

Năm nay, củ giống lay ơn không những tăng giá mà còn hút hàng, nhiều nhà vườn mua không đủ lượng giống cần thiết để trồng nên phải giảm diện tích. Ông Dương Văn Tâm ở xã Bình Ngọc, cho hay: Để chuẩn bị cho vụ trồng, từ tháng 4 âm lịch, tôi đã đặt cọc tiền mua củ giống với trại chuyên cung cấp giống lay ơn ở Lâm Đồng.

 

Tuy nhiên, đến khi nhận giống chỉ nhận được 50/70kg củ giống lay ơn đỏ, các loại khác thì được giao đủ. Tương tự, bà Hồ Thị Ngọc Tuyền ở phường Phú Lâm, cho hay: Năm nay gia đình tôi dự định trồng 3 sào lay ơn, nhưng đến giờ mới mua được 150kg giống nên chỉ trồng được 2 sào, diện tích còn lại để trồng rau.

 

Hiện nay, khi xuống giống, các nhà vườn trồng lay ơn còn gặp khó khăn do nhân công thiếu hụt. Theo ông Lê Văn Tuấn ở xã Bình Ngọc, năm nay gia đình ông trồng 2 sào lay ơn, lượng giống trồng lên đến 32.000 củ nên rất tốn công, nếu không tranh thủ làm sẽ không kịp vụ. Ngặt nỗi, các nhà vườn đồng loạt vào vụ nên tìm công xuống giống không ra. Gia đình tôi lúc này phải huy động tất cả con cháu, dâu rể về hỗ trợ.

 

Trong khi đó, vì không thuê được nhân công, con cái lại bận việc nên những ngày qua, hai vợ chồng ông Lê Văn Thái ở xã Bình Ngọc phải tranh thủ thời gian và dồn sức để xuống giống 1 sào lay ơn. Theo ông Thái, chưa năm nào công lao động lại hút như năm nay, giá thuê công tăng lên 250.000 đồng/ngày đối với nữ và 300.000 đồng/ngày với nam nhưng cũng không tìm được vì hầu hết lao động ở quê đã đi các tỉnh khác làm thuê.

 

“Vì không có người nên ngày nào vợ chồng tôi cũng cơm đùm, cơm dỡ ra đồng từ mờ sáng cho đến tối mịt mới về nhà. Nhờ trời hửng nắng mấy ngày trước nên việc xuống giống cũng khá thuận lợi. Chỉ sợ khi củ giống vừa gieo mà gặp mưa dầm thì dễ bị úng thối”, ông Thái nói.

 

Tăng cường chăm sóc mai, quất, cúc

 

Trong khi nhà vườn ở Bình Ngọc, Phú Lâm tất bật xuống giống lay ơn thì các nhà vườn ở Bình Kiến, phường 9 lại tập trung chăm sóc, tạo dáng cho cây. Bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến cho biết: Tiêu chí của một cây quất đẹp là phải có dáng tròn đều theo hình tháp, giàn lá xanh mướt, trái dày và to.

 

Để làm được điều này, từ đầu tháng 10 âm lịch, nhà vườn đã bắt đầu cắt tỉa, cột cành tạo dáng cho cây. Công việc này tuy không nặng nhọc nhưng mất nhiều thời gian, những vườn lớn phải thuê thêm nhân công hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Vỹ ở xã Bình Kiến cho hay: Năm nay, vườn nhà tôi có gần 2.000 gốc quất 1-2 năm tuổi. Hiện mỗi ngày tôi phải thuê thêm 5 người nữa để cột quất.

 

Tương tự, hiện các nhà vườn trồng cúc cũng đang tập trung cắm tăm. Ông Lê Văn Khải ở phường 9 nói: Năm nay, gia đình tôi trồng được 500 chậu cúc lớn nhỏ. Hiện cúc đã cao hơn 40cm và trong thời kỳ vươn cao nên nhà vườn chong điện suốt đêm, thúc cúc phát triển.

 

Đặc biệt giai đoạn này, cúc phát triển sung nhất nên chúng tôi tập trung cắm tăm, định hình chậu. Số tăm này được cắm theo từng gốc cúc và có hướng xòe ra ngoài, xoay tròn đều theo mặt chậu. Khi chậu cúc đã được cắm tăm hoàn chỉnh thì cây cúc cao đến đâu sẽ được buộc dây bám vào tăm đến đó. Với cách này, người trồng có thể “nắn” cúc vươn theo ý định, đảm bảo vào kỳ trổ bông chậu cúc vươn thẳng, bung xòe cân đối, không xiên vẹo.

 

Cũng theo ông Khải, vì đang vào kỳ cao điểm chăm sóc hoa Tết nên công lao động khá hiếm. Hiện gia đình ông phải thuê thêm 6 lao động làm việc nhưng vẫn không đáp ứng kịp tiến độ nên có hôm mọi người phải làm đến 20 giờ đêm mới nghỉ.

 

Trong khi đó, lúc này, nhà vườn trồng mai đang dốc sức chăm sóc để dưỡng nụ. Theo ông Nguyễn Văn Hợi ở xã Bình Kiến, vườn mai nhà ông đã cho nụ nhỏ bằng đầu tăm nhang nên ông đã ngưng hẳn việc bón phân vào gốc và giảm tưới nước.

 

Với thời tiết như năm nay, khả năng mai sẽ vào bông sớm nên nhà vườn phải theo dõi sát sự phát triển của nụ để chọn thời điểm lặt lá thích hợp. Thời điểm lặt lá mai thường từ trước rằm tháng Chạp. Nếu thời tiết nắng ấm, nụ lớn có thể sẽ chọn lặt lá sau rằm, ngược lại nếu trời mưa lạnh có thể lặt sớm hơn...

 

Chủ tịch Hội Nông dân Bình Kiến Nguyễn Thị Lan cho hay: Toàn xã có khoảng 50ha trồng hoa cây cảnh, đây là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Mùa mưa năm nay, thời tiết êm, thuận lợi cho cây phát triển. Hy vọng những tháng cuối năm thời tiết tiếp tục “ủng hộ” để bà con có mùa hoa Tết bội thu.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek