Thứ Bảy, 12/10/2024 23:34 CH
Chủ động bảo vệ tài sản của tiểu thương trong mùa mưa bão
Thứ Bảy, 24/11/2018 07:00 SA

Không chỉ kê hàng hóa lên cao, tiểu thương chợ Tuy Hòa còn dùng thùng carton để che đậy hàng hóa - Ảnh: KHANG ANH

Mùa mưa, bão, nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, tiểu thương ở các chợ rất cao. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương, ban quản lý chợ đã triển khai phương án ứng phó, chủ động tuyên truyền, hỗ trợ để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tài sản của người dân.

 

Chưa ổn định cơ sở hạ tầng

 

Theo Sở Công thương, những năm qua, mưa, bão đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, như làm tốc mái, ngập úng ở một số chợ trên địa bàn tỉnh... Những địa phương có chợ bị ảnh hưởng nhiều là TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Tuy An… Riêng trong năm 2017, chỉ tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở các chợ do mưa, bão cũng lên đến hàng tỉ đồng, chưa kể tài sản của người dân.

 

Ông Lê Khắc Sinh, Trưởng Ban quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Khi đến mùa mưa, một số khu vực nhà lều phía bắc chợ Tuy Hòa bị ngập do mặt nền các lều thấp hơn so với mặt bằng chung của chợ. Nhiều mái che bị dột ướt, ảnh hưởng đến việc mua bán của tiểu thương. Đối với khu vực chợ lầu, tuy được xây dựng kiên cố nhưng nước mưa cũng rỉ thấm ở các khe lún… Đó là những sự cố thường gặp ở chợ trong mùa mưa, bão.

 

Tại TP Tuy Hòa, chợ phường 7 cũng là một trong những chợ bị thiệt hại nhiều nhất. Ông Ngô Hữu Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ này cho hay: Do chưa chủ động phương án ứng phó nên sau cơn bão số 12/2017, tổng thiệt hại về cơ sở hạ tầng của chợ lên đến gần 450 triệu đồng. Nhiều lều bạt bên ngoài chợ đêm bị hỏng, hơn 10 khung cửa ở chợ lầu bị gãy đổ, một số sạp hàng thực phẩm tươi sống bị bay tôn lợp… Theo bà Trần Thị Bé, tiểu thương hàng quần áo, phụ kiện chợ phường 7, khi có mưa, bão, dù nghỉ ở nhà, tiểu thương cũng không yên tâm vì sợ hàng hóa bị hư hỏng.

 

Tại huyện Đông Hòa có 15 chợ, tuy nhiên đa số đều được xây dựng cách đây khá lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Khi mưa, bão xảy ra, nhiều chợ bị tốc mái, dột nát. Một số chợ như Hòa Vinh, Hòa Xuân Tây, Hòa Hiệp Trung… cũng bị hư hỏng cơ sở hạ tầng. Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Vinh, cho hay: So với các chợ khác trên địa bàn huyện thì chợ Hòa Vinh là chợ trung tâm, có quy mô hơn. Tuy nhiên, đây là một trong những chợ được xây dựng lâu năm nên hạ tầng không đảm bảo. Mùa mưa, bão năm ngoái, tuy không thiệt hại nhiều về tài sản của người dân nhưng cũng hư hại một số lều, sạp. Cụ thể là ở khu vực lều chính, nền nhà xi măng đã xập xệ nên đọng nước, gió lớn đã làm tốc mái tôn; còn một số lều nhỏ bên ngoài đổ sập. Chính quyền địa phương, người dân phải ra sức khắc phục để tiếp tục kinh doanh.

 

Chủ động ứng phó

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, toàn tỉnh có 141 chợ truyền thống; trong đó, hơn 50% chợ có cơ sở hạ tầng kiên cố (đạt tiêu chí chợ nông thôn mới) sẽ ít bị ảnh hưởng trong mùa mưa, bão. Tuy nhiên nguy cơ bị ảnh hưởng có khả năng xảy ra với các chợ có cơ sở hạ tầng xuống cấp, hay chưa được đầu tư nhiều về hệ thống cấp thoát nước, nhà lều… Do vậy, các địa phương cần rà soát, tập trung tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, phối hợp với chính quyền khi có mưa, bão.

 

Liên quan đến việc chủ động phương án ứng phó với các tình huống thiên tai bão lũ, ông Lê Khắc Sinh cho biết thêm: Đầu mùa mưa năm nay, Ban quản lý chợ đã kịp thời kiểm tra và khắc phục những sự cố về mái che, vết nứt có khả năng dột, thấm nước mưa; tăng cường nạo vét cống rãnh, khai thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực chợ; dọn vệ sinh các mái che… nên những ngày mưa lớn vừa qua, tiểu thương vẫn mua bán bình thường, tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực chợ đã không còn xảy ra.

 

Dự báo từ đây đến cuối năm, mưa, bão còn có khả năng diễn biến phức tạp, Ban quản lý chợ đã vận động bà con thay bạt chống dột, chằng lều kiên cố và nhất là kê hàng hóa lên cao để đề phòng ngập do mưa lớn kéo dài. Ban quản lý cũng thành lập Tổ phòng chống lụt bão, bổ sung lực lượng trực tác chiến, hỗ trợ tiểu thương khi mưa, bão xảy ra.

 

Cho đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền tình hình mưa, bão, triển khai phương án ứng phó đến tiểu thương và người dân. Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, địa phương đã chỉ đạo các xã, phường, Ban quản lý chợ trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, khắc phục những tồn tại về cơ sở hạ tầng, vận động người dân sắp xếp hàng hóa để bảo vệ tài sản khi xảy ra thiên tai.

 

Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của tiểu thương và nhu cầu mua sắm của người dân khi có mưa, lũ, huyện đã có văn bản đề nghị các xã, ban quản lý chợ rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố mưa, bão bất thường. Tuy hiện nay, các chợ hạng 2, 3 của huyện có cơ sở hạ tầng kiên cố nhưng ban quản lý các chợ này cũng chủ động nhắc nhở tiểu thương bảo vệ hàng hóa, tài sản và có phương án dự phòng.

 

Hiện hệ thống thoát nước, điện… ở các chợ tương đối đảm bảo nên sẽ không bị ảnh hưởng. Riêng đối với các chợ tạm, chợ ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng khi mưa, lũ, huyện đã chỉ đạo không cho họp chợ vào những ngày này để tránh thiệt hại về người và tài sản của tiểu thương.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek