Thứ Ba, 15/10/2024 17:28 CH
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp:
Cơ hội “nâng cấp” nền nông nghiệp tỉnh nhà
Thứ Bảy, 06/10/2018 13:00 CH

Phú Yên là tỉnh nông nghiệp nhưng sản xuất còn thô sơ, chất lượng, sản lượng nông sản còn thấp, giá trị thặng dư mang lại chưa cao. Để khắc phục những tồn tại này, tỉnh Phú Yên đang từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Báo Phú Yên xin giới thiệu một số ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp xung quanh vấn đề đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

ÔNG TRẦN MINH CHÂU, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO PHÚ YÊN: Tiên phong thí điểm những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0

 

Hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng, đang đi từ nền nông nghiệp 1.0 lên thẳng 4.0. Chính vì vậy, hạ tầng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế và vẫn chưa có đề án nào xây dựng để phát triển nông nghiệp thông minh, tức là cả về hạ tầng lẫn cơ chế chính sách đều còn đang thiếu.

 

Trong khi đó, với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay thì việc ứng dụng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng tất yếu và cần thiết, góp phần hoàn thành đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nhà. Với những khó khăn hiện tại nên tỉnh ta đang từng bước thay đổi cách thức sản xuất theo điều kiện thực tế tại địa phương.

 

Bước đầu Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiên phong ứng dụng từng phần, từng khâu của công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình điểm. Trung tâm đã và đang ứng dụng công nghệ quản lý nước tưới, phân bón, nhiệt độ tự động trong hệ thống nhà màng, nhà lưới... vào sản xuất thí điểm đối với một số loại cây trồng và mang lại kết quả rất khả quan.

 

Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn ở các địa phương khác để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp với mục tiêu sẽ tổ chức được chu trình khép kín từ sản xuất đến lưu thông, phân phối nông sản ra thị trường. Thông qua đó sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, giúp người dân tiếp cận công nghệ truy xuất nguồn gốc, công nghệ quản lý hệ thống canh tác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp... tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giảm thiểu chi phí, rủi ro, tăng giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

ÔNG LÊ ĐẠI DƯƠNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ICHECK: Công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị sản phẩm

 

Một trong những rủi ro lớn nhất khi sản xuất nông nghiệp đó là đầu ra và giá tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chính là bởi người sản xuất không tiếp cận được với các nhà tiêu thụ lớn vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của nông sản.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà nhập khẩu nông sản ở nước ngoài có yêu cầu rất cao về thông tin của sản phẩm, sự minh bạch trong quá trình sản xuất để chứng minh được sản phẩm đảm bảo chất lượng, sử dụng các loại phân, thuốc, vật tư cũng như các quy trình chăm bón đạt tiêu chuẩn.

 

Thực tế hiện nay cho thấy, ở nhiều địa phương, bà con nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông sản an toàn như quy trình GlobalGAP, VietGAP, organic hữu cơ... nhưng khi sản phẩm sản xuất theo các quy trình này đưa ra thị trường lại không thể phân biệt được với sản phẩm sản xuất thông thường hoặc các sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường nhưng lại dán mác an toàn...

 

Để khắc phục vấn đề này cần thiết phải ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc vào sản xuất. Truy xuất nguồn gốc cho phép người tiêu dùng truy nguyên lại sản phẩm từ khi bắt đầu mùa vụ sản xuất gieo trồng cho đến khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Các loại nông sản được dán mã truy xuất nguồn gốc khi được quét qua thiết bị ứng dụng thông minh sẽ thấy được toàn bộ nhật ký quy trình sản xuất từ khi xuống giống đến khi thu hoạch và đưa ra thị trường.

 

Điều này giúp người mua biết được sản phẩm sử dụng loại phân, thuốc gì, giống nhập từ đâu, chất lượng ra sao, trồng theo giải pháp nông nghiệp gì... Sản phẩm nông sản sau khi sản xuất đúng các quy trình về truy xuất nguồn gốc sẽ được tiếp cận với hàng ngàn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thông qua các sàn thông tin truy xuất nguồn gốc hiện có trên thị trường, giúp đầu ra sản phẩm được mở rộng, nông sản bán ra với giá cao hơn hẳn.

 

GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH SMART AGRI LƯU THỊ THẢO: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng nông sản Phú Yên

 

Smart Agri là doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ 4.0 trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào sản xuất nông nghiệp tại Phú Yên với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) trong 2 vụ mùa vừa qua.

 

Sau 2 vụ gieo trồng và thu hoạch, việc áp dụng công nghệ vào gieo trồng và áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, là tiền đề để đơn vị tiếp tục chuyển giao công nghệ và xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh với mục tiêu quy hoạch được vùng nguyên liệu cho một số loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Phú Yên. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất phần khảo sát về đất, nước, quy trình sản xuất...

 

Sắp tới, công ty tiến hành quy hoạch vùng trồng cho các sản phẩm nông sản hữu cơ. Khởi đầu sẽ là cây lúa, trái khóm với việc cung cấp vật tư, chuyển giao công nghệ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Sau khi người dân tiếp cận được quy trình canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thì công ty sẽ mở rộng vùng trồng, chuyển giao các giống mới đang được thị trường ưa chuộng để canh tác.

 

Cùng với đó, công ty đang thu thập thông tin từ các HTX để tiến hành phổ biến về quy trình truy xuất nguồn gốc, thông tin về các nhà bao tiêu, các yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm để có thể tạo được một số vùng nguyên liệu nông sản cho Phú Yên đạt chất lượng xuất khẩu. Sau đó chúng tôi sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng nguyên liệu nông sản của Phú Yên tại Việt Nam để đưa thông tin ra quốc tế, giúp Phú Yên xây dựng được hệ thống cây trồng đặc trưng với vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ việc chào mời, thu hút các nhà bao tiêu lớn trong nước cũng như quốc tế tìm đến, từ đó tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.

 

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà chúng tôi gặp phải khi triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Phú Yên là tỉnh chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho các loại nông sản, vì vậy, thời gian tới rất mong được các cấp ngành của tỉnh hỗ trợ trong việc xây dựng quy hoạch vùng trồng, làm tiền đề để đơn vị thực hiện những bước tiếp theo.

 

CHỦ TỊCH LIÊN MINH HTX TỈNH LÊ THANH LAM: Cơ hội mới cho các HTX

 

Lâu nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rất nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm theo đơn đặt hàng.

 

Tuy nhiên, các mô hình này cũng chỉ mới dừng lại ở việc chuyển giao kỹ thuật, giống, phương thức sản xuất và nhiều nhất là bao tiêu sản phẩm. Các sản phẩm sản xuất ra chưa có tính cạnh tranh cao, chưa đạt được giá trị như mong muốn. Vì vậy, các HTX mong muốn được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm hỗ trợ để bà con từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản khi làm ra, mở ra hướng phát triển, kinh doanh mới cho các HTX nông nghiệp.

 

Với vai trò cơ quan chủ quản về kinh tế tập thể của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh sẽ chủ động kết nối cùng các doanh nghiệp chuyên làm nông nghiệp công nghệ cao để hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp cùng Công ty TNHH Smart Agri khảo sát và tìm hiểu tập quán canh tác tại một số vùng nông nghiệp trên toàn tỉnh.

 

Bước đầu, doanh nghiệp này đã ký kết hợp tác với HTX An Nghiệp để sản xuất giống lúa bản địa tại đây theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ; sắp tới sẽ kết nối với các HTX tại Sơn Hòa để trồng thử nghiệm một số loại rau xuất khẩu. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền cho các HTX về những lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ và việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó đề cao vai trò của người nông dân trong việc khai báo, nhập thông tin trong suốt quá trình từ khi bắt đầu xuống giống đến lúc thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đi khảo sát tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để xây dựng danh sách cây trồng, vật nuôi ưu thế của mỗi vùng, làm cơ sở kêu gọi hợp tác đầu tư từ các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek