Thứ Tư, 26/06/2024 21:11 CH
Nông thôn - Không thể lãng quên
Thứ Hai, 21/01/2008 13:24 CH

Bao giờ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị mới được thu hẹp? - Đó là một câu hỏi đã cũ, nhưng chưa có câu trả lời, dù điều đó rất cần đối với một đất nước có tới 70% dân số sống ở nông thôn.

 

080121-may-cat-lua.jpg

Máy gặt lúa liên hợp thu hoạch lúa ở Hòa An (Phú Hòa) - Ảnh: TUẤN LÊ

 

Bản báo cáo phát triển 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã cảnh báo rằng: Mục tiêu toàn cầu nhằm giảm tỉ lệ nghèo xuống còn một nửa vào năm 2015 sẽ không thể thực hiện được trừ khi tránh được tình trạng nông nghiệp và nông thôn bị lãng quên và đầu tư thấp đã tồn tại trong vòng 20 năm qua. Bản báo cáo này cũng phân tích rằng: Ở những nền kinh tế đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, và đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Ma-rốc, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 7% vào tăng trưởng GDP mặc dù ngành này thu hút hơn một nửa lượng lao động. Ấn tượng hơn nữa, bản báo cáo phát triển toàn cầu của WB chỉ ra một thực tế: “Đói nghèo ở nông thôn chiếm khoảng 82% tổng số đói nghèo ở các nền kinh tế đang chuyển đổi”. Như vậy, sự tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế đang chuyển đổi dường như chỉ  tác động mạnh đến khu vực thành thị, và không đem lại hiệu quả trực tiếp đối với người nghèo ở nông thôn. Và điều này rõ ràng đã đe dọa trực tiếp đến mục tiêu giảm tỉ lệ đói nghèo ở các quốc gia này.

 

Tại Việt Nam, trong 15 năm qua, những nỗ lực xoá đói giảm nghèo đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc và được ghi nhận như một kỳ tích của thế giới. Nhưng, thách thức hiện nay là duy trì và mở rộng hiệu quả xóa đói giảm nghèo đặc biệt này như thế nào, khi mà khả năng tụt hậu của người nghèo ở nông thôn đã khá rõ ràng trong nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ? Rõ ràng là một mâu thuẫn lớn khi mà ngành nông nghiệp thu hút tới 54% lực lượng lao động, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt xấp xỉ 4%. Nông thôn Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, một số đông lao động nông thôn ra thành phố dẫn đến tình trạng mất cân đối và tính cân bằng cuộc sống gia đình; đất đai chuyển khỏi nông nghiệp với mức bồi hoàn không thỏa đáng, chất thải đô thị và công nghiệp đổ về nông thôn… khiến cho khoảng cách giữa nông thôn và thành thị không chỉ là thu nhập mà còn là chất lượng sống, cơ hội hưởng lợi và sự thiệt thòi từ sự phát triển. Nếu như nghịch lý này vẫn tiếp tục duy trì, dẫu cho chúng ta có sự điều hòa phúc lợi từ thành quả phát triển tốt nhất thì vẫn không thể ngăn được sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Vậy đâu là con đường thoát đói nghèo cho hàng triệu người ở khu vực nông thôn? Câu trả lời là đã đến lúc cần phải chú trọng đến giá trị tự thân của nông thôn. Cụ thể là tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp giá trị cao, để người nông dân có thể khá lên dù vẫn là nông dân. 

 

Xóa đói nghèo một cách bền vững dựa trên một cuộc cách mạng nông nghiệp giá trị cao. Ý tưởng này không quá lãng mạn khi thu nhập đô thị tăng nhanh và nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao ở thành phố đang trở thành động cơ cho tăng trưởng nông nghiệp. Chúng ta có thể khuyến khích các dự án làm vườn giá trị cao, chăn nuôi gia cầm, cá và các sản phẩm sữa... thông qua các cuộc cải cách giá và xem xét lại trợ cấp cho ngũ cốc, tiếp tục giảm thuế nhập khẩu vật tư nông nghiệp, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông thôn. Đời sống của nông dân có thể được cải thiện rất nhiều thông qua việc tăng sản lượng các cây trồng chủ lực ở những vùng kém phát triển, và để làm được điều này cần phải đầu tư lớn vào quản lý đất, nước và nghiên cứu nông nghiệp. Môi trường đầu tư cũng cần phải được củng cố để tạo thuận lợi cho công việc kinh doanh trong nông nghiệp. Khi nông nghiệp được chú ý đúng mức, việc cải cách giá đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp, thì cơ cấu ngành nghề ở vùng nông thôn cũng sẽ có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là tạo thêm được việc làm cho nông dân. Các chương trình việc làm ở nông thôn có thể bao gồm rất nhiều ngành dịch vụ liên quan đến nông nghiệp như: xây dựng đường giao thông nông thôn, trồng cây ở vùng đất trống đồi trọc và nạo vét hồ ao, kênh đào...

 

 Đó là những công việc mà lâu nay chúng ta chỉ thực hiện dưới hình thức công ích, hoặc dự án mà không có sự chủ động tham gia của người dân. Khi giá trị của sản phẩm nông nghiệp được gia tăng, tự thân nó sẽ có sức hút đối với những ngành nghề dịch vụ liên quan. Khi đó, người nông dân có thể chủ động sống với những giá trị của mình. Họ không còn phải hòa mình vào dòng người nhập cư, tìm kiếm những việc làm tạm bợ nơi thành phố. Nhưng muốn có được một cuộc cách mạng nông nghiệp giá trị cao, điều mà các quốc gia như Nhật Bản và Thái Lan đã từng thành công, điều quan trọng là chúng ta phải có những chính sách phù hợp. Phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông nghiệp trong khi các hội nông dân và các nhóm địa phương khác cần có nhiều tiếng nói hơn trong hoạch định chính sách. Chỉ có như vậy, người nông dân mới có thể phát huy được các giá trị để làm chủ vận mệnh của mình.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek