Chủ Nhật, 29/09/2024 08:35 SA
Ngư dân vay nóng ra biển, chuyển nghề
Thứ Bảy, 19/01/2008 07:00 SA

Hiện đã vào mùa đánh bắt nhưng hàng trăm chiếc tàu của ngư dân Phú Yên vẫn nằm im ỉm ven bờ. Do liên tục bị lỗ trong các năm qua, hàng ngàn ngư dân đã lâm vào nợ nần chồng chất. Không thể nhìn tàu nằm fbờ, nhiều ngư dân tiếp tục vay nóng để ra khơi, chuyển nghề.

 

080119-tau-1.jpg

Dàn câu cá ngừ đại dương của anh Nguyễn Văn Máy (TP Tuy Hòa) xếp xó vào góc hiên nhà – Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

CHUYỂN NGHỀ ĐỂ...GỠ NỢ

 

Nhiều năm liền, tàu câu cá ngừ đại dương của anh Nguyễn Văn Thanh (ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) bị thua lỗ liên tục đã khiến anh phải gánh khoản nợ mỗi chuyến ra khơi hơn 100 triệu đồng. Đánh bắt xa bờ không mang lại hiệu quả, anh Thanh quyết định chuyển sang lưới cản nilon đánh bắt gần bờ. Anh Thanh cho biết: “Chi phí cho mỗi chuyến câu cá ngừ ngày càng tăng, trong khi sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, giá cả không tăng nên chuyến nào cũng bị thua lỗ. Nếu cứ tiếp tục bám vào nghề câu cá ngừ, tôi sẽ trở thành con nợ. Vì vậy, tôi mới nghĩ đến việc chuyển sang làm nghề lưới cản nilon để vớt vát, gỡ lại để trả số tiền nợ do những chuyến câu cá ngừ bị lỗ”. Anh Thanh đã đầu tư hơn 170 triệu đồng mua lưới, chuyển hướng đánh bắt.

 

Cũng lâm vào cảnh ngồi nhà chẳng yên, ngư dân Nguyễn Văn Máy (ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) quyết định chuyển hướng làm ăn sang đánh bắt gần bờ. Toàn bộ số ngư cụ đánh bắt xa bờ, anh Máy cho nó nằm ở góc nhà và đưa dàn lưới cản mới lên tàu, chuẩn bị ra biển. Anh Máy bày tỏ: “Hầu hết ngư dân câu cá ngừ đều rơi vào cảnh nợ nần. Người ít nhất cũng vài chục triệu, người nợ nhiều lên đến cả trăm triệu. Khi nợ lãi mẹ đẻ lãi con, nếu tàu nằm bờ gia đình càng khốn đốn. Ngư dân mà không bám biển thì biết làm gì? Tôi đầu tư 250 triệu đồng mua lưới cản nilon chỉ mong làm sao kiếm được chút đỉnh để trả nợ dần và mưu sinh cho cả nhà”. Sau nhiều chuyến biển câu cá ngừ không hiệu quả, bây giờ anh Máy nợ hơn 110 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Đợi là một trong những người hiểu rõ đời sống của ngư dân vùng biển Đông Tác, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Theo ông Đợi, hiện nay nhiều ngư dân ở địa phương này đang vay nóng chuyển nghề từ câu cá ngừ sang lưới cản nilon. Ông Đợi cho biết: “Toàn phường có hơn 300 tàu câu cá ngư nhưng có đến 50% lỗ vốn, 30% hòa vốn, số còn lại là có lãi chẳng bao nhiêu. Với những tàu thua lỗ, ngư dân có xu hướng chuyển sang làm nghề cản nilon. Họ đi vay mượn để chuyển nghề”. 

 

080119-tau-5.jpg

Do liên tục bị lỗ nặng, nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải... nằm bờ - Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

VAY NÓNG ĐỂ TIẾP TỤC RA KHƠI 

 

Chuyện người dân vay nóng để có tiền chuyển nghề, tiếp tục đi đánh bắt đang “nóng” lên ở vùng biển Đông Tác. Có nhiều người đã từng vay ngân hàng nhưng do thua lỗ nên ngân hàng không tiếp tục cho vay, họ phải vay nóng ở ngoài để chuyển nghề. Có nhiều người chỉ mới vay lần đầu song ngân hàng lại từ chối cho vay. Theo anh Máy, gia đình anh đem ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá hàng tỉ đồng thế chấp vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nam TP Tuy Hòa để chuyển nghề nhưng bị cán bộ ngân hàng này từ chối. Anh Máy kể: “Trước đây, gia đình tôi có vốn nên không cần vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hai năm gần đây, câu cá ngừ gặp khó khăn nên gia đình quyết định chuyển hướng sang nghề cản. Vốn liếng đã đổ hết vào các chuyến biển câu cá ngừ nên nay gia đình đến chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nam TP Tuy Hòa xin vay 200 triệu đồng. Thế nhưng, cán bộ ngân hàng bảo: “Lâu nay, anh không vay thì nay cũng không cho vay, vì ngân hàng không cho vay mới đối với ngư dân. Hiện nay, ngân hàng chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ”. Sau đó, cán bộ này bảo về đi, sẽ xem xét giải quyết sau. Tôi đợi mãi đến nay vẫn không thấy gì.

 

Mùa đánh bắt mới đã bắt đầu cả tháng nay. Anh Máy buộc lòng đi vay nóng 250 triệu đồng mua lưới với lãi suất 30%/tháng. “Làm biển chỉ biết trông vào biển, nhưng nếu tiếp tục câu cá ngừ thì số tài sản còn lại là chiếc tàu sẽ thuộc về người khác. Nhìn cảnh vợ con cực khổ, tôi liều vay nóng mua lưới. Với mức lãi trên, mỗi chuyến biển phải lãi được trên 8 triệu đồng thì may ra mới sống được”-anh Máy lo lắng.

 

Gia đình chị Phú Thị Lụa, ở Đông Tác tính chuyển nghề nhưng do không vay được ngân hàng nên gác lại dự định. Chị Lụa cho biết: “Tôi đến ngân hàng thế chấp tàu để vay một số tiền lớn chuyển sang làm lưới cản. Do ngân hàng không cho vay, tôi tạm hoãn việc chuyển nghề lưới cản”. Quá bức bách về vốn để tiếp tục đi biển, ông Nguyễn Đợi đến ngân hàng xin vay nhưng không vay được. Ông Đợi cho biết: “Tôi cần vốn để đi biển nên đến ngân hàng xin vay. Do cuối năm, cán bộ bảo tôi chờ, nhưng chờ cho ngân hàng cho vay thì lỡ chuyến biển đầu mùa. Vì vậy, tôi phải vay nóng 15 triệu, lãi suất 25%/tháng”. Ông Đợi cho biết thêm, hầu hết ngư dân ở Đông Tác đều vay nóng, chấp nhận lãi suất rất cao, chỉ cần một chuyến biển thua lỗ thì nợ chồng nợ.

 

RỦI RO LUÔN RÌNH RẬP 

 

Một thực tế hiện nay phần lớn các chủ tàu thuyền đều không mua bảo hiểm nên khi có rủi ro thì họ trở nên trắng tay. Vụ tàu lạ tông chìm tàu đánh cá PY91234 của anh Nguyễn Văn Thanh ở phường Phú Đông hôm 14/1 đã khiến anh Thanh mất sạch vì chiếc tàu này chưa mua bảo hiểm. Anh Thanh nói đầy xót xa: “Lâu nay, tàu của tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương, chỉ mới chuyển sang làm lưới cản vào đầu vụ này. Tôi có đến ngân hàng vay nhưng không được. Vì vậy, tôi vay nóng ở ngoài mua lưới, chịu lãi suất cao nên chưa tính chuyện mua bảo hiểm. Ai dè mới đi chuyến biển đầu tiên thì tàu gặp nạn”. Anh Thanh cho biết toàn bộ lưới cụ, tàu đánh cá trị giá hơn 900 triệu đồng. “Toàn bộ khối tài sản lớn dành dụm bấy lâu giờ đã nằm sâu dưới đáy biển trong khi hiện giờ tôi còn nợ hơn 200 triệu đồng. Là ngư dân nhưng lại không có tàu thuyền, tôi biết làm gì đây!”.

 

Rủi ro luôn rình rập các tàu thuyền đánh cá của ngư dân hoạt động trên biển. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều chủ tàu thuyền không mua bảo hiểm tàu. Khi gặp rủi ro, nhiều người trở thành con nợ suốt cuộc đời không thể gượng dậy nổi. Đó là thực tế chung của hàng ngàn ngư dân ở Phú Yên. Họ đang canh cánh tìm cách mưu sinh, sẵn sàng vay nóng với lãi suất rất cao, trong khi việc đánh bắt không mang lại hiệu quả nên khoản tiền vay nóng đó sẽ là gánh nặng lâu dài.

 

ĐỨC THÔNG

 

ÔNG LẠI DUY THƯỜNG, TRƯỞNG PHÒNG KẾ HOẠCH NGUỒN VỐN AGRIBANK PHÚ YÊN:

 

Ngân hàng không thiếu vốn để ngư dân vay cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi ngành nghề

 

Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lại Duy Thường, Trưởng phòng Kế hoạch nguồn vốn chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (Agribank) Phú Yên, đơn vị chủ công trong việc đầu tư vốn cho ngư dân trên địa bàn Phú Yên.

 

* Ông nghĩ sao khi nhiều ngư dân cho rằng Agribank Phú Yên không muốn đầu tư vốn để ngư dân cải hoán tàu thuyền, mua ngư cụ,  chuyển đổi ngành nghề?

 

- Trước hết, tôi khẳng định rằng đến thời điểm này chưa có văn bản nào của Trung ương hay của ngành chỉ đạo chi nhánh ngưng cho vay đối với ngư dân. Agribank Phú Yên vẫn thực hiện việc giải ngân vốn trung, dài hạn cho ngư dân trên địa bàn Phú Yên có nhu cầu cải hoán tàu thuyền, mua ngư cụ, chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, để được vay vốn, trước hết ngư dân cần phải có uy tín với ngân hàng. Có nghĩa là đã có quan hệ tín dụng trước đó và thực hiện đầy đủ cam kết như trả nợ gốc, lãi đúng hạn thì được ngân hàng xem xét tiếp tục cho vay. Đối với khách hàng mới thì cần có dự án sản xuất khả thi thì ngân hàng sẵn sàng đầu tư vốn. Tôi xin lấy ví dụ, một ngư dân ở TP Tuy Hòa vay vốn tại chi nhánh để đóng mới tàu đánh bắt xa bờ nhưng không hiệu quả. Không hiểu cách nào, khách hàng này vẫn xoay xở đủ vốn để trả nợ theo đúng cam kết với ngân hàng. Một thời gian sau khách hàng này có dự án sản xuất mới đề nghị vay vốn thì ngân hàng thẩm định và tiếp tục cho vay. Việc này cho thấy vấn đề uy tín, tính hiệu quả của dự án rất quan trọng để thuyết phục ngân hàng quyết định đầu tư vốn hay không.   

 

* Agribank Phú Yên có chính sách tín dụng gì đầu tư vào lĩnh vực ngư nghiệp?

 

- Không phải đến bây giờ khi ngư dân gặp khó khăn thì mới yêu cầu cho vay cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi ngành nghề, mà ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thời điểm mà nghề khai thác thủy hải sản xa bờ cực thịnh, Agribank Phú Yên cũng đã có chủ trương đẩy mạnh đầu tư vốn vào lĩnh vực này. Đồng thời vận động ngư dân nên đa dạng hóa ngành nghề nhằm giảm thiểu rủi ro đồng vốn. Đến thời điểm này, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực ngư nghiệp của chi nhánh đạt xấp xỉ 300 tỉ đồng, tương đương 9.086 khách hàng, chiếm 20%/tổng dư nợ. Trong thời gian tới, Agribank Phú Yên vẫn thực hiện chính sách đó và khẳng định sẽ không có chuyện thiếu vốn cho ngư dân vay. Cũng phải cần nói thêm, hiện nguồn vốn trung hạn của chi nhánh chỉ mới đạt 650 tỉ đồng, vẫn còn nhiều để đầu tư cho nền kinh tế, trong đó có ngư nghiệp. 

 

QUANG THUẦN (thực hiện)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek