Sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, lĩnh vực được dự đoán sẽ chịu nhiều rủi ro nhất là nông nghiệp vẫn phát triển theo hướng tích cực, tạo ra 19,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đều cho thấy, năm 2007 ghi dấu ấn thành công của nông – thủy sản xuất khẩu với việc các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và duy trì vị trí trong tốp hàng đầu thế giới.
Trong một báo cáo tại hội nghị về công tác xuất khẩu vừa diễn ra tuần trước, Bộ Công thương cho rằng, cùng với những ưu thế sẵn có của nông sản Việt Nam, việc gia nhập WTO tiếp tục tạo đà thuận lợi cho nông sản mở rộng thị trường, bên cạnh những bạn hàng truyền thống, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu trong năm nay đều tiếp nhận thêm bạn hàng mới.
Đơn cử như cao su, nhiều năm trước đây, xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc, năm qua đã giảm chỉ còn khoảng 59%, trong khi xuất sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Đức lại tăng đáng kể. Đặc biệt, sản lượng cao su xuất sang thị trường Malaixia trong năm nay đã tăng 3 lần so với năm trước và đây được đánh giá là thị trường chiến lược của cao su Việt
Riêng nhóm hàng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chưa bao giờ “bức tranh” chung về hàng thủy sản xuất khẩu lại sáng đẹp như năm qua. Không chỉ tăng về giá trị xuất khẩu, đạt 3,75 tỷ USD, cao hơn 400 triệu USD so với năm 2006, mà điều đáng kể là số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Mỹ và Nhật Bản năm qua tăng gấp 2 lần. Danh mục sản phẩm xuất khẩu thủy sản cũng không ngừng gia tăng để đáp ứng đa dạng của thị trường.
Nhận định về điều này, trao đổi với báo chí mới đây, ông Ngô Quang Xuân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, người từng tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam về việc gia nhập WTO, cho rằng người dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân, đã được hưởng lợi nhiều hơn từ việc gia nhập WTO do hàng hóa, nhất là nông sản, được tiếp cận bình đẳng ở thị trường mở của các quốc gia thành viên.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, lĩnh vực nông nghiệp chưa chứng tỏ được lợi thế khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong khi nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam năm qua tăng vượt trội, lên tới trên 20 tỷ USD, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, thì tỷ trọng FDI cho nông nghiệp vẫn chỉ chiếm khoảng 10,6% số dự án và 6,5% số vốn đăng ký.
Hơn thế, trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư đến từ châu Á; chưa có sự hiện diện của những nhà đầu tư đến từ các quốc gia có tiềm năng và thế mạnh lớn về nông nghiệp như Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng rủi ro cao, tỷ suất lợi nhuận thấp do điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vẫn là trở ngại chính của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm đến thị trường nông nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh này, Việt
Trong kế hoạch những năm tới, để lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân hội nhập vững vàng hơn, việc tăng cường ưu đãi đầu tư vẫn được coi là một trong những giải pháp trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương xác định khâu quy hoạch là quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững và người nông dân đỡ thua thiệt, tránh sản xuất ồ ạt và sản phẩm không có đầu ra.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trương tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu thông qua việc đổi mới giống cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tăng đầu tư vào công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch.
(TTXVN)