Thu hoạch lúa tăng vụ ở Phú Hòa - Ảnh: L.K |
NGỔN NGANG LÚA TĂNG VỤ
Phòng Kinh tế huyện Phú Hòa cho biết, diện tích lúa tăng vụ của huyện năm 2007 hiện còn 300 ha, nhưng trong thực tế con số này cao hơn rất nhiều. Theo một số người, lúa tăng vụ của Phú Hòa không dưới 1.000 ha, chiếm gần 20% diện tích lúa toàn huyện (5.300ha). Nông dân đang vội vã thu hoạch cho kịp thời gian vào vụ đông xuân, tuy nhiên, nhiều người vẫn phải chờ vì lúa chưa đủ chín.
Chúng tôi hỏi những nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng thuộc thôn Định Thọ, xã Hòa Định Đông, được biết rằng: “Lúa năm nay chỉ đạt năng suất khoảng 100kg/sào, trong khi chi phí thuê ruộng làm thêm vụ này đã là 100kg/3 sào, cộng với các khoản khác nữa vậy là thu không bù chi”. Bà Nguyễn Thị Nảo, thôn Ân Niên, xã Hòa An thì cho biết: “Ruộng nhà bà vẫn chưa gặt vì còn chờ lúa chín, hơn nữa mấy hôm nay trời cứ mưa phùn khiến ruộng sình nước nên cũng không gặt được”.
Có thể nói, lúa vụ 10 năm nay ở huyện Phú Hòa bị lỗ toàn diện. Một số diện tích lúa tăng vụ đã thu hoạch cho năng suất cao nhất là 150kg/sào, còn những ruộng bị ngập úng trong mấy đợt lũ vừa qua chỉ thu được vài chục kilogram thóc lép hoặc để cho trâu, bò ăn vì bị hư hại nặng.
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng, UBND huyện đã cảnh báo các xã, và HTX không cho người dân làm lúa tăng vụ, nhưng người dân không nghe.
LỢI BẤT CẬP HẠI
Ngày 31/12/2007, UBND huyện Phú Hòa đã có công văn số 572 yêu cầu các địa phương, HTX trong huyện tập trung thu hoạch xong lúa tăng vụ, cày dầm và gieo sạ vụ lúa đông xuân dứt điểm vào ngày 10/01/2008. Một số nông dân cho rằng họ vẫn có thể hoàn thành kịp thời hạn này. “Lúa chín gặt xong rồi cày, sạ luôn sẽ kịp!”, bà Nguyễn Thị Nảo khẳng định. Tuy nhiên, tình hình thực tế ở Phú Hòa cho thấy không thể gieo sạ dứt điểm vụ đông xuân vào ngày 10/01.
Một trở ngại khác do vụ lúa này là gây ảnh hưởng đến quá trình “dẫn thuỷ nhập điền”. Theo lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những cánh đồng cuối hệ thống kênh mương phải được sạ xong lúa đông xuân chậm nhất vào ngày 10/01. Trong khi nhưng cánh đồng ở huyện Phú Hòa phần lớn đều nằm ở đầu kênh tưới, từ xã Hòa Hội- nơi bắt đầu của hệ thống tưới tiêu Đồng Cam, xuống xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, sang cả Hòa Quang Nam, Hoà Quang Bắc, rồi mới xuống Hòa Thắng, Hòa An, Hòa Trị…Rồi nước mới được cung cấp cho các cánh đồng TP Tuy Hòa và phía nam huyện Tuy An. Việc gieo sạ không đồng bộ như ở Phú Hoà hiện nay sẽ gây khó cho quá trình phục vụ nước tưới.
Ngoài ra, lúa tăng vụ chính là cầu nối sâu bệnh gây hại cho vụ lúa đông xuân, theo ngành bảo vệ thực vật. Với tình trạng lúa tăng vụ thu hoạch chậm như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng làm đất không kỹ, gốc lúa cũ chưa bị tiêu hủy hết dẫn đến chua đất, lúa dễ bị bệnh nghẽn rễ, khi đó việc khắc phục không phải dễ.
Dẫu biết lúa tăng vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập và giải quyết việc làm của người dân, nhưng tác hại của nó gây ra cũng không ít. Vì vậy, giải pháp lâu dài đã được Phòng Kinh tế Phú Hòa áp dụng là nâng cao năng suất hai vụ lúa chính. Mới đây Phú Hoà đã nhập 1,5 tấn lúa giống ML213 từ Ninh Thuận và Viện nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, triển khai trồng trên 10 ha tại cả 8 xã trên toàn huyện. Năng suất lý thuyết của giống lúa này là trên 12 tấn/ha/vụ, trong khi với Phú Hòa, giống ML213 cho năng suất trên 8 tấn/ha/vụ là khả quan. “Làm hai vụ, chi phí thấp nhưng sản lượng vẫn cao hơn 3 vụ như trước đây, nông dân sẽ hưởng ứng bởi lợi ích thiết thực”, ông Siêng cho biết.
LY KHA