* SÔNG CẦU: Khôi phục nghề nuôi tôm hùm
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thú y thủy sản (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) tại 13 vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn các huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu cho thấy chỉ có 4 trong số 14 bệnh, triệu chứng trên tôm hùm xác định được tác nhân và có biện pháp chữa trị.
Tôm hùm ở Xuân Thịnh (Sông Cầu) bị chết do nước lũ tràn về trong tháng 11/2007 - Ảnh: LÊ QUANG NHẬT |
Đó là các bệnh đỏ thân, đen mang, tôm sữa và sum hà bám, còn lại 10 triệu chứng như long đầu, cháy đuôi, mềm vỏ, dính vỏ… thường xuyên xảy ra, mức độ thiệt hại tương đối lớn nhưng đến nay chưa có biện pháp phòng trị. Khó khăn nhất hiện nay là khi bệnh dịch trên tôm hùm xảy ra người dân đã dùng nhiều loại thuốc thú y (thuốc dùng cho gia cầm, tôm sú) để chữa trị, lại tự mày mò chữa trị theo kinh nghiệm nên hiệu quả thấp.
* Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, cho biết địa phương này đang triển khai các biện pháp để khôi phục lại nghề nuôi tôm hùm. Theo kế hoạch, trong năm nay huyện Sông Cầu nuôi hơn 8.000 lồng tôm hùm thịt thương phẩm, 1.750 lồng tôm hùm giống, trong đó chú trọng quản lý vệ sinh môi trường tại các vùng nuôi tôm. Trong tháng 1/2008, huyện Sông Cầu phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Sở Thuỷ sản Phú Yên chuyển giao kỹ thuật phòng trừ bệnh tôm hùm trên cơ sở phác đồ điều trị, kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn cho người nuôi tôm trên địa bàn Sông Cầu.
VĂN TÀI- LÊ BIẾT