Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.
Thành lập và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã
Để đến năm 2020 đạt mục tiêu 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả, Đề án tập trung thực hiện duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém, phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém hiện nay); thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Đối với liên hiệp hợp tác xã, đề án xây dựng các mô hình điểm về liên hiệp hợp tác xã; phấn đấu có trên 50 liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Giải thể xong các hợp tác xã đã ngừng hoạt động
Theo kế hoạch, đề án sẽ tiến hành củng cố nâng cao hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể là duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã được đánh giá là có hiệu quả; tập trung triển khai các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để đạt tiêu chí có hiệu quả; đồng thời xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Năm 2018, giải thể xong các hợp tác xã đã ngừng hoạt động.
Thành lập hợp tác xã chuyên ngành
Đề án lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng. Lĩnh vực trồng trọt tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực có điều kiện khác; cây công nghiệp ở 25 tỉnh trồng mía đường, 10 tỉnh trồng càphê, 28 tỉnh trồng chè và một số tỉnh trồng điều, hồ tiêu; 40 tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn; cây rau ở những vùng chuyên canh; phát triển hợp tác xã chăn nuôi đại gia súc (thịt, sữa) ở các tỉnh có đầu đàn gia súc lớn, hợp tác xã chăn nuôi lợn, gia cầm (thịt, trứng) ở các tỉnh có đầu đàn lớn, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở các vùng sản xuất tập trung; đánh bắt thủy sản ở 28 tỉnh có hoạt động khai thác; lâm nghiệp ở các tỉnh có rừng; diêm nghiệp ở 21 tỉnh có hoạt động sản xuất muối. Cùng với đó, phát triển hợp tác xã với sản phẩm đặc trưng làng, xã theo lợi thế của các vùng miền.
Phát triển liên hiệp hợp tác xã
Đề án dựa trên cơ sở đánh giá hoạt động của liên hiệp hợp tác xã có hiệu quả để có giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hiện có; đồng thời thành lập thêm hơn 20 liên hiệp hợp tác xã ở một số lĩnh vực và duy trì hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn 2018-2020 gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Đề án cũng lựa chọn một số hợp tác xã có cùng loại hình sản xuất hoặc các hợp tác xã có loại hình sản xuất khác nhau, nhưng hỗ trợ có hiệu quả cho nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như hợp tác xã sản xuất; hợp tác xã dịch vụ đầu vào, đầu ra để hướng dẫn, vận động và giúp đỡ thành lập liên hiệp hợp tác xã theo luật; phấn đấu mỗi tỉnh có sản xuất nông sản hàng hóa phát triển có ít nhất 1 liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo TTXVN/Vietnam+