Không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ, một vùng non nước hữu tình mà vịnh Xuân Đài còn là địa danh lịch sử nổi tiếng của đất nước, dân tộc. Vịnh Xuân Đài được Bộ VH-TT-DL xếp hạng danh thắng cấp quốc gia năm 2011. Năm 2014, Xuân Đài được xướng tên trong hạng mục Top 10 vịnh đẹp nhất Việt Nam, do Sách kỷ lục Top Việt Nam tổ chức. Mới đây, vịnh Xuân Đài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) đến năm 2030.
Du thuyền trên vịnh Xuân Đài
Các vị khách đến với Sông Cầu, Xuân Đài đều muốn một lần đi vòng quanh vịnh, dẫu nơi đây chưa có thuyền du lịch đặc chủng. Ước muốn đó được hiện thực hóa bằng những chiếc thuyền câu vỏ lãi của ngư dân. Tôi may mắn được vài lần như thế. Lão ngư Trần Nhâm, xã Xuân Bình, hào phóng đẩy thúng chai đưa chúng tôi ra chiếc thuyền nhỏ đi một vòng khắp vịnh Xuân Đài.
Vịnh rộng khoảng hơn 130ha; nhờ có nhiều núi, đảo và bán đảo như cù lao Ông Xá, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã, hòn Mù U, hòn Nần, hòn Yến, Nhất Tự Sơn… tạo ra nhiều lớp không gian cứ như những mê cung, đưa khách tham quan khám phá từng lớp, từng lớp một. Những đảo, hòn đều có những truyền thuyết, điển tích mang hơi hướm cổ tích, thần thoại càng thu hút du khách khi vi vu giữa lòng vịnh.
Thuyền chạy chậm quanh vịnh Xuân Đài. Phía tây là những dãy núi cao trùng điệp. Hướng đông là những cồn, bãi cát trắng mịn, sóng êm như bãi Từ Nham, bãi Bình Sa, bãi Ôm… Nhiều ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành nhiều vũng nhỏ và gành đá có hình dáng độc đáo như gành Đèn, gành Đỏ, mũi Động Tranh, gành Ông Tướng, gành Bà… “Vũng La, vũng Lắm, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Mắm vũng nào cũng thương”. Dưới lòng vịnh có những rạn san hô màu và rong biển mà không phải vịnh nào cũng có được. Một quần thể cảnh quan, sinh thái hoàn hảo.
Theo các chuyên gia, vịnh Xuân Đài là món quà tuyệt vời của tạo hóa ban tặng. Về mặt địa lý, vịnh Xuân Đài liên kết được với cả một cụm dang thắng khác như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan tạo nên một tuyến du lịch biển thú vị.
Không chỉ thưởng ngoạn thiên nhiên tuyệt vời, vịnh Xuân Đài trong chính sử còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Đây là nơi ghi đậm chiến công đầu tiên của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan đội thủy quân của Nguyễn Ánh, mở ra triều đại Tây Sơn. Đây còn là nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dưới thời vua Minh Mạng, vào năm 1832 khi phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang theo thư của Tổng thống Andrew Jackson giao hảo thông thương. Vũng Lắm là thương cảng sầm uất ở miền Trung cùng với Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định).
Cũng nơi đây, trong thế chiến thứ hai, vào tháng 4/1945, tàu hải quân Nhật tiến vào vịnh Xuân Đài đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng bị máy bay Đồng Minh bắn chìm. Nhiều di vật lịch sử như súng thần công đã được tìm thấy tại Xuân Đài. “Ngó ra ngoài vịnh Xuân Đài/ Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông”.
Kỳ vọng về một Khu du lịch quốc gia
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài đến năm 2030 theo Quyết định 217/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Khu DLQG Vịnh Xuân Đài được xác định ranh giới: Phía bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, phía đông giáp biển, phía tây lấy quốc lộ 1 làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên, phía nam là một phần huyện Tuy An giáp với TX Sông Cầu, bao gồm các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây (lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).
Mục tiêu chung đến năm 2025, vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là một điểm quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu DLQG...
Quan điểm phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài dựa vào lợi thế cơ bản là mặt nước vịnh, giá trị cảnh quan gành Đá Đĩa để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù tạo thương hiệu riêng cho vịnh Xuân Đài. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trở thành mũi nhọn của du lịch tỉnh Phú Yên và trở thành khu du lịch có giá trị trong hệ thống du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Quy hoạch nêu rõ hướng phát triển các sản phẩm du lịch vịnh Xuân Đài tập trung sẽ là: Du lịch nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi, các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá, các khu nghỉ dưỡng khách sạn, spa cao cấp biệt lập trên bờ. Du lịch tham quan trên vịnh, du thuyền ngắm cảnh, khám phá, tắm biển, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm tại các khu nuôi trồng thủy sản trên vịnh. Du lịch thể thao vui chơi giải trí gắn với mặt nước vịnh, trên bờ, công viên hải dương, công viên kỳ quan đá... Du lịch sinh thái với loại hình lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển, dã ngoại, cắm trại. Du lịch văn hóa - lịch sử, tham quan danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá, tham quan các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh tín ngưỡng. Cùng với những sản phẩm chính này còn chú ý phát triển các sản phẩm phụ trợ như du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch thương mại, công vụ...
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, sẽ tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế; cơ chế chính sách đầu tư, huy động vốn; chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Nhóm giải pháp phát triển hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ; giải pháp xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch. Nhóm giải pháp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...
Kèm theo quy hoạch là danh mục các dự án đầu tư phát triển vào Khu DLQG Vịnh Xuân Đài đến năm 2030, gồm 4 nhóm: nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; nhóm dự án phát triển hạ tầng khung khu du lịch; nhóm dự án phát triển sản phẩm du lịch; nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Văn Trà: Tập trung nguồn lực triển khai quy hoạch
Vịnh Xuân Đài được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển thành khu DLQG là một sự kiện có ý nghĩa với sự phát triển du lịch tỉnh Phú Yên. Đây là cơ sở pháp lý để địa phương lập các quy hoạch xây dựng, các khu chức năng, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở pháp lý trong công tác bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường đảm bảo phát triển bền vững.
Để tổ chức triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và đồng thuận của cộng đồng.
Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, TX Sông Cầu, huyện Tuy An và các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục phổ biến rộng rãi trong hệ thống chính trị và cộng đồng những nội dung trong quy hoạch đã được phê duyệt thông qua các hội nghị, hội thảo, trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp trong quy hoạch, đặc biệt chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng đến du lịch xanh, bền vững.
Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu tốt cho UBND tỉnh về công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch về nuôi trồng thủy sản trên mặt vịnh, quy hoạch đất đai, các loại rừng trong không gian phát triển du lịch vịnh Xuân Đài. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, giải quyết các vấn đề vướng mắc, các thủ tục đầu tư, vấn đề đất đai xây dựng... Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Khu DLQG Vịnh Xuân Đài và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung: Cơ hội để du lịch Phú Yên bứt phá
Trong chiến lược quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định vịnh Xuân Đài là một trong 47 địa điểm trong cả nước có tiềm năng trở thành khu du lịch cấp quốc gia với định hướng khai thác các sản phẩn du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo gắn với các danh thắng đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, gành Đá Đĩa và bãi biển Từ Nham.
Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch biển, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, nếu được đầu tư đúng hướng, vịnh Xuân Đài sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà còn góp phần nâng cao giá trị, vị thế du lịch Việt Nam.
Việc vịnh Xuân Đài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thành Khu DLQG đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương phối hợp triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo đúng quan điểm, định hướng; là cơ hội để Phú Yên bứt phá trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |
TRẦN QUỚI