Hiện nay, bên cạnh kênh tiết kiệm truyền thống, nhiều ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Đây là hình thức đầu tư dài hạn, lãi suất cao, thích hợp với những người có tiền nhàn rỗi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng trong một thời gian nhất định.
Đến ngân hàng đáo hạn sổ tiết kiệm 200 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Phương Nga ở phường 4, TP Tuy Hòa được nhân viên ngân hàng chào mời mua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn 1%/năm so với mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng đang áp dụng. Bà Nga băn khoăn: “Từ trước tới nay, tôi chỉ quen gửi tiết kiệm thông thường, chưa rõ chứng chỉ tiền gửi là gì. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng đang hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao như vậy khá hấp dẫn”.
Theo ông Trần Đức Thảo, Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) chi nhánh Phú Yên, chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân. Đây cũng là một hình thức tiết kiệm. Tuy nhiên, khác với những sản phẩm tiết kiệm truyền thống, chứng chỉ tiền gửi có mức sinh lời cao với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn đầu tư dài hơn và thường khách hàng không được rút vốn trước hạn linh hoạt như khi gửi tiết kiệm thông thường.
Hiện Maritime Bank đang phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, với tổng lượng phát hành lần lượt là 2.000 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu 100 triệu đồng, kỳ hạn 15 tháng được hưởng lãi suất 7,75%/năm, kỳ hạn 18 tháng thì lãi suất 8,1%/năm. Khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi không được phép rút trước hạn nhưng có thể chuyển nhượng, cầm cố… để vay vốn tại Maritime Bank với lãi suất ưu đãi; đồng thời có thể sử dụng để xác nhận khả năng tài chính cho bản thân hoặc thân nhân đi du lịch, học tập… ở nước ngoài. “Đối với sản phẩm tiết kiệm truyền thống, hiện Maritime Bank huy động mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 15 tháng là 7,3%/năm dành cho khách hàng gửi từ 1 tỉ đồng trở lên, còn khách hàng gửi dưới 1 tỉ đồng lãi suất là 7,1%/năm”, ông Trần Đức Thảo cho biết thêm.
Ngoài Maritime Bank, hiện trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 7 năm (84 tháng), lãi suất 8,5%/năm, mệnh giá tối thiểu là 1 triệu đồng. Đối với sản phẩm tiết kiệm thông thường, Sacombank đang huy động với lãi suất cuối kỳ cao nhất là 7,4%/năm, kỳ hạn 36 tháng.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi chủ yếu nhằm huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay dài hạn. Vì vậy, chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài và thông thường khách hàng không được rút vốn trước hạn như khi gửi tiết kiệm truyền thống. Do đó, kênh đầu tư này sẽ phù hợp với các cá nhân hoặc tổ chức có nguồn tài chính nhàn rỗi và tạm thời không dùng đến trong một thời gian nhất định. Phương án đầu tư tốt nhất là người dân chia tiền nhàn rỗi của mình ra thành hai phần. Một phần mua chứng chỉ tiền gửi để nhận được lãi suất cao và giữ được khoản tiền cố định cho mục tiêu tương lai; một phần gửi tiết kiệm với kỳ hạn phù hợp để vừa hưởng lãi suất vừa dễ dàng sử dụng vốn khi cần thiết.
VIỆT AN