Hiện nay, tại vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) có hàng ngàn người đến nuôi tôm hùm làm số lồng nuôi tăng đột biến. Trong khi đó, quanh vịnh chưa có bãi để thu gom chất thải dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, làm tôm chết hàng loạt (Báo Phú Yên số ra ngày 4/4/2018 có bài “Nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu: Cần sớm có giải pháp bền vững”).
Mới đây, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị chuyên đề về thủy sản Phú Yên. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại của nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến.
THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT VŨ VĂN TÁM: Triển khai các giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm
Hiện nay, tôm hùm đã được Bộ NN-PTNT xác định là một trong những đối tượng chính trong kế hoạch phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020.
Tổng cục Thủy sản đã hoàn thiện xây dựng quy hoạch nuôi tôm hùm nhằm khai thác tối ưu các nguồn lực, các lợi thế tiềm năng tự nhiên của các tỉnh ven biển miền Trung để phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao.
Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, trong đó có đối tượng tôm hùm, với mục tiêu đến năm 2020 thể tích nuôi tôm hùm đạt 1 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.500 tấn; đến năm 2025 đạt 1,2 triệu m3 lồng và 180ha nuôi theo công nghệ tuần hoàn, sản lượng 3.000 tấn.
Các giải pháp quan trọng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm đã được đưa vào kế hoạch này.
ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN (BỘ NN-PTNT): Địa phương chủ động khắc phục những tồn tại
Vị trí đặt lồng nuôi tại các vùng biển thuộc TX Sông Cầu khá nông (5-6m), đa số nuôi lồng găm hoặc lồng chìm với mật độ dày tiếp xúc trực tiếp với lớp bùn đáy tích tụ qua nhiều vụ nuôi. Đây là nơi phát sinh khí độc khi có xáo trộn hoặc biến động môi trường làm tôm chết. Thêm vào đó, vị trí đặt lồng thường ở vùng gần bờ, khu dân cư, lưu thông nước kém, gần khu neo đậu tàu thuyền có nhiều nguồn ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng nước.
Ngoài ra, do chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp, nên người nuôi chủ yếu sử dụng cá tạp, cua sò nhỏ dễ gây ô nhiễm môi trường, không chủ động nguồn thức ăn, nhất là vào mùa mưa bão, dễ gây bùng phát dịch bệnh nguy hiểm như tôm sữa, đen mang, vi khuẩn. Về thị trường, hiện tôm hùm của Việt Nam chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa, chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái nên bấp bênh về giá và không ổn định…
Theo Tổng cục Thủy sản, Phú Yên cần tăng cường giám sát quản lý vùng nuôi đảm bảo mật độ lồng nuôi theo đúng quy định cả về số lượng lồng, bè nuôi trên một đơn vị diện tích và khoảng cách tối thiểu giữa các bè, lồng nuôi; không để người nuôi tập trung nuôi tại những vùng gần bờ, nước lưu thông kém, độ sâu không đảm bảo. TX Sông Cầu cần có phương án di chuyển, luân phiên giữa các vùng để tạo điều kiện khôi phục môi trường sau mỗi vụ nuôi tránh tích tụ quá nhiều thức ăn thừa, phân tôm gây ô nhiễm nền đáy.
Địa phương cần rà soát lại quy hoạch chi tiết vùng nuôi, quản lý nghiêm việc thực hiện quy hoạch, hoạt động nuôi tôm hùm đối với tất cả hộ nuôi; hướng đến cấp phép, đăng ký thực hiện nuôi lồng trên biển theo quy định. Địa phương cũng cần thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi tôm hùm thường xuyên, liên tục, phát hiện và cảnh báo sớm cho người nuôi nhằm hạn chế rủi ro bùng phát dịch bệnh.
ÔNG LƯƠNG CÔNG TUẤN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU: Cần nghiên cứu mở rộng vùng nuôi, giảm áp lực nuôi ở đầm, vịnh
Năm 2017, TX Sông Cầu có khoảng 2.140 hộ trực tiếp nuôi tôm hùm với tổng số lồng nuôi tôm hùm thịt khoảng 29.000 (bằng 187,1% so với cùng kỳ và bằng 181% so với kế hoạch). Công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với phương án phân vùng đã được duyệt.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh trên tôm hùm nuôi trong thời gian qua; đặc biệt là sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên. Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước…
Địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. UBND tỉnh cần xem xét mở rộng thêm diện tích các vùng nuôi ngoài đầm, vịnh, nhằm dịch chuyển hình thức nuôi hiện nay trong đầm, vịnh ra nuôi xa bờ, các vùng biển hở, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
UBND TX Sông Cầu kiến nghị tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT giới hạn số lượng giống tôm hùm từ nước ngoài nhập về địa phương nhằm đảm bảo tương ứng với số lượng lồng nuôi tôm thương phẩm đã được quy hoạch. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh và Bộ NN-PTNT sớm nghiên cứu công nghệ nuôi tôm hùm ở vùng biển hở, bãi ngang với hệ thống lồng nuôi hiện đại chịu được gió bão, nhằm giảm áp lực nuôi lồng, bè trong đầm, vịnh như hiện nay.
ÔNG LÂM VĂN VƯƠNG Ở KHU PHỐ PHƯỚC LÝ, PHƯỜNG XUÂN YÊN (TX SÔNG CẦU): Sớm sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản phù hợp với quy hoạch
Những năm gần đây, tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài thường xuyên chết hàng loạt. Có nhiều nguyên nhân nhưng môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Hiện nay, tại vịnh Xuân Đài, số lồng nuôi tôm hùm đã vượt gấp nhiều lần so với kế hoạch thả nuôi của địa phương. Thậm chí, nhiều người dân lấn chiếm, nuôi trồng thủy sản trái phép ở khu vực neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão tại Vũng Chào đã gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào neo đậu, phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Mặc dù địa phương đã thành lập nhiều tổ cộng đồng quản lý nuôi trồng thủy sản nhưng các tổ này chỉ là hình thức, chưa có giải pháp hiệu quả hoặc chế tài xử lý việc nuôi tự phát, không theo quy hoạch…
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tôm hùm phân bố khá rộng nhưng được nuôi tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lồng nuôi tôm hùm cả nước khoảng 61.015 lồng, sản lượng thu được khoảng 930 tấn; trong đó Phú Yên khoảng 480 tấn (chiếm 51,7%).
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm đang đứng trước những khó khăn như phá vỡ quy hoạch, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, nguồn con giống không đảm bảo, thị trường tiêu thụ tôm hùm còn bấp bênh, công nghệ nuôi còn theo kiểu truyền thống và quy mô nhỏ, thiếu tính bền vững.
ANH NGỌC (thực hiện)