Thời gian qua, nhiều hộ dân ở các xã Xuân Lãnh, Xuân Long (huyện Đồng Xuân) phản ánh Nhà máy chế biến sâu fluorit của Công ty CP Khoáng sản Phú Yên xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm sông, suối. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và yêu cầu công ty này khẩn trương khắc phục một số tồn tại…
Nghi nước thải có hóa chất
Ông H.V.L ở thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, cho biết: Lâu nay, người dân sử dụng nước sông Hà Nhao cho gia súc, gia cầm uống. Nhưng kể từ khi Nhà máy chế biến sâu fluorit đi vào hoạt động đến nay thì người dân không dám cho gia súc, gia cầm uống nước sông này nữa. Khi hoạt động, thỉnh thoảng một lượng nước thải từ nhà máy thải trực tiếp ra sông làm cả đoạn sông đục ngầu, người dân lội qua sông thì bị ngứa rất khó chịu. Chúng tôi nghi ngờ nước sông ô nhiễm từ nước thải có hóa chất của nhà máy…
Ông N.T.T cũng ở thôn Lãnh Vân phản ánh: Tại khu vực bãi thải của nhà máy này không có che chắn đảm bảo nên mỗi khi trời mưa đã làm một lượng bùn đất ở khu vực bãi thải đổ xuống sông. Đặc biệt, khoảng tháng 10-11/2017, do nước mưa đầu nguồn đổ về nhiều đã làm một phần khu xử lý nước thải bị vỡ xuống sông, hiện vẫn còn những tấm bạt của hồ chứa xử lý nước thải nằm dọc bờ sông. Không những thế, doanh nghiệp này còn đổ thải trực tiếp tại các bãi đất trống dọc sông Hà Nhao. Nhiều lúc cả dòng sông đoạn từ nhà máy đến xã Xuân Long, thậm chí đến thị trấn La Hai bị đục ngầu do chất thải từ nhà máy.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực Nhà máy chế biến sâu fluorit có hai hệ thống nước thải thải trực tiếp ra sông Hà Nhao. Một hệ thống xả thải theo đường ống ngầm và một hệ thống kênh được xây kiên cố. Tại hệ thống ống ngầm xả ra sông, nước thải có mùi hôi nồng nặc, trên mặt nước có bọt lợn cợn kèm theo chất kết tủa màu nâu. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thanh Thúy, đại diện nhà máy cho biết, nhà máy chỉ có hệ thống thải nước mưa thải trực tiếp ra sông, còn nước thải trong quá trình chế biến khoáng sản đều tái sử dụng, không xả thải ra môi trường. Sở dĩ trời không mưa mà có nước thải thải ra sông là do máy móc bị sự cố, đơn vị đang khắc phục (!?)…
Cần sớm khắc phục những tồn tại
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), Nhà máy chế biến sâu fluorit vận hành chính thức vào năm 2013. Trước khi vận hành, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm nên đến tháng 6/2014 thì ngưng hoạt động. Đến tháng 10/2016, nhà máy này hoạt động trở lại. Quy trình xử lý nước thải của nhà máy là tái sử dụng 100% lượng nước thải nên không xả thải ra môi trường. Đối với chất thải bùn chỉ được tập kết tạm thời tại bãi thải trong nhà máy, sau đó phải vận chuyển đến bãi thải ở khu vực mỏ. Thế nhưng, hiện bên ngoài nhà máy dọc bờ sông Hà Nhao rất nhiều chất thải bùn được đổ tràn lan. Trong khi đó, bãi tập kết chất thải bùn trong khuôn viên chưa được xây dựng bờ bao để bảo vệ, tránh chảy tràn ra sông…
Ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh, ngày 7/4, chi cục đã trực tiếp kiểm tra sự việc trên. Tại thời điểm kiểm tra, nguyên nhân phát sinh nước thải từ hệ thống thoát nước mưa là do sự cố hư phốt bơm cát thải, nước thải trong hệ thống dây chuyền sản xuất bị hở nên chảy ra sàn nhà và chảy theo hệ thống thoát nước mưa ra ngoài môi trường. Chi cục đã nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện đường ống ngầm xả thải của nhà máy như phản ánh. Ông Trần Trung Trực cho biết thêm, chi cục đã yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Phú Yên khẩn trương khắc phục sự cố hư phốt bơm cát thải và tách riêng nước vệ sinh nhà xưởng ra khỏi hệ thống thoát nước mưa, đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý; thời gian khắc phục hoàn thành đến ngày 20/4/2018. Đồng thời yêu cầu công ty này khẩn trương gia cố bờ taluy khu bãi thải để đảm bảo an toàn tránh sạt lở và trôi xuống hệ thống thoát nước mưa chảy tràn ra sông; thời gian khắc phục là 30 ngày kể từ ngày kiểm tra, lập biên bản.
NGỌC NHƯ