Thứ Ba, 26/11/2024 19:31 CH
Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp?
Thứ Ba, 25/12/2007 07:10 SA

Trong xu thế hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) của Phú Yên nói riêng và DN Việt Nam nói chung phải đứng trước những thử thách của cạnh tranh. Việc tiếp cận thương trường quốc tế của các DN bị hạn chế bởi khoảng cách nắm bắt các cơ hội kinh doanh, cập nhật các kiến thức về quản lý, cạnh tranh, chính sách thương mại, sự thay đổi thể chế luật pháp của các nước thành viên AFTA và WTO. Vấn đề cạnh tranh đối với các DN Phú Yên không chỉ dừng ở thị trường trong nước mà là thế giới. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Phú Yên là rất bức thiết và phải đặt lên nhiệm vụ hàng đầu.

 

071225-San-xuat-ton.jpg

Sản xuất tôn ở Công ty TNHH Bích Hợp (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.N

 

Quy tắc 4 M ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh DN đó là: Materials (đầu vào – nguyên vật liệu), Machines (thiết bị – công nghệ), Methods (phương pháp tác nghiệp quản lý) và Men (con người).  Các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Phú Yên là cần điều chỉnh cơ cấu và quy mô sản xuất trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược sản phẩm và thị trường. DN cần tăng nhanh năng lực tài chính, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng ngày càng cao, vươn lên chiếm lĩnh những khâu quan trọng trong dây chuyền phân công lao động trong nước và quốc tế.

 

DN cũng cần nâng cao trình độ quản trị tài chính, quản trị các dự án đầu tư, đa dạng hóa phương thức đầu tư; củng cố chế độ hạch toán, kiểm toán nội bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thiết lập nhanh chóng mạng lưới kinh doanh, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN địa phương, khu vực và cả nước; liên kết và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ; coi trọng việc xây dựng thương hiệu và văn hóa DN.

 

Một điều kiện khác là DN phải hoàn thiện tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, phát huy vai trò làm cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ DN trong việc phát triển thị trường, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, đại diện DN trong các vụ kiện bán phá giá và chống bán phá giá.

 

Đối với khu vực DN Nhà nước: Thực hiện chương trình sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN Nhà nước. Trọng tâm của việc này là thực hiện cổ phần hóa theo mô hình công ty cổ phần, công ty mẹ – con hoặc bán công ty... Bên cạnh đó cần tập trung đổi mới hình thức sở hữu và mô hình quản lý, hoàn thiện cơ chế tổ chức và hoạt động của hội đồng quản trị các công ty Nhàø nước, thực hiện kiểm toán bắt buộc và minh bạch hóa hoạt động DN Nhà nước.

 

Đối với DN tư nhân: Địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mọi thành phần, cá nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tăng nhanh số lượng và chất lượng các loại hình DN. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng quản trị DN, tạo thuận lợi và bình đẳng cho các DN tư nhân tiếp cận các nguồn vốn, đất đai, công nghệ, thông tin thị trường và các chương trình xúc tiến thương mại. Ngoài ra, địa phương cũng nên lập quỹ bảo hành tín dụng và phát triển loại hình ngân hàng thương mại chuyên hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ.

 

071225-Kinh-Kim-Linh-5.jpg

Các doanh nghiệp Phú Yên cần có nhiều kênh thông tin thị trường. Trong ảnh: Sản phẩm kính của Công ty TNHH Kim Linh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài cần tích cực quảng bá, giới thiệu trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và kêu gọi đầu tư thông qua các cơ quan thương mại hoặc các tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; tiếp cận với các tập đoàn kinh tế lớn và khuyến khích đầu tư vào các ngành kinh tế mà địa phương còn yếu như công nghệ nguồn, công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật... tạo nên sức sống mới cho các thành phần kinh tế kinh doanh linh hoạt, nhịp nhàng và theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Phú Yên.

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch phát triển một số ngành kinh tế của địa phương sao cho phù hợp với điều kiện của tiến trình hội nhập. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhanh chóng có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chủ chốt, nhạy cảm mà chúng có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi các cam kết của Việt Nam trong gia nhập WTO như mía, bông, rau, quả, thịt, cá, sữa... Chúng ta cũng cần quy hoạch lại các ngành hiện nay đang sử dụng nhiều lao động, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp (dệt may, giày, chế biến nông phẩm...). Lựa chọn công nghệ sản xuất tập trung đi liền với đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu tại chỗ, các sản phẩm khác có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao. Phú Yên cần phát triển nhanh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao và các dịch vụ cơ bản phục vụ phát triển các lĩnh vực liên quan trong nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải, du lịch, dịch vụ tư vấn chất lượng cao...

 

Viện sĩ, tiến sĩ Khoa học NGUYỄN VĂN ĐÁNG

Trường Đại học bán công Marketing

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek