Cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, vùng miền núi còn được bê tông hóa những tuyến đường lên vùng sản xuất. Điều này đã hỗ trợ đắc lực cho đồng bào trong vận chuyển nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc huy động vốn góp từ người dân để hoàn thành những tuyến đường này đang là vấn đề khó hiện nay.
Hiệu quả thấy rõ
Khu sản xuất buôn Bai ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) rộng hàng trăm héc ta, phục vụ nhu cầu trồng mía, sắn… của 226 hộ đồng bào Ê Đê trong buôn. Nhờ được hỗ trợ vốn xây dựng hạ tầng cơ sở, tuyến đường ra khu sản xuất buôn Bai dài 1,2km đã được bê tông hóa với tổng kinh phí hơn 558 triệu đồng. Trưởng buôn Bai Ma Gia cho biết: Đời sống của đồng bào gắn với rừng, rẫy và khu sản xuất.
Trước, đường chưa làm, trời mưa sình lầy lắm nên người dân phải đi bộ còn xe thì bị lún bánh. Nay xe chở sắn, chở mía cứ bon bon chạy. Bà con giảm được chi phí sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong buôn từ 70% xuống còn dưới 50%. Còn La Lan Tình cũng ở buôn Bai, bày tỏ: Ngày trước, đường khó đi, thuê xe chở trả giá cao mà nhiều lúc họ còn ngại không nhận lời. Giờ thì khỏe rồi, gọi điện thoại là xe tới tận rẫy, giá cũng rẻ hơn trước.
Cũng như đồng bào ở buôn Bai, 30 hộ dân ở thôn Tân Hiên, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), từ năm 2017 cũng đã có đường bê tông đến khu sản xuất. Theo ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, tuyến đường dài 1km, mặt đường rộng 3m, được bê tông hóa với tổng kinh phí 600 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Nếu không có sự hỗ trợ 100% vốn từ chính sách của Nhà nước thì không biết tới khi nào bà con trong thôn mới có đường đi rừng, đi rẫy thuận lợi như vậy.
Còn khu sản xuất ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) quanh năm cây cối xanh tốt nhờ được cung cấp nước tưới từ suối Cà Tơn; nhưng hạ tầng ở đây, đến cuối năm 2017 mới được bê tông.
Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: Đời sống bà con phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp, mà hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất chưa hoàn thiện thì không thể thúc đẩy sản xuất phát triển, khó xóa đói giảm nghèo.
Cái khó của việc hoàn thành tuyến đường này là không thể huy động người dân đóng góp vì đồng bào ở vùng miền núi khó khăn không có điều kiện kinh tế; nên vốn phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ Nhà nước.
Vì vậy, khi được hỗ trợ 100% kinh phí với gần 900 triệu đồng, 2km đường từ cầu Cà Tơn đến suối Cà Tơn Bé chạy dọc ra khu sản xuất rộng 40ha của 200 hộ dân đã được bê tông hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của đồng bào.
Còn nhiều khó khăn
Có thể thấy, đa phần những tuyến đường đi khu sản xuất đã hoàn thành đều nhờ được hỗ trợ vốn 100% từ chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi khó khăn. Đối với các xã không còn được hỗ trợ thì đang gặp khó với việc huy động vốn từ người dân. Điển hình là tuyến đường đi bản Hoan dài từ 4-6km, qua khu sản xuất rộng gần 1.000ha của trên 70 hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh).
Năm 2016, xã Ea Ly được Chính phủ công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trở thành xã nông thôn mới của tỉnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xã không còn được hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở từ nguồn vốn Chương trình 135 hay Quyết định 30a. Để hoàn thành tuyến đường này phải có sự đóng góp kinh phí từ người dân.
Ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, cho biết: Tuyến đường này được triển khai theo Nghị quyết 60 của HĐND tỉnh về bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020. Theo dự toán, đường dài 1km có nền rộng 5m, mặt đường rộng 3,5m, với kinh phí 1 tỉ đồng. Trong đó, người dân đóng góp 300 triệu đồng. UBND xã đã nhiều lần tổ chức họp thống nhất ý kiến với người dân. Tuy nhiên, do mức sống của từng hộ khác nhau nên chưa thống nhất được mức đóng góp. Xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân để sớm triển khai xây dựng tuyến đường này.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, quy hoạch vùng sản xuất đang tạo đà phát triển cho vùng miền núi của tỉnh. Cùng với đó, việc hoàn thiện những tuyến giao thông đến vùng sản xuất có ý nghĩa lớn trong duy trì sự phát triển bền vững cho vùng này. Nhưng để hoàn thiện những tuyến đường này, các địa phương đang gặp khó với việc huy động vốn góp. Giải pháp hữu hiệu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân thấy được lợi ích, từ đó chung tay cùng chính quyền để hoàn thành.
MINH DUYÊN