Bài toán liên kết phát triển du lịch vùng khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã và đang được Tổng cục Du lịch bàn tính trên cơ sở khảo sát lại chất lượng sản phẩm du lịch của từng địa phương nhằm tránh sự trùng lặp và phát hiện thêm nhiều địa chỉ mới. PGS-TS Vũ Tuấn Cảnh, Tổng cục Du lịch nhận định: “Tất cả các địa phương đua nhau làm du lịch, tỉnh nào cũng tự phát nên địa chỉ thì nhiều mà sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chất lượng dịch vụ yếu, đội ngũ nhân viên không chuyên nghiệp và cơ sở hạ tầng chắp vá...”.
Lễ hội đâm trâu của đồng bào Êđê (tỉnh Daklak) thu hút đông đảo du khách. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
CHẤT LƯỢNG... PHONG TRÀO!
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch nhận xét: “Ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, tỉnh nào cũng giới thiệu thế mạnh tiềm năng là núi, rừng, biển, đảo... cùng với bề dày lịch sử và bản sắc văn hoá các dân tộc cư trú trên địa bàn. Hầu hết sản phẩm đều ra đời theo cảm tính, tỉnh này học tập kinh nghiệm của tỉnh kia nên na ná giống nhau nhưng chất lượng không đồng đều và phần lớn chưa đáp ứng những yêu cầu nhỏ nhất của du khách”. Đại diện Công ty Viettraval than phiền vì số lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng từng ngày và ngày nào cũng đòi hỏi thông tin mới nhưng sản phẩm của chúng ta “chỉ có vậy!”. Tổng cục Du lịch lo ngại rằng gần đây nhiều địa phương ở miền Trung- Tây Nguyên vội vàng tôn tạo, nâng cấp các khu di tích lịch sử văn hoá đã làm biến dạng di tích hoặc phá vỡ không gian văn hoá.
Gần đây, nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, số lượng khách sạn và các khu resort ven biển tăng nhanh, bước đầu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo quy định, sau ba tháng chính thức hoạt động, các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký xếp hạng.
Trong thực tế, không ít khách sạn đã kinh doanh 2-3 năm nhưng vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” và tự mình phong hạng. Một số khách sạn tại Phan Thiết thường xuyên in danh thiếp, brochure... giới thiệu rất lập lờ rằng chất lượng “tương đương” 3 sao, 4 sao để mời gọi du khách nhưng năng lực và trình độ đội ngũ nhân viên phục vụ yếu kém.
Mùa cao điểm, nhiều hãng lữ hành phải bấm bụng trả tiền với giá 700.000-800.000 đồng/phòng/ngày, đêm để khỏi mất khách, rồi ngay sau đó nhận lại thông tin phản hồi... “một lần đi không bao giờ trở lại!”.
KHAI PHÁ TOUR MỚI
PGS-TS Vũ Tuấn Cảnh, Tổng cục Du lịch xác định: Xây dựng sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thúc đẩy liên kết vùng là mục tiêu quan trọng nhất để phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Sau chuyến khảo sát vừa qua của Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, đoàn khảo sát đã kiến nghị lên Tổng cục Du lịch rất nhiều nội dung, trong đó có những gợi ý, phát hiện rất hay; như sẽ nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các di tích tháp Chăm của Ninh Thuận là di sản văn hoá (vật thể) của thế giới hoặc đề nghị Tổng cục Du lịch sắp tới cho ra đời sản phẩm mới tạm gọi là “Lữ hành xuyên qua không gian văn hoá Chăm” bên cạnh “Con đường di sản miền Trung”.
Khai phá tuyến mới là ý tưởng hay xuất phát từ khả năng và nhu cầu thực tế, dải đất miền Trung hiện còn lưu giữ khoảng 20 cụm đền tháp Chăm, riêng Ninh Thuận là nơi mà cộng đồng người Chăm sinh sống từ lâu đời, đồng thời đã và đang bảo tồn nguyên vẹn kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, độc đáo của dân tộc Chăm.
Liên kết du lịch miền Trung-Tây Nguyên: Hướng đi triển vọng Nằm trên trục nối liền các “điểm đến” đầy hấp dẫn, các tỉnh, thành phố miền Trung- Tây Nguyên đang tiến theo hướng đi đầy triển vọng cho ngành công nghiệp không khói - liên kết vùng trong phát triển du lịch. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch khẳng định: “Do những yếu tố địa lý, nhân văn, đặc trưng văn hóa mà tiềm năng du lịch miền Trung- Tây Nguyên có sự gắn kết rất chặt chẽ. Vì vậy, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố ở khu vực này là hướng đi đúng và đầy triển vọng”. Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên đều có tiềm năng du lịch rất lớn, phù hợp phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, sinh thái rừng, mạo hiểm, du lịch hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Với những tuyến du lịch độc đáo như “Con đường di sản miền Trung” hay “Con đường xanh Tây Nguyên”, du khách sẽ có dịp đi xuyên suốt các tỉnh, thành phố trong vùng, thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa-lịch sử quý giá như cố đô Huế cổ kính, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Vịnh Nha Trang và tham gia những hoạt động đầy hấp dẫn như cưỡi voi, săn thú trên cao nguyên Lâm Viên, uống rượu cần và nghe kể chuyện ở Đắk Lắk. Du khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khác khi các tour du lịch liên kết trong khu vực này tiếp tục được mở rộng, với tuyến “Đà Lạt- Nha Trang: Lên rừng xuống biển” hay “Theo dấu chân Yersin”. Theo ông Vũ Thế Bình, việc các hãng hàng không đang dự kiến mở những chuyến bay giá rẻ tới khu vực này, cùng với lợi thế là cửa ngõ chính vào Việt Nam của du khách ASEAN (đối tượng khách chính của Việt Nam), ngành du lịch miền Trung- Tây Nguyên càng có thêm cơ sở để đẩy mạnh liên kết cùng phát triển du lịch. Để phát huy hiệu quả của việc liên kết du lịch vùng, theo nhiều nhà quản lý và kinh doanh du lịch, các địa phương cần đảm bảo quy hoạch theo hướng liên kết, thay vì quy hoạch du lịch riêng của từng địa phương như hiện nay, tránh sự trùng lặp trong sản phẩm du lịch, phát huy lợi thế riêng của từng vùng để tạo nên những tour, tuyến du lịch hấp dẫn cả về sản phẩm, thời gian và giá cả. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố miền Trung- Tây Nguyên cũng cần hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở quy mô vùng. “Qua thực tế quảng bá du lịch ở nước ngoài cho thấy, du khách cũng như những nhà đầu tư du lịch các nước rất quan tâm đến du lịch vùng, chứ không riêng lẻ một tỉnh, thành phố nào đó, vì một tour du lịch họ cần đến nhiều tỉnh, thành phố”- một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẳng định. HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)
Theo website Miền Trung- Tây Nguyên