Cùng với 3 khu công nghiệp tập trung, tỉnh Phú Yên đã thông qua Quy hoạch điểm, cụm công nghiệp rộng khắp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, một số cụm, điểm không thu hút được đầu tư do không có lợi thế cạnh tranh.
Điểm công nghiệp Sông Hinh đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng nhưng hiện đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư.– Ảnh: K.DUY
Theo Quy hoạch đã phê duyệt, đến năm 2020, tỉnh Phú Yên sẽ có 24 cụm, điểm công nghiệp do các huyện, thành phố quản lý. Tôång kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm điểm công nghiệp này là 153 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2006-2010) là 83 tỉ đồng. Từ năm 2006, tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách cho việc triển khai xây dựng thí điểm 9 cụm công nghiệp tại 6 huyện là Phú Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu và TP Tuy Hoà. Quy mô mỗi cụm công nghiệp từ 5-10 ha, định suất đầu tư hạ tầng trên dưới 1,3 tỉ đồng một ha.
2/3 CỤM ĐIỂM CÔNG NGHIỆP KHÓ THU HÚT ĐẦU TƯ
Cho đến nay, chỉ 3 cụm điểm công nghiệp ở Phú Yên đầu tư có hiệu quả, còn lại 6 cụm lâm vào tình trạng khó thu hút được đầu tư.
Đến nay, 3 cụm công nghiệp là Tam Giang (huyện Tuy An), Hòa An (huyện Phú Hòa), thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) cơ bản lấp đầy diện tích, thu hút hơn hàng chục dự án của các doanh nghiệp trong tỉnh và nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương. Cụm công nghiệp Hòa An ngay thời kỳ chuẩn bị thủ tục khởi công đã có 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Sau 1 năm hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, 10 doanh nghiệp đi vào hoạt động và tiếp tục một số dự án đầu tư khác chuẩn bị triển khai. Cụm công nghiệp Tam Giang hồi đầu năm nay cũng cơ bản lấp đầy diện tích. Hơn thế nữa, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ kinh phí cùng tham gia xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp với UBND huyện. Nguyên nhân chính là 3 cụm công nghiệp này có lợi thế về giao thông, nguồn nguyên liệu tại chỗ và lực lượng lao động khá dồi dào.
Tuy nhiên, như Báo Phú Yên đã từng phản ánh, hiện vẫn có không ít cụm, điểm công nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vì thiếu những lợi thế cạnh tranh.
Cụm công nghiệp Sông Hinh có diện tích quy hoạch 20 ha nằm cạnh tỉnh lộ 645, ngay cửa ngõ ra vào thị trấn Hai Riêng. Mặc dù cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 được xây dựng khá hoàn chỉnh từ tháng 10/2006, nhưng đến nay vẫn vắng lặng. Bốn bề, tường rào, cổng ngõ khang trang mà bên trong cỏ dại mọc um tùm... UBND huyện Sông Hinh đã tìm mọi phương cách mời chào nhưng không hiệu quả, rốt cục đành chủ trương khi nào thu hút được dự án đầu tư thì mới tiếp tục xây dựng hạ tầng để tránh lãng phí. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông thừa nhận: Mục đích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kêu gọi vốn đầu tư là chính. Nhưng đây là địa bàn khó khăn, bất lợi nên mức độ đầu tư cũng kém.
Huyện Tây Hòa có cụm công nghiệp Hòa Mỹ Đông triển khai giai đoạn 1 trên diện tích hơn 5,5 ha. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với nguồn vốn hơn 9 tỉ đồng, đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều đáng chú ý là cụm công nghiệp Hòa Mỹ Đông có nhiều bất lợi như xa các trục giao thông chính, xa thị trấn, thị tứ, lại không có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong khi đó, theo quy hoạch chi tiết thì thị trấn Phú Thứ của huyện Tây Hòa cũng sẽ hình thành một cụm công nghiệp rộng 18 ha sát tỉnh lộ 645 và ở vị trí lợi thế hơn hẳn cụm công nghiệp Hòa Mỹ Đông. Xét ra, đầu tư xây dựng điểm công nghiệp Hòa Mỹ Đông đang đứng trước nguy cơ lãng phí.
PHẢI PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH TỔNG THỂ
Trong khó khăn chung hiện nay ở lĩnh vực thu hút đầu tư, liệu mấy nhà đầu tư lại tìm đến các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi xa xôi mà lợi thế thì ít còn trắc trở thì nhiều? Ngay trong số 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung của Phú Yên hiện nay cũng bộc lộ vấn đề đáng quan tâm về quy hoạch. KCN An Phú xây dựng từ khi thị xã Tuy Hoà chưa nâng cấp lên thành phố. Còn hiện nay KCN này nằm ngay trung tâm TP Tuy Hòa và đang nảy sinh hàng loạt vấn đề, đặc biệt là ô nhiễm môi trường. Hiện tại, UBND tỉnh Phú Yên phải quyết định ngừng cấp phép đầu tư vào KCN nói trên. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi khẳng định: Quan tâm đầu tiên của tỉnh hiện nay là các cụm công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh, không thể huyện nào muốn thành lập cụm công nghiệp thì thành lập.
Nhà đầu tư nào cũng lựa chọn nơi đầu tư có lợi thế cạnh tranh để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Như vậy, vấn đề quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết KCN, cụm công nghiệp ở Phú Yên cần được tính toán bài bản, cân nhắc nghiêm túc, toàn diện để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
PHAN THANH HẰNG (VOV)