Chủ Nhật, 29/09/2024 18:28 CH
Liên kết kinh tế - nhu cầu đối với phát triển doanh nghiệp
Thứ Ba, 18/12/2007 07:00 SA

LTS: Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Phú Yên sau khi Việt Nam gia nhập WTO” do Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên phối hợp với Trường Đại học bán công (ĐHBC) Marketing TP Hồ Chí Minh vừa được tổ chức tại Phú Yên đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Báo Phú Yên xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐHBC Marketing.

 

Liên kết là xu hướng tất yếu trong toàn cầu hóa. Liên kết có nhiều lợi ích, song lợi ích nhất là sử dụng tài nguyên của các bên liên kết một cách hiệu quả, tăng thêm sức mạnh cạnh tranh mà một đơn vị không thể vượt qua. Mỗi doanh nghiệp (DN), đơn vị và địa phương cần lựa chọn hình thức liên kết thích hợp cho mình trong từng thời kỳ, mà tiêu chí quan trọng nhất là mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội tối ưu.

 

L071218-ien-ket-kinh-te.jpg

Các doanh nghiệp sản xuất cần liên kết để mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn - Ảnh: MINH CHÂU

 

LIÊN KẾT KINH TẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN

 

Những lợi ích kinh tế do liên kết kinh tế (LKKT) mang lại đó là giúp địa phương, đơn vị, DN khắc phục được những bất lợi về quy mô. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi DN ngoài việc có một hoặc vài lĩnh vực hoạt động chủ đạo mang tính đặc thù, chuyên biệt thì vẫn còn có hàng loạt các hoạt động phụ mà bản thân DN không thể thực hiện được. Thay vì tổ chức sản xuất đầy đủ tất cả các loại phụ tùng, linh kiện cần thiết, các DN sẽ đặt gia công một số linh kiện ở các cơ sở sản xuất khác để tiết kiệm chi phí và tìm kiếm được lợi nhuận cao hơn.

 

LKKT còn giúp địa phương, đơn vị, DN phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Bởi vì, nhu cầu của thị trường luôn thay đổi nên buộc các DN phải thay đổi mẫu mã những sản phẩm hiện có, vừa phải tìm cách đa dạng hóa sản phẩm. Để có được những thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường, DN cần phải có thông tin và có đủ khả năng triển khai nhanh các phương án sản xuất mới. Chính sự LKKT sẽ giúp cho DN đạt được điều này.

 

LKKT giúp các DN tiêu thụ nhanh sản phẩm và gia tăng được khối lượng sản phẩm tiêu thụ. Sự liên kết của hệ thống các nhà thương mại với các nhà sản xuất thông qua hình thức đại lý bán hàng là điển hình của sự liên kết này. Các cửa hàng kinh doanh sẽ nhận làm đại lý bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm do DN sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm của DN được đưa vào thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời hơn.

 

Ngoài ra, LKKT giúp DN tiếp cận nhanh chóng với công nghệ và kỹ thuật mới góp phần giúp DN giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

 

Những năm qua, các tỉnh miền Trung  có cơ hội để tiếp nhận các dự án lớn, nhiều khi vượt quá khả năng sản xuất của một DN, của một tỉnh. Nếu được liên kết lại để thực hiện dự án thì hiệu quả sẽ mang lại to lớn hơn. Chẳng hạn trong phát triển du lịch, một số DN các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng cùng khai thác một sản phẩm giống nhau. Vì vậy, các địa phương trở thành đối thủ cạnh tranh nhau trên cùng một loại sản phẩm, trong cùng một thị trường. Muốn giảm thiểu rủi ro cạnh tranh, các DN du lịch cần liên kết lại để thỏa hiệp thị trường khai thác, bổ sung mặt yếu và khai thác mặt mạnh của nhau.

 

CẦN LỰA CHỌN ĐỐI TÁC VÀ HÌNH THỨC LIÊN KẾT PHÙ HỢP

 

Các địa phương rất cần có sự nâng cao nhận thức, thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong LKKT vùng, miền. Bên cạnh đó, cần xác định mũi nhọn kinh tế của tỉnh song song với việc rà soát, đánh giá lại năng lực và hiệu quả kinh doanh của tất cả các DN tư nhân để từ đó tạo điều kiên giúp các DN có tiềm lực, kinh doanh tốt, cùng liên kết để phát triển thành những DN vừa và lớn mà hiện nay chúng ta đang còn rất thiếu, nhất là trong xây dựng mạng lưới hoạt động kinh doanh bán lẻ nội địa.

 

Mặt khác, việc định hướng cho các DN liên kết với nhau (liên kết 4 nhà) sẽ tạo nên một chuỗi khép kín trong từng ngành nghề kinh doanh, tạo ra những mô hình liên kết phù hợp rất cần trong nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản... Khuyến khích những người sản xuất nhỏ liên kết hình thành những làng nghề truyền thống trong sản xuất và xuất khẩu, bên cạnh những mô hình đã có như hợp tác xã. Chẳng hạn như, liên kết giữa trồng rừng với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái...

 

DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn từ 5 đến 10 năm để soát xét và đánh giá lại toàn diện những mặt mạnh và mặt yếu trong hoạt động kinh doanh, dự báo khả năng cạnh tranh và phát triển. Trên cơ sở này, DN xác định lại thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp hướng tới. Có như vậy, DN sẽ chủ động trong tìm kiếm đối tác LKKT, chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp. Sự liên kết có thể được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như liên kết về công nghệ, thị trường, nhân lực, sản phẩm kinh doanh... Lựa chọn đối tác và hình thức liên kết phù hợp với khả năng của DN là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình liên kết. Ngoài ra, nếu thực hiện liên kết để phát triển đa ngành, nghề thì DN cũng không được sao nhãng với những ngành nghề truyền thống mà mình đã từng có thế mạnh trên thị trường. DN cũng cần tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ để có thể chuyên môn hóa sâu, mở rộng các mối quan hệ LKKT cho cán bộ, công nhân viên của DN.

 

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và LKKT, bài toán mà các DN cần tính đến là phải tính đủ chi phí. Chi phí này bao gồm chi phí của bản thân DN chi ra cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chi phí của xã hội đã đầu tư mà DN được thụ hưởng như chi phí cơ sở hạ tầng, chi phí cải tạo điều kiện môi trường... Tổng tất cả các chi phí trên được biểu hiện qua giá cả sản xuất đầy đủ (tức là giá bóng). Hiện đa phần các DN chúng ta chỉ mới tính chi phí của DN mà chưa tính đến chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, chi phí đầu tư của xã hội... Nếu tính đủ thì nhiều ngành nghề đang kinh doanh của ta chưa hẳn là có tính cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế.

 

Tiến sĩ PHẠM THỊ NGỌC MỸ

Hiệu trưởng Trường ĐHBC Marketing

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek