Sau những ngày “ngủ đông”, tàu thuyền các làng biển ở Phú Yên đang chuẩn bị ra khơi khai thác. Thế nhưng những hậu quả do thiên tai gây ra, áp lực tăng giá xăng dầu đang là nỗi lo của ngư dân trong mùa mở biển.
Ngư dân phường 6 mở biển vươn khơi khai thác hải sản - Ảnh: Q.ĐẠT |
Thông thường, sau mùa mưa là ngư dân tiến hành tu bổ tàu thuyền trước khi ra quân đánh bắt vụ mới. Mỗi chiếc thuyền phải mất ít nhất 20 triệu đồng để tu bổ. Với bà con ngư dân đã thua lỗ trong vụ đánh bắt vừa qua, đây thực sự là một mối lo. Ví như tại phường 6, TP Tuy Hòa có 218 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, nhưng đến giờ vẫn còn gần 100 tàu chưa tìm ra chi phí để sửa chữa. Còn ở lạch Đông Tác, thuộc phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) vẫn còn quá nửa trong tổng số hơn 300 tàu thuyền đang nằm chỏng chơ trên bãi cát, chờ chủ chạy tiền tu sửa.
Sau nỗi lo tu bổ tàu thuyền, gánh nặng lớn nhất của bà con là chi phí mở biển. Tất cả các loại vật tư, dầu nhớt đều lên giá, đã đội chi phí chuyến biển đầu vụ tăng từ 20 đến trên 30%. Tàu nhỏ thì ít nhất cũng mất 70-80 triệu đồng, tàu lớn thì trên 100 triệu đồng. Nhiều hộ đang thiếu nợ ngân hàng buộc phải vay nóng bên ngoài với mức lãi cao ngất ngưởng để mở biển. Cứ vay 1 triệu, mỗi tháng phải trả lãi 30.000 đồng nhưng không phải ai cũng vay được. Bà Phạm Thị Hoa, ngư dân ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) than thở: “Thứ gì cũng lên, từ sơn, chai đến công thợ…, nên bà con không đủ tiền lo cho chuyến biển mới. Ai cũng thiếu nợ vốn vay, do đó mùa này ngân hàng không tiếp tục cho ngư dân vay. Vậy là bà con phải đi vay nóng bên ngoài”. Nhiều hộ không lo nổi chi phí, lại thêm thiếu nợ ngân hàng, buộc phải bán tàu trả nợ. Hiện ngư dân Phú Yên đã bán 40 tàu công suất lớn để trang trải các khoản nợ vay. Những tàu thuyền còn lại đang rất chật vật để xoay trở cho vụ đánh bắt mới. Ông Nguyễn Văn Lễ, ngư dân ở phường Phú Lâm, ngậm ngùi: “Năm rồi, tiền sắm chuyến quá cao, trong khi giá cá bấp bênh nên khai thác không đủ chi phí. Bây giờ, đến hạn trả vốn vay ngân hàng, đành bán tàu trả nợ chứ chẳng biết làm thế nào. Lạch Đông Tác này đã bán 6 chiếc rồi, hiện có mấy chiếc cũng đang kêu bán, nhưng chưa có người mua”.
Ông Lê Bồng, Trưởng ban lạch Phú Câu phân tích: Ở Phú Yên, giá cá ngừ đại dương cầm chừng 60.000 đến 75.000 đồng/kg, trong khi đó ở các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Định, giá thường cao hơn 20 đến 40%. Thế nhưng, ngư dân Phú Yên vẫn không thể bán ra ngoài tỉnh vì nợ chi phí các tư thương trong tỉnh. Còn ông Lễ thì quả quyết: Nếu bán ở mức giá như lâu nay thì phải đánh bắt ít nhất 2 tấn cá mới đủ chi phí. Thế nhưng với tình hình ngư trường hiện nay, không thể đánh bắt đủ sản lượng này. Quả thật, lâu nay ngư dân luôn lo lắng chạy vạy khắp nơi để có chi phí đi biển, đánh bắt được cá, nhưng khi làm ra được sản phẩm thì phụ thuộc vào tư thương, chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra can thiệp. Trao đổi về vấn đề này, ông Biện Minh Tâm, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản Phú Yên cho biết: “Hiện nay, ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định hình thành hiệp hội cá ngừ đại dương. Hiệp hội này bao gồm cả những người thu mua và đánh bắt cá ngừ đại dương. Các cá nhân, đơn vị tham gia hiệp hội sẽ được chia sẻ những quyền lợi và cam kết trách nhiệm lẫn nhau dưới sự giám sát của ngành thủy sản. Hy vọng với giải pháp này, trong vụ đánh bắt năm 2008, nghề khai thác cá ngừ sẽ có điều kiện phát triển mạnh, giải quyết một phần khó khăn cho ngư dân Phú Yên”.
Ngoài “chạy” chi phí sắm chuyến biển, tình trạng cửa sông bị cạn, không có nơi neo đậu cũng làm ngư dân lo lắng không kém. Năm nay lụt lớn, cửa sông Đà Diễn mở rộng về phía bắc, nhưng vẫn bị cạn làm cho hơn 600 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương rất khó khăn khi ra vào bến. Mặt khác sau mùa lũ, hầu hết các cảng cá đều trong tình trạng hư hỏng nặng mà chuyện khắc phục vẫn đang “bình chân như vại”. Riêng cảng cá phường 6 nơi tập trung lớn nhất tàu thuyền câu cá ngừ đại dương hiện đã bị hư hỏng quá nặng, tàu thuyền không có nơi cập bến.
LÊ BIẾT