Thị trường viễn thông di động (VTDĐ) đang phát triển rất sôi động. Nhu cầu sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) không còn bó hẹp ở chức năng nghe, gọi và nhắn tin mà ngày càng đòi hỏi nhiều tính năng giải trí cao cấp khác. Nắm bắt cơ hội này, các dịch vụ giải trí đa truyền thông đang được các nhà cung cấp dịch vụ VTDĐ nhắm tới để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần.
Ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng công nghệ giải trí đa truyền thông – Ảnh: N.QUANG
3/6 NHÀ CUNG CẤP NHẬP CUỘC
Hiện các dòng máy ĐTDĐ cao cấp có giá bình dân đang xuất hiện nhiều trên thị trường Phú Yên, dần thay thế những loại máy chỉ có tính năng nghe, gọi và nhắn tin thông thường. Chiến lược của các hãng ĐTDĐ về phân khúc thị trường tạo nên những biến động lớn trong thị phần tiêu dùng. Những dòng điện thoại mới được liên tục tung ra. Ngoài các dòng máy cao cấp, các hãng ĐTDĐ như: Nokia, Motorola, Samsung... còn tung ra thị trường nhiều chủng loại máy tích hợp tính năng đa truyền thông. Cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ VTDĐ không chỉ giảm giá cước, duy trì chế độ hậu mãi tốt mà còn phải tự làm mới chính mình bằng các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp.
S-Fone là mạng ĐTDĐ đầu tiên triển khai các ứng dụng của công nghệ EV-DO (phát triển, tối ưu hóa dữ liệu) đến người tiêu dùng với dịch vụ Mobile Internet (internet di động-kết nối internet với máy vi tính bằng điện thoại mạng S-Fone).
Ông Đỗ Tấn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đông Á, nhà phân phối các sản phẩm và dịch vụ VTDĐ S-Fone và HT Mobile tại Phú Yên cho biết: “Công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO cho phép tốc độ truyền dữ liệu lên đến 2.4 Mb/giây, thích hợp cho việc cung cấp các dữ liệu có dung lượng lớn. Mức cước truyền dữ liệu được tính 4 đồng/KB (đối với Mobile Internet). Nội dung dữ liệu di động sẽ được nhà cung cấp dịch vụ liên tục cập nhật và phát triển đa dạng theo nhiều kỳ trong tháng. Khách hàng sử dụng điện thoại di động tích hợp chức năng EV-DO có thể truy cập internet bằng 3 hình thức: tải nội dung về máy, xem truyền hình đang phát sóng hoặc xem nội dung có trên máy chủ”. Với dịch vụ cao cấp hiện đại của công nghệ CDMA, S-Fone đang kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá mới, phát triển mạnh lượng thuê bao mạng 095 không thua kém gói dịch vụ Forever đang được triển khai trên thị trường.
Không chỉ riêng mạng S – Fone mà hai mạng HT Mobile và Viettel cũng đang chạy đua triển khai công nghệ giải trí đa truyền thông. Ngoài dịch vụ Mobile Internet, sắp tới HT Mobile và Viettel sẽ triển khai tiếp hai dịch vụ mới là dịch vụ VOD (xem phim, truyền hình), MOD (nghe nhạc trực tiếp), thanh toán tiền mua hàng hóa dịch vụ... nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu về dịch vụ viễn thông di động công nghệ cao của khách hàng.
Truy cập Internet qua mạng điện thoại di động ngày càng thông dụng - Ảnh: N.Q |
CÓ THỰC SỰ HẤP DẪN?
Trong khi MobiFone, Vinaphone, Viettel... đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi phát triển thuê bao mới thì xu hướng dịch vụ truyền hình trên ĐTDĐ do S-Fone khởi xướng sẽ tạo ra những làn sóng cạnh tranh mới. “Cuộc chạy đua giữa các nhà cung cấp dịch vụ VTDĐ không còn giới hạn ở giá cước, chất lượng dịch vụ, các chương trình khuyến mãi... như trước đây mà còn là công nghệ truyền thông cao cấp trên ĐTDĐ. Thị trường VTDĐ đã có thế cân bằng giữa các đối thủ cạnh tranh nhưng mạng di động công nghệ CDMA (S-Fone, EVN-Telecom và Hanoi-Telecom) được đánh giá là sẽ có triển vọng phát triển nhanh các ứng dụng đa truyền thông hơn mạng di động công nghệ GSM (MobiFone, Vinaphone và Viettel Mobile)” - Chủ một doanh nghiệp kinh doanh VTDĐ nhận định. Tuy nhiên, hiện dịch vụ truyền hình di động và giải trí truyền thông đa phương tiện của ba mạng S-Fone, HT Mobile và Viettel chưa hẳn đã tạo ra sức hút lớn với phần đông người tiêu dùng bởi máy ĐTDĐ hỗ trợ các chức năng này chi phí còn khá cao.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng của thị trường viễn thông quá nhanh, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ VTDĐ chủ yếu nhắm đến số lượng thuê bao bằng những cuộc chạy đua không có điểm dừng đã tạo ra lỗ hổng về sự tăng trưởng không bền vững. Chỉ từ đầu năm đến nay, khách hàng được hưởng khá nhiều lợi ích từ các dịch vụ giá trị gia tăng và giảm giá cước. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, quyền lợi khách hàng đôi khi đã bị lãng quên, chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay, tâm lý người tiêu dùng không mấy mặn mà với gói cước trả sau vì phải chịu nhiều ràng buộc hợp đồng thuê bao, dịch vụ tra cứu cước nóng không được cập nhật trong ngày, số điện thoại nóng chăm sóc khách hàng thường xuyên bị nghẽn mạng... Chính vì vậy, số lượng thuê bao mới của các mạng VTDĐ tăng trưởng mạnh sau những đợt khuyến mãi ồ ạt nhưng tỉ lệ thuê bao ảo, thuê bao rời mạng cũng không ít.
NGUYỄN QUANG