Đợt lũ lụt vừa qua đã làm tôm hùm chết hàng loạt khiến người nuôi tôm ở huyện Sông Cầu bị thiệt hại nặng về kinh tế, nợ vốn ngân hàng chồng chất. Løàm thế nào để giúp dân khôi phục và tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm hùm? Báo Phú Yên đã trao đổi về vấn đề này với ông Đinh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu và ông Tô Thanh Hóa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Sông Cầu.
Người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu đưa lồng lên bờ do tôm chết hàng loạt trong đợt lũ vừa qua – Ảnh: N.LƯU
* Thực tế cho thấy các khu vực bè nuôi tôm hùm ở Sông Cầu luôn mất ổn định trong mùa lụt bão, thiệt hại cho người nuôi. Vậy UBND huyện Sông Cầu có giải pháp gì để quy hoạch các vùng nuôi, giúp dân khôi phục và phát triển bền vững nghề này?
Ông ĐINH VĂN SANG: Nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu tự phát và phát triển ồ ạt với số lồng bè tăng nhanh hàng năm. Trong khi đó, lâu nay việc quản lý, quy hoạch vùng nuôi tôm hùm của huyện còn nhiều lúng túng, dẫn đến mất an toàn trong mùa lụt bão. Năm nay, UBND huyện đã triển khai thí điểm phân chia mặt nước, sắp xếp vùng nuôi ở xã Xuân Thịnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra chương trình thí điểm quản lý vùng nuôi này vẫn thiếu tính ổn định, chưa bền vững. Hệ quả là đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Để khôi phục và phát triển bền vững nghề này ở huyện Sông Cầu, đòi hỏi phải có sự đầu tư vốn lớn trong quy hoạch mặt nước, xây dựng kè chống lũ, bão và quản lý vùng nuôi. Trước mắt, huyện sẽ vận động dân tiếp tục đầu tư nuôi tôm, tuân thủ các quy trình nuôi, sắp xếp lại vùng nuôi. Về lâu dài, huyện kiến nghị với UBND tỉnh có chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn để quy hoạch ổn định và bền vững các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện.
* Mưa lũ làm tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi tôm bị thiệt hại nặng và nợ vốn vay ngân hàng chồng chất. Vậy, ngành ngân hàng có chính sách gì để khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho dân vay vốn khôi phục nghề nuôi tôm hùm, thưa ông?
Ông TÔ THANH HÓA: Qua thống kê trong năm nay, Ngân hàng NN và PTNT huyện đã cho người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện vay gần 200 tỉ đồng, dư nợ đến nay khoảng 100 tỉ đồng, riêng xã Xuân Thịnh có dư nợ hơn 60 tỉ đồng. Bình quân mỗi hộ nuôi tôm vay trên 30 triệu đồng, có nhiều hộ vay lên đến 600 – 700 triệu đồng. Hiện có hơn 100 hộ nuôi tôm hùm có vốn dư nợ ngân hàng. Sau khi tôm hùm bị chết do lũ, đa số hộ nuôi tôm không trả được vốn vay ngân hàng. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn cũng như cho vay của ngân hàng.
Trước thực trạng trên, chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Sông Cầu đã và đang phối hợp với chính quyền các xã kiểm tra, thống kê cụ thể, chính xác số lượng tôm thiệt hại ở từng hộ. Qua đó, ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp để giãn nợ, gia hạn nợ và tiếp tục cho vay vốn để bà con có điều kiện đầu tư nuôi tôm nhằm ổn định kinh tế gia đình. Rủi ro do thiên tai là bất khả kháng, do vậy ngân hàng lập danh sách các hộ thiệt hại nặng để trình Chính phủ có giải pháp khoanh nợ hoặc xóa nợ cho dân theo Quyết định số 67/CP của Chính phủ.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)