Qua hơn hai năm thực hiện, dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) tỉnh Phú Yên mới đạt giá trị gần 20% vốn đầu tư. Nhiều vướng mắc đã làm cho dự án thực hiện không đúng tiến độ đề ra, phải kéo dài thêm một năm nữa.
Thi công cải tạo lưới điện – Ảnh: N.T
Phú Yên là một trong 8 tỉnh được thực hiện dự án RE II theo hiệp định Chính phủ ký với Ngân hàng Thế giới (WB). Tại Phú Yên, dự án được đầu tư 155.525 triệu đồng, bao gồm vốn vay của WB 119.317 triệu đồng và đối ứng của địa phương 36.208 triệu đồng để cải tạo, mở rộng lưới điện hạ thế những vùng nông thôn có lưới điện quá cũ nhằm giảm tỉ lệ tổn thất điện năng từ 20% xuống còn dưới 10%, đồng thời nâng tỉ lệ hộ sử dụng điện trong vùng dự án đạt 100%. Tuy nhiên, ngay từ khi mới triển khai, dự án đã gặp không ít khó khăn. Lúc đầu, chủ đầu tư là Sở Công nghiệp đưa 39 xã vào dự án, nhưng sau đó có 7 xã rút khỏi dự án gồm 4 xã Hòa Bình 2, Hòa Vinh, Hòa Kiến và An Phú thuộc khu vực đô thị được ngành điện tiếp nhận bán lẻ đến các hộ dân và 3 xã Hòa Quang Nam, Hòa Định Tây và Hòa Trị xin rút vì không cân đối được vốn trả nợ. Do vậy ngày
Đến thời điểm này, dự án RE II tại Phú Yên đã được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán lưới điện của 23 trong số 32 xã; đấu thầu 2 trong số 4 gói thầu cung cấp dây dẫn và cung cấp công tơ điện, tiếp nhận đủ số lượng để giao cho nhà thầu thi công; đấu thầu thi công xây lắp 6 trong số 20 gói thầu, trong đó có 3 xã đang triển khai thi công là Hoà Mỹ Đông, Hoà Phong và Hoà Bình 1 (Tây Hoà). Giá trị thực hiện đạt 26.753 triệu đồng, bằng 17,2% vốn đầu tư của dự án.
Thực tế việc thi công xây lắp các gói thầu đầu tiên của dự án cũng không thuận lợi, kéo dài thời gian so với hợp đồng. Các gói thầu này đã quá thời gian hợp đồng thi công hơn 3 tháng nhưng mới đạt từ 90 đến 97% khối lượng. Nguyên nhân là chất lượng thiết kế chưa cao, trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế và năng lực nhà thầu còn có mặt hạn chế. Mặt khác, dự án này xây lắp phần lưới điện hạ thế còn Công ty Điện lực 3 đầu tư phần lưới điện trung áp nhưng sự phối hợp giữa hai bên chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, dự án triển khai còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra và giải thích: Đây là dự án sử dụng vốn ODA, chịu sự ràng buộc theo hiệp định ký với WB nên thủ tục rất rắc rối mất nhiều thời gian, như các gói thầu trước khi triển khai đấu thầu đều phải xin phép đại diện WB và tổ chức đấu thầu theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó việc thay đổi các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản gần đây làm cho công tác thẩm định phải điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến chuẩn bị hồ sơ cho các đợt đấu thầu càng bị chậm trễ. Đây cũng là tình trạng chung, các tỉnh tham gia dự án này đều gặp phải mà không lường trước được. Tuy nhiên, những tồn tại, vướng mắc trên đã được Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh cùng các ngành liên quan từng bước tháo gỡ nên trong thời gian tới tiến độ thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị đấu thầu đồng loạt các gói thầu xây lắp lưới điện của các xã đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Nếu không gì trở ngại, đến cuối quý I/2008, việc đấu thầu của các gói thầu còn lại sẽ hoàn tất và việc thi công tất cả các hạng mục công trình sẽ hoàn thành trước cuối năm 2008.
Phải nói đây là dự án có vốn đầu tư tương đối lớn, triển khai xây dựng ở cơ sở trải rộng trên địa bàn nhiều huyện nên càng khó khăn, phức tạp đối với chủ đầu tư. Hy vọng chủ đầu tư khắc phục được nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án trong thời gian đầu, bổ sung vốn đối ứng kịp thời và có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm dự án hoàn thành đạt chất lượng, góp phần vào mục tiêu tăng tỉ lệ điện khí hóa và giảm tổn thất điện năng.
NGUYÊN TRƯỜNG