So với các huyện miền núi trong tỉnh, diện tích trồng mía của Sông Hinh không nhiều. Tuy vậy, cây công nghiệp ngắn ngày này đã bám rễ, hình thành vùng nguyên liệu chủ lực cho Nhà máy đường Tuy Hoà.
Thu hoạch mía ở vùng mía Sơn Giang – Ảnh: N.T |
Sông Hinh biết đến cây mía muộn hơn so với nhiều loại cây công nghiệp khác, từ khi Nhà máy đường Tuy Hoà đi vào hoạt động năm 1995. Những năm sau đó, diện tích mía của huyện phát triển nhanh chóng, có thời điểm lên trên 2.700 ha. Tuy nhiên, thời gian này, cây mía của Sông Hinh được trồng theo “phong trào”, người dân thiếu đầu tư chăm sóc nên năng suất không cao, hiệu quả kinh tế kém. Những năm 2000 – 2002, mía đường khủng hoảng, sau đó diện tích mía của huyện bị thu hẹp dần. Gần đây, giá mía nguyên liệu tăng lên đáng kể và có sự đầu tư tích cực từ phía Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa nên diện tích mía của huyện dần được khôi phục và đang có chiều hướng phát triển thuận lợi. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Hinh Nguyễn Ngọc Dậu khẳng định: Hiện tại, mía là một trong những đối tượng cây trồng chính của Sông Hinh, có hiệu quả kinh tế, đang được nhân rộng ở hầu hết 11 xã, thị trấn trong huyện song trồng tập trung nhiều nhất vẫn ở các xã phía đông như Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và thị trấn Hai Riêng. Thời điểm này, diện tích mía của huyện đã lên trên 2.210 ha, tăng gần 500 ha so với năm trước.
Với loại cây trồng này, Sông Hinh chọn lựa cơ cấu bằng các giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, có khả năng chịu hạn và cho năng suất cao như các giống K 84- 200, ROC 25, ROC 26, R 570… Trong đó giống K 84-200 vượt trội nhất nhờ bộ lá to, xanh cho chữ đường cao nên được bà con trồng nhiều, chiếm khoảng 40% diện tích mía của huyện. Vụ mía 2006- 2007 vừa qua, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, bà con tích cực chăm bón nên năng suất mía của huyện đạt bình quân 50 tấn/ha, cao hơn vụ trước 8 tấn/ha. Kết quả đó có phần hỗ trợ tích cực từ phía Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa. Trong vụ này, công ty phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Lâm Phú Yên tổ chức nhiều mô hình thâm canh mía đạt trên 100 tấn/ha, tiêu biểu như cánh đồng 28 ha mía ở buôn Ly (Ea Trol) với sự tham gia của 80 hộ nông dân, riêng diện tích mía của ông Huỳnh Lòng trồng giống K 84- 200 đạt năng suất gần 120 tấn/ha. Ông Nguyễn Súng trồng 12 ha trên vùng đất đỏ bazan ở buôn Ken (Ea Bá), áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh do Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa hướng dẫn cũng cho năng suất bình quân trên 80 tấn/ha.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa Trương Minh Hải cho biết: Sông Hinh được công ty xác định là vùng nguyên liệu chủ lực với mục tiêu đưa diện tích mía của huyện lên 2.600 ha. Gần đây chúng tôi đẩy mạnh công tác đầu tư và hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu trên địa bàn huyện, đã được 516 hộ tham gia. Hiện tại, công ty có chiến lược đầu tư toàn bộ đối với diện tích mía trồng mới như cho mượn giống trồng và trả lại bằng mía nguyên liệu 9 tấn/ha, hỗ trợ một tấn phân vi sinh trị giá 1,05 triệu đồng/ha, hỗ trợ vận chuyển mía giống đến nơi trồng 135.000 đồng/ha, đồng thời cho vay vốn 5,6 triệu đồng/ha để giúp bà con làm đất, chăm sóc và mua phân bón.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, cây mía ở Sông Hinh đang chịu sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng khác nên phát triển chưa thật sự vững chắc. Hầu hết mía được trồng trên nương rẫy thiếu nước tưới, nếu gặp năm có thời tiết khắc nghiệt nắng hạn kéo dài sẽ giảm năng suất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, người dân dễ dàng phá bỏ cây mía. Hy vọng các công trình thủy lợi đang triển khai xây dựng như hồ chứa nước La Bách, hệ thống thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh sẽ góp phần giúp cây mía trên đất núi Sông Hinh phát triển ổn định.
Một đặc điểm nữa cũng đáng lưu ý là ở đây, bà con dân tộc thiểu số không có tập quán chế biến mía đường thủ công nên hầu hết mía thu hoạch đều bán cho Nhà máy đường. Đây là lợi thế cho Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hoà nắm giữ vùng nguyên liệu nên cần thực hiện tốt chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng theo Quyết định 80/2002/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chú trọng đầu tư và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con yên tâm gắn bó với cây công nghiệp ngắn ngày này. Mặt khác, Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hoà cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Sông Hinh, từ đó tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, giao thông nội đồng - cũng là điều kiện cần thiết để vùng mía Sông Hinh phát triển bền vững.
NGUYÊN TRƯỜNG