Từ tháng 9/2007, Bộ Công Thương đã có chỉ thị yêu cầu các ban quản lý (BQL) chợ hướng dẫn các hộ kinh doanh niêm yết giá rõ ràng và thực hiện bán đúng giá niêm yết trong các chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối. Tuy nhiên, quy định này đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm ở các chợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Người tiêu dùng luôn mong được niêm yết và bán đúng giá – Ảnh: MINH NGUYỆT
QUEN VỚI THÁCH –TRẢ GIÁ
Việc niêm yết các mặt hàng dường như vẫn còn khá xa lạ đối với việc mua bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, người bán vẫn quen nói thách và người mua vẫn quen trả giá. Nhiều người đi chợ khăng khăng một điều: “Không trả là mua “hớ” ngay!”. Chị Nguyễn Thị Thùy ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Có khi trả chỉ bằng một nửa giá người ta thách mà vẫn mua được hàng thì tại sao lại không trả?”
Chị Trần Thị Tuyết, một người bán hàng ở chợ Tuy Hòa, nói: “Mình không thách giá nhưng người mua vẫn cứ trả rồi bỏ đi. Ở hàng khác, nhờ thách giá mà người ta bán được hàng...”. Dạo quanh các chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy phần lớn các sạp hàng, điểm kinh doanh với hàng loạt mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo, mỹ phẩm.... đều không niêm yết giá.
Hầu hết các tiểu thương đều cho là khó thực hiện việc niêm yết giá, nhất là đối với những hộ kinh doanh hàng tạp hóa, gia vị... vì sẽ không thể nào liệt kê đầy đủ giá các mặt hàng. Bên cạnh đó, giá cả lên xuống mỗi ngày nên rất phiền phức khi phải niêm yết giá cho từng mặt hàng. Chị Diễm, tiểu thương bán rau củ quả ở chợ Tuy Hòa cho biết: “Hàng tôi bán chỉ mấy loại củ quả, lại bày bán dưới đất nên rất khó niêm yết giá. Chưa kể giá nay khác mai khác, nếu phải thường xuyên thay đổi, rất phiền phức và mất công”. Một tiểu thương bán đồ gia dụng cũng cho biết: “Giá cả luôn thay đổi, buôn bán bận rộn mà khách hàng lại ít yêu cầu nên tôi chẳng niêm yết”. Các sạp hàng đã vậy, với những gánh hàng rong tại các chợ hoặc những người chỉ bán lẻ vài con cá, mớ rau thì việc niêm yết giá là rất phiền hà.
Ông Nguyễn Chí Xanh, Phó BQL chợ Tuy Hòa cho biết: “Tuy chúng tôi đã vận động các hộ kinh doanh niêm yết giá và bán đúng giá nhưng thực tế vẫn chưa thể áp dụng được. Việc làm này cần có thời gian để dần dần thay đổi thói quen nói thách giá – trả giá khi mua bán của cả người bán lẫn người mua”.
BÁN ĐÚNG GIÁ SẼ TẠO ĐƯỢC UY TÍN
Chợ Tuy Hòa vẫn có nhiều sạp hàng không hề dùng “chiêu” nói thách nhưng vẫn bán được hàng và tạo được uy tín trong khách hàng. Chị Mỹ Trang ở sạp hàng hải sản khô cho biết: “Tôi bán mặt hàng này gần 20 năm nay nhưng chẳng thách giá bao giờ. Nhiều khi người ta trả giá rồi đi khảo giá ở các hàng khác nhưng cuối cùng cũng quay lại hàng mình mua. Theo tôi, nếu giá cả đi liền với chất lượng thì lần sau khách hàng chắc chắn sẽ quay lại. Phương châm của tôi là “nói bao nhiêu bán bấy nhiêu”, vì vậy chẳng cần niêm yết giá nhưng bạn hàng vẫn yên tâm khi mua hàng chỗ tôi”.
Chị Trần Thanh Hoài ở phường 2 (TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Tôi không thích trả giá khi mua hàng vì có khi trả vẫn bị “hớ”, còn nếu trả giá thấp thì sợ bị người bán chửi hoặc nói năng rất khó chịu... Chính vì vậy, tôi thường hay mua hàng ở một số sạp không nói thách”.
Hầu hết người tiêu dùng đều rất muốn giá cả được niêm yết rõ ràng để dễ lựa chọn và so sánh. Đó chính là một trong những lý do làm nhiều người tiêu dùng thích mua hàng ở siêu thị. Tuy nhiên, không cần niêm yết giá nhưng sạp hàng nào tạo được uy tín cho khách hàng bằng cách không nói thách sẽ có ưu thế trong cạnh tranh.
Kiểm tra, quản lý lĩnh vực này chủ yếu là BQL chợ. Tuy nhiên, các BQL chợ chỉ có chức năng kiểm tra và nhắc nhở, còn xử lý vi phạm phải là lực lượng quản lý thị trường. Đến thời điểm này, hầu hết các tiểu thương ở chợ đều chưa thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá.
Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra giải pháp hợp lý để việc thực hiện có hiệu quả.
MINH NGUYỆT