Nông dân ở huyện Đồng Xuân đổ rất nhiều công sức, mồ hôi vun trồng cho cây sắn được nhiều củ. Thế nhưng đến khi thu hoạch, lũ lụt đã làm cho sắn thối khắp đồng. Sắn đang chuyên chở về nhà máy cũng bốc mùi hôi thối, hư hỏng, vì bị mắc kẹt lũ ở bờ sông Con trong nhiều ngày.
Sắn nguyên liệu chất đống ở Nhà máy sắn Đồng Xuân – Ảnh: N.L |
SẮN THỐI KHẮP ĐỒNG
Ông Trần Bình Hiền ở xã Xuân Quang 3 cho biết, lũ ngập tràn trên những đồng sắn trong nhiều ngày làm cho củ sắn ngâm nước bị thối, hư hỏng nặng. Nông dân đành bó tay bỏ mặc cho sắn thối chứ thu hoạch thì không tiêu thụ được. Còn sắn đã thu hoạch trước lũ cũng đành chất đống và bị thối trên ruộng chứ chưa thể chuyên chở đến nhà máy được. “Chưa bao giờ lũ lụt gây thiệt hại nặng cây sắn như năm nay. Sắn của tôi và mua thêm của bà con trên 5 tấn đem chất lên xe cả tuần, bị hư thối nhiều” – ông Hiền tâm sự.
Những ngày sau lũ, nước qua tràn sông Con vẫn còn lớn nên hàng chục chiếc xe chở sắn vẫn nằm rải rác trên đường đến nhà máy sắn Đồng Xuân. Chị Cao Thị Ái ở khóm 5, thị trấn La Hai cho hay: “Tôi đã chứng kiến 3 chiếc xe chở 15 tấn sắn chạy vượt nước lũ sông Con, nhưng bị lật nghiêng. Sắn bị trôi theo sông mất trên 6 tấn”. Cát bồi lấp và nước lũ vẫn còn ngập trên bờ tràn sông Con, xe không thể qua lại được. Sáng ngày 16/11, nhà máy sắn Đồng Xuân thuê xe ủi để ủi cát bồi lấp trên bờ tràn sông Con mới “giải phóng” được hàng chục chiếc xe chở sắn bị mắc kẹt lâu ngày ở đây. Tuy nhiên, số xe chở sắn cùng một lúc dồn về nhà máy quá nhiều, nên lại mắc kẹt nằm ken dày trước cổng nhà máy. Sắn đổ la liệt, chất chồng từng đống ở phía bên trong nhà máy. Điều đáng nói là, sắn đã bốc mùi hôi thối nồng nặc gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đồng Xuân, toàn huyện có trên 1.450 ha sắn, trong đó đã có gần 1.000 ha bị hư hỏng (799ha bị mất năng suất từ 40 – 50%) trong đợt lũ vừa qua, gây thiệt hại nặng về kinh tế đối với nông dân.
Chuyên chở sắn bị mắc kẹt ở giữa tràn sông Con đoạn qua nhà máy chế biến sắn Đồng Xuân – Ảnh: N.L |
NÔNG DÂN KÊU TRỜI VÌ NHÀ MÁY TRỪ TỈ LỆ SẮN THỐI CAO
Ông Lê Văn Tâm, Giám đốc nhà máy sắn Đồng Xuân, cho hay trong những ngày mưa lũ, nhà máy không có nguyên liệu sắn để chế biến, trong khi đó sắn còn tồn đọng với số lượng lớn ở dưới ruộng của nông dân. Hiện số lượng sắn nguyên liệu dồn về nhà máy trên 350 tấn. Nhà máy cố gắng chạy hết công suất chế biến 60 tấn sắn nguyên liệu/ngày để giải quyết hết sắn tồn cho bà con. Rủi ro do thiên tai là bất khả kháng, do vậy nhà máy vẫn giữ giá mua sắn 27% tinh bột trên địa bàn huyện Đồng Xuân là 900 đồng/kg, ngoài huyện là 1.130 đồng/kg. Đối với sắn thối, nhà máy thỏa thuận với nông dân để trừ từ 10 – 30% sản lượng tùy theo mức độ sắn hư hỏng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Hồ Thanh Phương, ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, nhà máy tự định đoạt mức độ sắn thối chứ không hề có sự thỏa thuận với nông dân. Do vậy, bà con bị lỗ vốn nặng vì nhà máy trừ tỉ lệ sắn thối cao. “Sắn của tôi chỉ thối khoảng 20% trong tổng sản lượng hơn 5 tấn, nhưng chiều ngày 16/11, đem cân bán cho nhà máy thì bị trừ đến 40% sản lượng sắn thối nên chỉ còn 3.270 kg. Thêm vào đó, sắn bán theo mức tinh bột 25,8% với giá thấp chỉ có 736 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí về tiền công thu hoạch, tiền chuyên chở, tiền ăn ở cả tuần vì sắn mắc kẹt ở bờ sông… coi như lỗ vốn” - ông Phương nói. Sắn được mùa, được giá cao, nhưng nông dân chưa kịp mừng thì sắn bị ngập lũ, hư thối, lại bị nhà máy trừ tạp chất, trừ sắn thối… Chị Trần Thị Mỹ Trang ở thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước nói như mếu: “Tôi bán gần 4 tấn sắn thì bị trừ mất 800kg sắn hư thối. Tính ra vụ sắn này gia đình tôi mất mát rất lớn”.
Việc phản ánh trên, nhà máy sắn Đồng Xuân cần kiểm tra, xem xét lại để hài hòa lợi ích giữa đôi bên trong hoàn cảnh thiên tai lũ lụt gây nên.
NGUYÊN LƯU