Thứ Ba, 26/11/2024 20:40 CH
Sức bật của công nghiệp Bắc Giang
Thứ Ba, 20/11/2007 14:00 CH

Sau 10 năm kể từ khi tái lập tỉnh (1997-2007), tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Giang tăng bình quân gần 8,7%/năm; năm 2006 tăng 9,5%; năm 2007 dự kiến tăng mức hai con số, hơn 10%; thu ngân sách và xuất khẩu tăng từ 24,5-26%/năm... Bức tranh kinh tế Bắc Giang khởi sắc phần lớn nhờ vào sức bật của phát triển công nghiệp.

 

071120-bg2.jpg

Sản phẩm dây đồng xuất  khẩu của công nghiệp Bắc Giang.

 

CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG - “QUẢ ĐẤM THÉP”

 

Với chiến lược huy động các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp và các ngành có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá kinh tế, Bắc Giang chủ trương xây dựng các khu, cụm điểm công nghiệp gọi là công nghiệp tập trung. Theo đó, tỉnh đã lập quy hoạch và chỉ đạo tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các khu, cụm, điểm công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 khu công nghiệp và 25 cụm công nghiệp, làng nghề với diện tích hơn 2000 ha. Để quảng bá thu hút đầu tư, tỉnh đã mở Website và xuất bản các tài liệu giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư, cử các đoàn đến các tỉnh, thành phố và ra nước ngoài tham quan, học tập, mời gọi đầu tư; ban hành quyết định về trình tự thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa” làm tăng thêm hấp dẫn đầu tư. Nhờ vậy, số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh đã tăng mạnh hàng năm. Hiện toàn tỉnh có 235 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 11 nghìn tỉ đồng và 45 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký hơn 92 triệu USD. Có thể nói, trong thời gian ngắn Bắc Giang đã có bước đi khá dài về thu hút đầu tư.

 

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thì bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là: “Tỉnh đã huy động vốn đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng; bố trí các khu, cụm, điểm công nghiệp hợp lý, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Có chính sách cụ thể, rõ ràng về đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Chính quyền, nhân dân thân thiện với nhà đầu tư là yếu tố quan trọng nhất vì có như thế nhà đầu tư, DN mới yên tâm làm ăn, đầu tư mở rộng sản xuất…”. Ông Tuyên cũng chỉ ra các yếu tố khách quan khác hấp dẫn đầu tư như: Bắc Giang giáp thủ đô Hà Nội và vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội; tác động của hội nhập WTO tạo làn sóng đầu tư mới… Tức là thành công nào cũng phải nhờ vào “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng nhân hòa là quan trọng nhất.

 

Chỉ trong thời gian ngắn nhiều dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, năm 2007 giá trị sản xuất ở khu vực kinh tế này chiếm tỉ trọng khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Điều đáng nói là từ các khu, cụm công nghiệp có những dự án lớn mà giá trị sản xuất ngay trong năm đầu có thể bằng giá trị sản xuất cả năm của toàn ngành công nghiệp. Ví công nghiệp tập trung như “quả đấm thép”, tạo sức bật cho phát triển công nghiệp là như vậy.

 

PHÁT TRIỂN DN CÔNG NGHIỆP

 

Xác định DN công nghiệp là động lực, là trung tâm phát triển công nghiệp, Bắc Giang chú trọng cải thiện môi trường DN. Phương châm cải cách hành chính trong lĩnh vực này là “chính quyền đồng hành cùng DN”. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt giúp DN tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, hầu hết các DN nhà nước đã được đổi mới, sắp xếp chuyển đổi hình thức sở hữu. Những DN sau khi chuyển đổi đã đẩy mạnh huy động vốn, đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức quản lý nên hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. Nhằm hỗ trợ DN khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, Bắc Giang đã khuyến khích các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mũi nhọn như phân đạm, may mặc, chế biến nông sản. Hỗ trợ kinh phí giúp DN đầu tư công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO), bồi dưỡng kiến thức quản trị DN, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, xây dựng thương hiệu cho DN, cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới… Với những biện pháp này, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp đã nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng liên tục và đạt tốc độ phát triển bình quân 33%/năm (theo giá thực tế) trong thời kỳ 2001-2005. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.723 tỉ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2005; năm 2007 dự kiến tăng hơn 28% so với năm 2006.

 

Hàng ngàn lao động đã được thu hút vào làm việc tại DN thuộc các khu, cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong tỉnh, phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Sự khởi sắc trong phát triển công nghiệp cùng với quá trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa đã đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2001-2005, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân 8,4%/năm; năm 2006 tăng 9,5% và năm 2007 dự báo tăng trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đến nay, tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 14,5% (còn 37%); công nghiệp - xây dựng tăng 9,9% (đạt 28%); dịch vụ tăng 4,6% (chiếm 35%) so với năm 1997.

 

CÔNG NGHIỆP “VỆ TINH”

 

Với đặc thù là tỉnh đông dân, điều kiện canh tác ngày càng eo hẹp, dân số nông thôn ngày càng tăng, dẫn đến lao động nông nghiệp dôi dư, thiếu việc làm. Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển nhanh lao động sang làm công nghiệp - TTCN và các ngành nghề khác, Bắc Giang tạo điều kiện phát triển công nghiệp nông thôn mà manh nha từ các làng nghề, ngành nghề thủ công. Theo đó, tỉnh có các chính sách khuyến công, xây dựng quỹ khuyến công (với số tiền 3 tỉ đồng/năm), có chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ dạy nghề cho những người đang độ tuổi lao động ở địa bàn có đất bị thu hồi để xây dựng khu, cụm công nghiệp, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn đầu tư phát triển… Sau bốn năm hoạt động, Quỹ khuyến công của tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10 nghìn lao động với các nghề mây tre đan, mỹ nghệ, thêu ren; hỗ trợ hàng chục các dự án đổi mới công nghệ thiết bị. Tỉnh cũng đã thí điểm đầu tư hạ tầng cho 4 làng nghề với tổng số vốn khoảng 20 tỉ đồng. Việc phát triển công nghiệp nông thôn vừa có ý nghĩa trước mắt là tạo việc làm, cải thiện đời sống nông dân, vừa có ý nghĩa lâu dài tạo điều kiện cho việc thành lập mới các HTX, DN để từ đó hình thành các DN “vệ tinh” cung cấp sản phẩm, nguyên liệu, lao động có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp cho khu vực công nghiệp tập trung là yếu tố quan trọng bảo đảm nền công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

 

CHUẨN BỊ CHO GIAI ĐOẠN TĂNG TỐC

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương về việc cho phép Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) đầu tư Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf Vân Trung (Việt Yên) với diện tích 960 ha, tổng vốn đầu tư 720 triệu USD và sử dụng khoảng 5 vạn lao động. Cũng tại địa bàn huyện Việt Yên nhà đầu tư Hàn Quốc đang xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt - Hàn với diện tích 100 ha. Khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động rất lớn, tạo sự tăng tốc cho công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Các vấn đề lớn cho phát triển trong giai đoạn mới mà tỉnh đặt ra hiện nay là tập trung cao cho việc giải phóng mặt bằng, giao đất đúng tiến độ cho nhà đầu tư; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào ở các khu công nghiệp. Tăng tính chủ động và chuyên nghiệp trong xúc tiến, vận động thu hút đầu tư. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các DN. Tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển DN, tạo điều kiện giúp các DN thu hút thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các DN trước cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường toàn cầu.

 

TRẦN ĐỨC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek